Phản ứng của chính phủ với Corona

Ở Bộ mình ngày hôm trước Bộ Trưởng mới gửi một email thông báo rằng một người thân của nhân viên trong Bộ bị nhiễm COVID-19. Nhân viên đó đã được xét nhiệm. Kết quả âm tính nhưng vẫn cách ly. Bộ cử người lau dọn cẩn thận nơi nhân viên đó làm việc và những vùng lân cận. Bộ cho phép và khuyến khích những ai có tiền sử bệnh sức khỏe kém được làm việc tại nhà, căn dặn toàn thể nhân viên rửa tay thường xuyên và rửa tay ít nhất 20 giây. Tuy nhiên không thấy lệnh phong tỏa hay giải tỏa nhân viên toàn cục bộ gì.

Chiều hôm đó, mình cũng nhận được tin nhắn chung chung từ phòng khám y tế là: “Nếu bị mày nghĩ mày có virus COVIS-19, tuyệt đối đừng tới GP, dược sỹ, hay bệnh viện. Gọi điện cho số NHS111 để biết cần phải làm gì tiếp…” Nói chung khuyến khích ở nhà tự cách ly thay vì đổ xô tới bệnh viện.

Hiện tại có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau trên Facebook về việc liệu nước Anh chủ quan hay “cố tình” chậm rãi, rồi cũng có nhiều ý kiến so sánh chính phủ Việt Nam, chính phủ Anh.

Theo ý kiến chủ quan của mình thì mỗi nước một khác nhau, và cách xử lý của họ phù hợp với văn hoá, lối sống và hoàn cảnh của quốc gia. Sau đây là một số quan sát của mình:

1. Quan sát thứ nhất: Ai cũng biết COVID-19 ảnh hưởng người già mạnh hơn. Ở xã hội Anh, mọi người sống độc lập đơn lẻ, mỗi thế hệ ở một nơi cách xa nhau, việc cách ly tại nhà dễ dàng hơn, không sợ giới trẻ lây sang người già. Trong khi ở Việt Nam, ba tới bốn thế hệ sống chung một nhà, nếu một người bị thì dễ sẽ lây cho tất cả. Vì thế Việt Nam “đánh nhanh thắng mạnh”, nhanh chóng hạ triệt virut như vậy là rất hợp lý.

2. Quan sát thứ hai: Ở Việt Nam, việc ông bà trông cháu là một chuyện bình thường. Đó là một phần của cuộc sống cộng đồng và các ông bà thường trẻ khỏe có sức lực. Trong khi ở Anh, gia đình đơn lẻ cách xa nhau, ông bà thường lớn tuổi vì phần lớn mọi người đều đợi 30 trở lên mới có con. Do thế không phải ông bà nào cũng muốn trông cháu hay đủ sức khỏe để trông cháu. Việc đóng cửa trường học sẽ khiến các ông bố mẹ vô cùng đau đầu nhức óc trong việc tìm người trông con. Thêm vào đó, trẻ em Anh thường dành nhiều thời gian ngoài trời khi không có hoạt động trường lớp. Nếu phải ở nhà mãi tù túng, trẻ không phát rồ thì bố mẹ cũng phát điên. Thanh thiếu niên Anh thì khỏi phải nói, không ngoan hiền như học sinh của mình. Nếu mà được nghỉ học, chắc gì đã chịu ngoan ngoãn ngồi ở nhà cách ly, có khi còn gây loạn hơn cho xã hội.

3. Quan sát thứ ba: Ở Việt Nam, người dân tin tưởng chính phủ, không ngại việc phong tỏa, việc hợp tác với chính quyền. Ở Anh, người Anh không phải ai cũng cho chính phủ là đúng, họ đề cao nhất là quyền tự do cá nhân, chắc chắn sẽ phản đối mãnh liệt tất cả các điều gì hạn chế quyền tự do các nhân, nếu chưa có bằng chứng số liệu rõ ràng. Chính phủ Việt Nam có thể chia sẻ thông tin về cá nhân mang bệnh trên mạng để người dân hiểu rõ tình hình và phòng tránh, và người dân ủng hộ điều này. Nhưng nếu chính phủ Anh mà dám làm như vậy sẽ nhận được chỉ trích ngút trời ngay lập tức vì người Anh vô cùng nhạy cảm với việc tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

4. Quan sát thứ tư: Người Anh thường có nét “Keep calm” trong văn hóa, đó là luôn tỏ vẻ bình tĩnh điềm đạm ở bên ngoài cho dù tình huống có xấu thế nào. Thế nên mình cảm thấy phong cách xử lý “bình tĩnh” của chính phủ rất phù hợp với văn hóa và phong cách của người Anh. Trong khi người Việt Nam mình sống thực với lòng, tự do thể hiện cảm xúc ra ngoài nhiều hơn, nên cách chính phủ nhanh chóng ngăn chặn bệnh dịch bệnh yên ổn lòng dân cũng rất phù hợp.

Khi nói chuyện với bố mẹ chồng người Anh của mình, mình luôn tự hào kể về việc Việt Nam chặn dịch giỏi như thế nào. Mẹ mình vốn đã đặt vé máy bay sang Anh từ đầu tháng ba, nhưng mình đã hoãn vé cho mẹ dù lúc đó số lượng bị nhiễm ở Anh vẫn chưa quá cao vì mình tin là ở Việt Nam an toàn hơn (và quả đúng như thế). Nói thực nếu có thể làm được như Việt Nam triệt để ngăn chặn dịch bệnh, thì nước Anh đã làm lâu rồi, vì chẳng ai muốn dịch bệnh hoành hành. Nhưng mỗi nước có những mối ưu tiên khác nhau, những cách phản ứng với nguy cơ khác nhau, tùy theo hệ thống, hoàn cảnh và mong muốn của người dân.

Chiều nay Bộ Trưởng Bộ mình vốn định có chuyến du hành thăm nhân viên trong Bộ. Cuối cùng phải hoãn lại vì hội nghị khẩn cấp COBRA phòng chống dịch. Nước Anh chính thức chuyển từ gian đoạn 1 “Kiểm soát” (phát hiện sớm các ca) sang giai đoạn 2 “Làm chậm” (hạn chế lây lan của dịch), với hi vọng là đẩy đỉnh điểm của dịch sang mùa hè để ý thống y tế có nhiều sức kháng cự hơn.

Cũng chưa biết diễn biến tiếp theo thế nào, nhưng người dân như mình thì chỉ biết ngồi nghe chính phủ chỉ định: “Keep calm and wash your hands!” (“Giữ bình tĩnh và hãy rửa tay!”).

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!