Review book: Can we trust the Gospels? (Peter Williams, 2018)

Đây là một cuốn sách ngắn đưa ra các bằng chứng chứng minh tính xác thực và đáng tin cậy của bốn cuốn sách Phúc Âm (Gospel) trong Kinh Thánh Tân Ước (New Testament).

Kinh Thánh có 66 sách, trong đó phần Cựu Ước có 39 sách, và Tân Ước có 27 sách. Cựu Ước là phần trước khi chúa Giê-su ra đời. Tân Ước là phần sau khi chúa Giê-su ra đời bắt đầu bằng 4 cuốn sách Phúc Âm thuật lại cuộc đời và lời giảng của chúa Giê-su bởi bốn vị sứ đồ Matthew, Mark, Luke và John.

  • Matthew, trước khi theo Chúa Giê-su, là một người thu thuế từ Capernaum, một trong mười hai xứ đồ, đồ đệ đầu tiên của chúa Giê-su.
  • Mark, không nằm trong số mười hai xứ đồ, mà là người phiên dịch của xứ đồ Peter ở Rome. Thường được biết đến là John Mark, mẹ tên là Mary có nhà cửa ở Jerusalem, là anh họ của Barnabas đến từ Cyprus.
  • Luke, cũng không nằm trong số mười hai xứ đồ, mà một bác sỹ đi cùng Paul trong một số chuyến đi quan vùng địa trung Hải, là người viết duy nhất trong phần Tân Ước có khả năng không phải là người Do Thái.
  • John, con trai của Zebedee, là một trong số mười hai xứ đồ, là em trai của James, và mà một người đánh cá đến từ Caperneum.

Cuốn “Can We Trust the Gospels?” (tạm dịch “Liệu chúng ta có thể tin tưởng sách Phúc Âm?“) này của Peter Williams rất ngắn gọn xúc tích, trình bày luận điểm rõ ràng đi vào trọng tâm, mang đến nhiều những thông tin thú vị có tính thuyết phục cao.

Sách chia làm 8 chương.

Chương 1 “What do Non-Christian Sources day?” kiểm chứng những nguồn thông tin ghi lại bởi những nhân vật không theo Chúa nhằm mang lại tính khách quan. Peter đưa ra 3 nguồn khác nhau: 1) Cornelius Tacitus, là một nhân vật quan trong trong đế chế La Mã, rất ghét những người theo Chúa, cho rằng đó là một sự mê tín dị đoan, 2) Pliny, quản đốc của vùng Bithynia và Pontus, thuộc phía Tây Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ, ra mặt chống đối những người theo Chúa, 3) Flavius Josephus, nhà sử học người Do Thái. Từ ba nguồn này, có thể dễ dàng thấy được những điều sau:

  • Giê-su (Jesus) là một nhân vật có thật trong lịch sử, chết trong tay Pontius Pilate ở Judaea vào khoảng giữa năm 26 tới 36 sau công nguyên.
  • Ngay từ những ngày đầu tiên đã có rất nhiều đi theo Chúa Giê-su.
  • Những người theo Chúa thường bị bắt giữ truy sát.
  • Một số những người đi đầu theo Chúa Giê-su là từ chính gia đình của chúa Giê-su (anh trai do mẹ trên trái đất của chúa Giê-su là Mari đẻ ra).

Chương 2 “What are the Four Gospels?” giới thiệu ngắn gọn về sách Phúc Âm bao gồm tác giả, thời gian sách được viết ra. Theo bằng chứng được chỉ ra, sách Phúc Âm được viết không lâu sau cái chết và sự tái sinh của chúa Giê-su, bởi những người gần gũi và biết rõ chúa Giê-su, tức là rất gần với người thật việc thật, chứ không phải là truyện kể truyền thuyết. Phúc Âm của Matthew, Mark và Luke khá giống nhau về trình tự cách kể, Matthew và Luke có thể đã tham khảo sách của Mark; nhưng sách Phúc Âm của John thì có sự khác biệt nhiều về cách kể.

Chương 3 “Did the Gospel Authors Know Their Stuff?” đi vào chi tiết của sách Phúc Âm. Peter Williams chỉ ra là 4 cuốn sách Phúc Âm nhắc tới tổng cộng 26 thị trấn: 16 trong Matthew và Luke, 13 trong Mark và John, có sự trùng lặp trong 4 cuốn. Nếu sách Phúc Âm chỉ đơn thuần là bịa đặt thì tác giả không cần phải nhọc công nhắc tới nhiều địa danh tới vậy làm gì. Đặc biệt 4 cuốn viết bởi 4 người khác nhau mà có sự tương ứng nhắc nhiều tới tên thị trấn, vùng miền. Sự so sánh với một số sách khác được viết về sau không được công nhận vào Kinh Thánh, ví dụ như là Phúc Âm của Thomas, chỉ nhắc tới 1 vùng, hay Phúc Âm của Judas không hề nhắc tới tên vùng, càng thể hiện rõ sự đáng tin tưởng của bốn cuốn sách Phúc Âm trong kinh thánh này. Peter Williams cũng phân tích cách gọi tên, nhắc tới tên người trong sách Phúc Âm, rất gần với văn hoá thời bấy giờ và hợp lý với tình huống, thể hiện sách Phúc Âm giống như những cuốn sử ký ghi lại sự việc một cách chân thật, không phải là tác phẩm của trí tưởng tượng.

Chương 4 “Undesigned Coincidences” chỉ ra sự giống nhau trong sự việc, nhân vật, tình huống được kể ra trong 4 cuốn sách Phúc Âm, đặc biệt so sánh giữa 3 cuốn đầu và cuốn của John. Dù sự nhấn mạnh có thể khác nhau, nhưng cách ứng xử và tính cách của nhân vật rất đồng nhất giữa 4 cuốn sách Phúc Âm, giống như là tường thuật một sự việc có thật từ các góc nhìn khác nhau.

Chương 5 “Do we have Jesus’s Actual Words?” đi vào chứng minh những câu nói của Giê-su trong sách Phúc Âm là chính xác.

Chương 6 “Have the text changed?” phân tích rằng khả năng ngôn từ vị rơi rớt sau những lần dịch thuật là rất thấp.

Chương 7 “What about Contradictions?” chỉ ra rằng các điểm mà nhiều người đọc cho rằng mâu thuẫn giữa các chi tiết trong sách Phúc Âm thực ra là dụng ý của người viết để khiến người đọc phải suy nghĩ kỹ về vấn đề đặt ra.

Chương 8 “Who would make all this up?” lấy ra một vài tình huống trong sách Phúc Âm khi các xứ đồ làm chuyện đáng xấu hổ, như là xứ đồ Peter, khi chúa Giê-su bị bắt, đã ba lần từ chối sự quen biết với Giê-su vì sợ bị liên lụy. Vì sách Phúc Âm là do các xứ đồ ghi lại, nếu không phải là sự thật, không có lý do gì các xứ đồ lại bịa ra các câu chuyện để tự hạ thấp mình như vậy. Chương 8 cũng nhắc tới sự xác thực của việc tái sinh của chúa Giê-su, rằng có rất nhiều người đã nhìn thấy chúa Giê-su sống lại, nói chuyện với Chúa và thậm chí là ăn cùng bàn với Chúa.

Nhìn chung đây là một cuốn sách vô cùng thú vị, giúp tăng hiểu biết về nội dung và hoàn cảnh ra đời của sách Phúc Âm. Mình chưa bao giờ nghi ngờ tính xác thực của Kinh Thánh, nhưng khi đọc được những cuốn sách có phân tích chi tiết đưa ra bằng chứng xác thực thế này, luôn khiến mình càng vững tin hơn. Mình nghĩ chính vì câu chuyện của chúa Giê-su được kể lại bởi nhiều khác nhau, những nhân chứng trong lịch sử đã được ở gần Chúa, thay vì là lời tự kể của nhân vật “tôi”, khiến câu chuyện đáng tin hơn rất nhiều.

Sách có thể mua trên Amazon UK >>> Can We Trust the Gospels?

Link tới các review khác: Review của Blog “Chuyện của Ngân”.

0 Replies to “Review book: Can we trust the Gospels? (Peter Williams, 2018)”

    1. Chị cảm ơn em rất nhiều vì đã theo dõi những chia sẻ của chị nhé. Chị luôn mong muốn có thể chia sẻ nhiều hơn về đức tin vì đức tin là một điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chị. <3

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!