Tổng hợp các bài chia sẻ kinh nghiệm xuất bản sách

Từ khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay, mình bắt đầu tìm hiểu về việc xuất bản sách ở Việt Nam. Những chia sẻ dưới đây dựa trên kinh nghiệm của bản thân mình khi liên lạc Nhà Xuất Bản (NXB) và nhiều chia sẻ hữu ích trên mạng của các tác giả đã có sách xuất bản. Link nguồn của các bài tham khảo được đăng ở cuối bài.

1. Cách trình bày bản thảo

NXB có thể có yêu cầu cụ thể và quy trình tiếp nhận bản thảo, ví dụ như:

  • NXB Trẻ: https://www.nxbtre.com.vn/diem-tin/quy-trinh-tiep-nhan-ban-thao-cua-nha-xuat-ban-tre-ap-dung-tu-ngay-1112014-23386.html)
  • Rodbooks.com: https://rodbooks.com/lk/quy-trinh-gui-ban-thao.html
  • Nhà sách Văn Uyển (mới thành lập năm 2017): https://gacsach.com/diendan/threads/sach-van-uyen-tiep-nhan-ban-thao.18088/

Nếu không có hướng dẫn cụ thể, từ kinh nghiệm và tìm hiểu của mình, khi chuẩn bị bản thảo nên lưu ý những điều sau:

-Tên file word/pdf: [Tên truyện] + [Bút danh] + [Thể loại], ví dụ: Số đỏ – Vũ Trọng Phụng – Truyện dài

-Sử dụng khổ giấy A4, font chữ Palatino Linotype, size 11 hoặc 12

-Các trang đầu:

+ Dòng đầu tiên ghi “Bản thảo truyện” cỡ chữ to ở giữa.

+ Giới thiệu tác giả: Bút danh, tên thật, năm sinh, email, điện thoại, địa chỉ, link FB hay fanpage nếu có. Giới thiệu sơ lược về bản thân. Giới thiệu những tác phẩm đã ra sách và sắp ra (nếu có).

+ Giới thiệu tác phẩm: Tên truyện, thể loại, số chương, số từ, giới thiệu tóm tắt. Giới thiệu tóm tắt cần phải ngắn gọn, đi vào chủ đề như truyện viết về điều gì, xoay quanh những nhân vật nào…

+ Nhận xét của độc giả (nếu có).

-Phần còn lại: Nội dung tác phẩm

-Tùy theo thể loại và NXB, nhưng nếu là tác phẩm đầu tay không nên dài quá 70.000 từ, tốt nhất là 65.000 từ, vì giá thành sản xuất sẽ rẻ hơn. Có tác giả nộp bản thảo dài 120.000 từ thể loại viễn tưởng đã bị yêu cầu phải cắt ngắn xuống 80.000. Bản thân mình thể loại tình yêu học đường bị yêu cầu cắt từ 85.000 xuống tới 60.000 – 65.000 từ.

-Nên nhờ người đọc giùm soát lỗi chính tả. Nên sử dụng ngôn ngữ thuần Việt và dấu câu theo chuẩn mực văn bản văn chương, không viết tắt hay sử dụng ngôn ngữ teen.

2. Cách viết email gửi nhà xuất bản/ nhà sách

-Tiêu đề email: Bản thảo: [Tên bản thảo] – [Bút danh]

-Ví dụ nội dung email:

“Kính gửi nhà xuất bản,

Em xin phép được gửi tới cách anh chị bản thảo truyện “[Tên truyện]“. Đây là câu chuyện em viết về [sơ lược chủ đề, ví dụ: tình yêu tuổi học trò, và bối cảnh nếu có].

Dưới đây là một số thông tin ngắn về tác giả tác phẩm:

Tên tác phẩm: [Tên truyện]
Thể loại: [Ví dụ: học đường]
Số lượng từ: [Ví dụ: 65.000 từ]
Số chương: [Ví dụ: 25 chương]
Tóm tắt nội dung: [Tóm tắt thật ngắn gọn]
Thông tin về tác giả: [Liệt kê những tác phẩm nào đã được xuất bản hay kinh nghiệm trong việc viết lách nếu có]
Link tới fanpage: [Đưa link nếu có]

Rất mong nhận được sự hồi âm của nhà xuất bản.
Em xin chân thành cảm ơn.
[Tên]”

3. Các điều cần chú ý khi gửi email

-Không gộp chung nhiều nhiều NXB/ nhà sách vào một email.

-Có bạn đã chia sẻ rằng mỗi lần chỉ nên gửi tới một NXB, và sau hai tới ba tuần chờ đợi không thấy hồi đáp thì hẵng gửi tiếp NXB khác. Vì nếu nhiều NXB thẩm định cùng một lúc và duyệt tác phẩm, bạn có thể làm mếch lòng họ nếu từ chối họ.

4. Email của các nhà xuất bản/ nhà sách

-Chú ý nên tìm hiểu thể loại sách của nhà xuất bản và nhà sách trước khi gửi bản thảo để xem thể loại của bạn có phù hợp với định hướng xuất bản của họ không. Có thể lên trang tiki.vn hoặc trang web riêng của NXB/ nhà sách để tìm hiểu.

-Một số email dưới đây có thể đã cũ và không còn hoạt động. Có thể kiểm tra bằng cách google tên nhà sách/ email.

-Email cá nhân dưới đây đều đã được công khai, tuy nhiên một số được cung cấp từ nhiều năm trước, có thể không còn cập nhật.

NXB Kim Đồng: nhienphan@gmail.com (Chị Phan Hồn Nhiên), info@nxbkimdong.com.vn

NXB Trẻ: tiepnhanbanthao@nxbtre.com.vn

Nhã Nam: banthao@nhanam.vn, banthao.nhanam@gmail.com, vohangnga@nhanam.vn

Quảng Văn: info@quangvanbooks.com, bientap5@quangvanbooks.com, minhthuanspv@gmail.com

Hương Giang Book: huonggiangbooks@gmail.com

Người Trẻ Việt: nguoitreviet@gmail.com

Văn Việt Books: info@vanvietbooks.vn

NXB Văn Học: phuongthuynguyenvh@gmail.com, info@nxbvanhoc.com.vn

Bách Việt: publication@bachvietbooks.com.vn, info@bachvietbooks.com.vn

NXB Phụ nữ: kimhang89@gmail.com

NXB Tri Thức: banbientap@nxbtrithuc.com.vn

YoloBooks: publication@yolobooks.vn, banthaoyolobooks@gmail.com

Skybooks: contact.skybooks@gmail.com, zestnhat@gmail.com (Minh Nhật)

Limbooks: cheban.limbooks@gmail.com, banquyenlimbook@gmail.com, nhuthuy1982@gmail.com

1980books: 1980books@gmail.com

Phú Hà: banthaophuhabooks@gmail.com

Cẩm Phong Books: xuatban.camphongbooks@gmail.com, publish.camphongbooks@gmail.com

NXB Thuận Hóa: phanlehanh87@gmail.com

Sách Văn Uyển: banthaovanuyen@gmail.com

WingBooks: info.wingbooks@gmail.com

Bloom: mailinh.dang90@gmail.com

Alpha Book: publication@alphabooks.vn

Công ty Ngòi Bút Việt: bientap.ngoibutviet@gmail.com

Amun Đinh Tị: info@dinhtibooks.com.vn

Phương Đông Book: nhasachphuongdong@yahoo.com

Newstarbooks: ns.newstarbooks@gmail.com:

Huy Hoàng: huongnguyen92hd@gmail.com

Đông Tây: doantuhoan@gmail.com

4. Chờ đợi phản hồi

– NXB Trẻ luôn gửi thư xác nhận đã nhận được tác phẩm của bạn. Thời gian thẩm định của NXB Trẻ là 45 ngày. Họ sẽ luôn báo cho bạn biết tác phẩm của bạn có đủ chất lượng xuất bản hay không. Nếu sau 45 ngày không nhận được thư báo kết quả, bạn nên liên lạc hỏi họ. Tuy nhiên, có bạn đã chia sẻ trên diễn đàn Gác Sách là bạn ấy chỉ biết kết quả là tác phẩm đã đạt tiêu chuẩn sau 3 tháng.

– Phần lớn email gửi các NXB khác thường không được hồi đáp. NXB chỉ liên lạc nếu tác phẩm phù hợp với tiêu chia xuất bản của họ. Nếu sau 30 ngày không nghe thấy tin tức gì từ NXB, khả năng cao là tác phẩm của bạn đã bị loại.

– Cảm giác ngày ngày ngồi đợi email hồi đáp chắc không ai còn lạ gì. Hiển nhiên không phải là một điều dễ dàng. Nhưng bạn có thể yên tâm không chỉ có một mình bạn ở trong tình huống này. Vô cùng nhiều các tác giả gửi email bị mất hút không nhận được hồi đáp. Thế nên hãy kiên nhẫn và đừng nản lòng!

5. Bị từ chối, nên làm gì?

Tìm người đọc thử: Hãy tìm người đọc thử cho bạn và yêu cầu họ cho ý kiến thành thật nhất. Tốt nhất là tìm đối tượng độc giả bạn muốn hướng tới. Ví dụ truyện học đường nên tìm các bạn tuổi teen, truyện khoa học viễn tưởng nên tìm người có sở thích về thể loại này…

Gửi nhà xuất bản khác: Chắc ai cũng từng nghe câu chuyện về J.K.Rowling phải mất 5 năm mới hoàn thành cuốn Harry Potter đầu tiên và bị 12 NXB từ chối. Đến lần thứ 13, bà mới may mắn gặp được biên tập viên Barry Cunningham đến từ Bloombery đồng ý xuất bản cuốn tiểu thuyết này. Chính vì thế không nghe tin hay bị từ chối bởi một NXB không có nghĩa là tác phẩm của bạn không đủ chất lượng. Có thể đơn giản là nó không phù hợp với tiêu chí và kế hoạch sản xuất của NXB lúc bấy giờ. Hãy cứ tiếp tục chỉnh sửa và gửi tiếp các NXB và nhà sách khác.

Viết tác phẩm mới: Nhưng sau khi gửi hết tất cả các NXB và nhà sách, bạn vẫn chưa nhận được phản hồi, thì có khả năng là tác phẩm đó đúng là chưa đạt tiêu chuẩn. Có lẽ đã đến lúc đúc kết và viết một tác phẩm mới.

Tự xuất bản: Tuy nhiên vẫn có một lựa chọn khác nếu bạn có vốn để bỏ ra (chừng vài chục triệu), đó là tự xuất bản. Mình đã thấy rất thú vị khi khám phá ra được rằng nhiều tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử cũng ra đời bằng phương pháp tự xuất bản, ví dụ: tuyển tập truyện Peter Rabbit của Beatrix Potter, truyện “Christmas Carol” của Charles Dicken… Trong phần link của bài viết này, mình có link tới một bài chia sẻ về việc tự xuất bản. Hoặc bạn có thể google trên mạng, giờ xu hướng tự xuất bản cũng khá phổ biến và có nhiều hướng dẫn trên mạng về vấn đề này.

6. Được chấp nhận, các bước tiếp theo

[sẽ sớm được cập nhật]

7. Các link hữu ích/ Nguồn tham khảo

  • Thảo luận và chia sẻ của các tác giả trên diễn đàn Gác Sách: https://gacsach.com/diendan/threads/kinh-nghiem-qua-cac-lan-xuat-ban-sach.9696/
  • Chia sẻ của Võ Anh Thơ (tác giả của “Thiếu Gia và Gái Bar”, “Mang thai tuổi 17”) trên diễn đàn Gác Sách: https://gacsach.com/diendan/threads/email-cac-nha-sach-bao-va-vai-luu-y-khi-ky-hop-dong-giay.12783/
  • Chia sẻ của Hoàng Khôi/ Hoàng Trâm Trần (tác giả của “Chỉ là chuyện cỏn con”): https://hoangkhoiweb.wordpress.com/2016/11/06/lam-the-nao-de-tac-pham-cua-minh-duoc-xuat-ban-thanh-sach/
  • Chia sẻ của bạn Nguyễn Nga về kinh nghiệm sau những lần thất bại: http://www.vietlachvn.com/xuat-ban-sach-vi-sao-toi-chon-con-duong-tu-xuat-ban-sach-dien-tuebook/
  • Chia sẻ về việc tự xuất bản: https://tuhoccontent.com/lam-the-nao-de-xuat-ban-mot-quyen
  • Văn học Tuổi Xanh – tổng hợp email của các nhà phát hành sách:
    https://www.facebook.com/1242494645773498/posts/1761985910491033?sfns=mo

7. Chia sẻ về trường hợp cá nhân mình (03/09/2019)

Cả cuộc đời mình tới trước năm 28 tuổi vẫn nghĩ mình không hề có khiếu viết văn và chắc chắn có nằm mơ cũng không nghĩ tới việc viết truyện viết tiểu thuyết vì mình thích đọc sách kỹ năng hơn là các câu chuyện không có thật.

Vậy mà một ngày mùa thu năm 2016, tình cờ nằm ngủ mơ… Mơ thấy một người con trai đau đớn quặn thắt con tim vì người con gái không còn nhận ra mình. Tỉnh dậy, mình liền đặt bút viết, câu chuyện về một cô gái bị mất trí nhớ. Lúc đó viết liên một mạch tù tì, ngày nào cũng viết, đi du lịch cũng viết. Mình còn nhớ khi ở Ý năm đó, ngày đi chơi đêm nằm viết, viết xong thì post lên blog. Sau một tháng, câu chuyện hoàn thành tổng cộng 71.000 từ. Sử ủng hộ mạnh mẽ của các bạn theo dõi blog lúc đó là một động lực lớn, ngày nào không post cảm thấy thật có lỗi với các bạn.

Đến tháng 11, mình post truyện lên diễn đàn Gác Sách, lần này khoảng một hai tuần post một chương, có chỉnh sửa kỹ càng cẩn thận. Sau sáu tháng, câu chuyện từ 71.000 từ đã trở thành 134.000 từ. Các chị em của blog vẫn ủng hộ theo dõi mình nhiệt tình, và số lượng view tăng vèo vèo tới 35.000, trở thành một trong những thread nhiều view nhất trên diễn đàn. Thực ra nhiều view cũng một phần do bị các bạn trên diễn đàn ném đá nhiều. Nói chung là một câu chuyện gây tranh cãi. Và mình đồng ý với nhiều nhận xét trái chiều.

Tầm tháng 4 năm 2017 mình thử gửi các NXB. Cùng một ngày mình gửi cho Limbooks, NXB Trẻ, Yolobooks, Người Việt Trẻ, Sách Bắc Hà, NXB Văn Học, Hương Giang Books, Nhã Nam, Quảng Văn, Bách Việt, Skybooks. Ngày hôm sau mình nhận được email xác nhận của Bách Việt, NXB Trẻ, Limbooks, và Hương Giang Books. Và cuối cùng có NXB Trẻ thông báo sau hơn một tháng rằng chưa thể đưa bản thảo vào kế hoạch của NXB. Limbooks cũng trả lời sau khoảng một tháng rưỡi rằng chưa phù hợp với tiêu chí và định hướng xuất bản của Lim. Mình không nhận thêm được thông tin gì từ các nhà sách khác.

Hai tháng sau, tháng 6 năm 2017, mình bắt đầu viết câu chuyện mới, lần này viết hai câu chuyện cùng một lúc, tiếc rằng không lâu sau đó phải dừng lại vì bận đi làm. 9 tháng sau, tháng 3 năm 2018, tranh thủ thời gian nghỉ chuyển việc, mình tiếp tục một trong hai câu chuyện dang dở từ năm ngoái, viết được 7 chương 20.000 từ thì phải dừng vì công việc. 18 tháng sau, một lần nữa nghỉ chuyển việc, mình mở file cũ ra ngồi cắm mặt vào máy tính viết ngày viết đêm. Vậy là ấp ủ từ tháng 6 năm 2017, đến tháng 8 năm 2019, mình đã hoàn thành câu chuyện dang dở, kết thúc với 85.000 từ.

Ngay sau khi hoàn thành câu chuyện, mình gửi tới cho 7 người quen bao gồm bạn mình, bạn của các em mình, bạn mình quen trên diễn đàn mạng để xin ý kiến nhận xét. Có bạn chỉnh cho mình chính tả rất cẩn thận, có bạn chỉnh cho mình chi tiết, cách dùng câu từ. Các bạn đều cho mình biết về cảm nhận của các bạn khi đọc, và tất cả lời nhận xét của mọi người đều được mình xem xét cân nhắc kỹ càng.

Lần này mình không gửi bản thảo hàng loạt nữa. Mình chỉ gửi tới đúng một NXB trước, NXB Kim Đồng, vì mình xét thấy thể loại truyện phù hợp với tiêu chí của NXB. Mình tình cờ tìm được trên mạng email cá nhân của Ban Biên Tập trên một trang chia sẻ kinh nghiệm xuất bản nên liên lạc trực tiếp với chị.

Mình gửi ngày 12/08, ngay ngày hôm sau, ban biên tập (BBT) thông báo đã nhận được bản thảo và sẽ thẩm định trong tháng 8. Mình kiên nhẫn chờ đợi được hai tuần rưỡi. Hai ngày trước khi hết tháng, mình gửi email hỏi về kết quả thẩm định. Ngay lập tức BBT trả lời nói rằng BBT đã đọc bản thảo và đang thảo luận cũng như tham khảo ý kiến của các khâu khác, hẹn mình cuối tuần. Mình thực sự rất trân trọng sự hồi đáp nhanh chóng và lịch sự cũng như thái độ làm việc chuyên nghiệp của BBT trong suốt quá trình.

Đúng ngày hẹn, BBT liên lạc và thông báo rằng bản thảo phù hợp với tiêu chí xuất bản, nhưng yêu cầu mình cắt từ 85.000 từ xuống khoảng 60.000 tới 65.000 từ. Lý do là giá thành và độ dày của sách sẽ phù hợp hơn với độc giả. Mình hoàn toàn hiểu điều này vì bản thân mình cũng thích chọn đọc sách cỡ vừa phải. Mình lập tức cắt giảm lượng từ cho phù hợp và gửi lại bản thảo. Hai ngày sau đó, BBT trả lời nói rằng bản thảo sẽ được đưa vào kế hoạch biên tập tháng 11, 12 và kế hoạch sản xuất đầu năm 2020, tuy nhiên mình cần đổi tựa đề cho phù hợp hơn. Vậy là nếu mình tìm được một tựa đề hay và không có gì thay đổi, đầu năm sau mình sẽ có cuốn sách đầu tiên của mình trên kệ rồi. 🙂

8. Các bài chia sẻ thú vị của tác giả khác

Đây là chia sẻ của bạn Voi Ngọt Ngào, trình bày bởi admin Hexagon trên diễn đàn Gác Sách. Bạn có rất nhiều tác phẩm trên Gác Sách và nhiều trong số đó đã xuất bản (19/4/2014)

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cái ngày tôi rẽ ngang đánh dấu một sự kiện đặc biệt trong cuộc đời mình. Tôi không biết với người khác “viết sách” là chuyện như thế nào? Có thể nó như là cơm mà họ vẫn ăn hàng ngày, quen thuộc và dễ dàng. Nhưng với tôi nó là một cái gì đó kỳ diệu và thiêng liêng lắm. Viết một tác phẩm theo trí tưởng tượng của mình vốn không dễ và để biến nó thành một cuốn sách nằm trên kệ gỗ, chưa ai bảo đó là chuyện dễ dàng.

Ở cuốn sách đầu tiên, với tôi đó như là một phép màu. Hoàn toàn là may mắn. Đó là một bản thảo bình thường trong các bản thảo đã viết của tôi. Tôi cũng từng gửi tới một số đơn vị theo email tìm được qua các trang. Nhưng hầu hết ko có nxb nào trả lời trừ Quảng Văn. Tôi vô cùng thích cách làm việc của họ dù chưa có cơ hội hợp tác. Chị biên tập là một người hơn tôi 6 tuổi, tới bây giờ tôi vẫn chưa biết tên chị là gì dù hàng ngày tôi vẫn cùng chị cmt trên face, tôi quen với nick name của chị là: ” Bà Già Kháu Khỉnh” và thích tính cách cũng như những chia sẻ của chị. Cũng như việc có nhiều người họ ko biết tên tôi, họ đơn giản gọi tôi là V vậy. Khi đó chị ấy có hẹn là sau 1 tháng sẽ trả lời. Và bản thảo của tôi bị từ chối. Điều quan trọng là khi từ chối bản thảo, tôi cảm thấy vui.

Bởi không phải ai cũng đủ nhẫn nại để chỉ ra cho bạn biết đứa con của bạn chưa ổn ở chỗ nào? Các bạn phải vượt qua thất bại ra sao? Và niềm tin quan trọng như thế nào trong cuộc sống.

Nếu bạn từng chờ đợi mail của ai đó thì bạn sẽ hiểu cái cảm giác chờ đợi phản hồi như thế nào. Ngày nào cũng check mail rồi lại thất vọng nhiều hơn, đôi khi nản lòng và muốn buông xuôi mọi thứ. Và ở cái giai đoạn chán nhất ấy, có một người inbox cho tôi.

Tôi quen M chính từ tin nhắn đó. M bằng tuổi tôi, cô ấy là biên tập cho một nhà xuất bản có tiếng, chuyên nâng đỡ cho những cây bút trẻ. M hỏi tôi có muốn in sách để làm kỷ niệm không? Khi đó tôi nghĩ rất đơn giản là chỉ in sách thôi, tôi không hề nghĩ là in sách mình sẽ có tiền. Lúc đó tôi cần sách, tôi ao ước được biến những con chữ của mình thành cuốn sách thơm mùi giấy mới. Một giấc mơ mà như bao lần tôi vẫn mơ.

Tôi gửi bản thảo cho M, đó là những chương đứt đoạn rời rạc. Sau này tôi mới biết cách làm việc của mình quá cẩu thả, cũng vì tôi chưa có kinh nghiệm lại càng ko quen ai trong ngành này. Cô ấy sắp xếp lại chúng thành 1 bản hoàn chỉnh và duyệt bản thảo. Trong những tp tôi gửi, cô ấy chọn ra bản thảo ngắn nhất, trẻ trung nhất và là bản thảo mới bị từ chối. Thật tình cờ!

Trong suốt một tháng, bản thảo cứ trao đổi đi trao đổi lại vài lần giữa tôi và biên tập bên ấy. Bởi trong quá trình biên tập lại nó mắc rất nhiều lỗi sai, về cách dùng câu, từ và lỗi chính tả. Ngay như đơn giản, chữ “cafe” mà chúng ta vẫn dùng vào trong sách sẽ thành “cafe’ “. Hay như tên điện thoại thông dụng “IPhone” cũng sẽ đổi thành “iPhone”. Có một số chi tiết không đúng với khoa học, tôi đã không biết làm sao để sửa cuối cùng lại cắt bớt. Khi viết chỉ nghĩ cho vào sẽ thêm sinh động nhưng nó lại không được khoa học chứng minh. Trong vòng một tháng ấy, rất nhanh chóng tôi nhận được hình ảnh về bìa sách của mình. Nó lung linh và đẹp quá, tôi chỉ tiếc ko chạm vào được nó ngay thôi. Cảm giác đó kỳ diệu lắm rồi sách nhanh chóng được in. 1 tháng! Nó quá nhanh so với sự tưởng tượng ban đầu. Mọi thứ đều chuyên nghiệp và tôi chẳng phải lo lắng hề hấn gì, cả chuyện hợp đồng cũng vậy. Cứ như thế, cuốn sách đầu tiên của tôi xh trên kệ gỗ.

Ở cuốn sách thứ 2, nó là một vòng luẩn quẩn. Bởi quá trình mất 3 tháng cho đến khi sách lên kệ. Tôi bận hơn một chút với nó. Đầu tiên đó là việc biên tập lại bản thảo, rồi việc sốt sắng vì bìa sách ko có, rồi khi có cũng ko có ưng. Trước đây, mọi thứ đều có nxb lo, nhưng vì ở cuốn mới là do một đơn vị khác phát hành_đó là đơn vị mới nên tác giả sẽ phải tự túc nhiều hơn. Tôi gần như trở nên nổi cáu vì bìa sách lâu có rồi sách lâu ra. Khi đó tôi mất bình tĩnh, mất cả kiên nhẫn. Nhưng vẫn ko thấm vào đâu so với cuốn sách thứ 3 đang chuẩn bị ra đời. Quan hệ giữa tác giả và nhà phát hành cũng như quan hệ của cặp vợ chồng trong một cuộc hôn nhân. Ở đó chắc chắn sẽ có một sự bất đồng nhỏ, không cùng ý kiến rồi là tranh luận, đôi khi gay gắt cũng rất bình thường. Quan trọng trong mối quan hệ ấy là cả hai bên đều phải biết nhường nhau để đạt được kết quả tốt nhất. Bạn không thể phân đúng sai, cao thấp mà bạn chỉ có thể nghĩ cái gì mình chấp nhận được, cái gì không. Đầu tiên phải kể tới thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng. Trước khi gửi bản thảo, tốt nhất bạn nên thỏa thuận về giá cả nhuận bút mà mình được hưởng, rồi thời hạn hợp đồng và cách thức tiến hành. Ví dụ như là thời gian bg sẽ phát hành sách? Rồi khi chấp nhận thì lại là lúc hỏi han về cái bìa sách, bg họa sĩ sẽ trả bìa? Bạn muốn sửa chỗ nào? Đôi khi bạn thấy cau có và khó chịu. Đó vốn là chuyện quá đỗi bình thường. Nhất là trong một mối quan hệ nhập nhằng chồng chéo thì còn khó chịu hơn nhiều. Nhưng chúng ta phải biết chấp nhận nếu muốn có một đứa con thêm nữa. Có lẽ tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến của những người có kinh nghiệm. Họ chắc chắn sẽ chỉ ra cho bạn.

Tôi nhận ra là khi mình gửi bản thảo sẽ ko được để ý nhưng bỗng dưng một ngày đẹp trời, một ai đó vào facebook inbox và hỏi bản thảo thì chắc chắn bản thảo đó sẽ biến thành sách trong 1 thời gian không lâu. Gửi bản thảo cho cá nhân tốt hơn nhiều là gửi cho đơn vị. Bởi cá nhân chắc chắn phải là người có kinh nghiệm và họ sẽ biến bt của bạn thành sách trên kệ. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên đúng đắn và chân thành nhất. Ở cái nghề này, cái bạn được không chỉ là nhuận bút mà là rất nhiều, mối quan hệ, những bài học để đời và kinh nghiệm để nói cùng với những người trẻ hơn mình còn thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, bạn hãy tìm tới cá nhân làm biên tập trong các đơn vị phát hành, hoặc là chia sẻ trong các nhóm được lập nên. Họ sẽ nâng đỡ bản thảo của bạn tốt hơn nếu thấy có triển vọng. Hơn là việc bạn mò kim đáy bể, gửi tới các nxb hay dễ bị bỏ xó một chỗ.

Tôi từng có may mắn làm việc với 3 đơn vị phát hành. Ở đó cách làm việc của họ đều khác nhau. Chắc chắn những cty lâu năm họ sẽ có kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp. Còn cty mới họ có sự nhiệt tình và quan tâm. Tôi không nói là bạn nên gửi gắm bản thảo cho bên nào sẽ tốt hơn mà quan trọng ở đây, bạn làm việc với bên nào cảm thấy tin tưởng và dễ chịu thì hãy chọn họ. Đó mới là thiết yếu trong một mối quan hệ công việc. Bởi vậy, bạn cứ chuẩn bị bản thảo tốt nhất đi, chỉnh lại câu từ rồi cách trình bày, rồi để nó xuất hiện và được biết đến nhiều hơn trên một số trang đọc ol trong mạng, sau đó hãy tìm tới một ai đó làm biên tập trong facebook. Người ta phải biết tới bạn thì bạn mới có cơ hội nhiều hơn. Đặt vấn đề thẳng và nc với họ, hoặc qua những tg đã ra sách bạn sẽ có mail của người đỡ đầu. Cứ như vậy bạn sẽ rút ngắn được con đường thành công của mình. Chúc các bạn may mắn.

Các tác phẩm của Voi trên Gác Sách: http://gacsach.com/author/voi-ngot-ngao.html

Các tác phẩm đã xuất bản:
– London còn xa lắm.
– Mùa nhớ đi qua người xa tay với.

Sắp xuất bản:
– Lần Nữa Lại Yêu
– Lạc Trong Miền Nhớ (viết cùng Hân Như và September Rain).

Link tới bài chia sẻ gốc: https://gacsach.com/diendan/threads/kinh-nghiem-qua-cac-lan-xuat-ban-sach.9696/#post-44094

Chia sẻ của Lâm Phương Lam, tác giả đã có nhiều sách xuất bản, trên diễn đàn Gác Sách về việc phản hồi của NXB (3/8/2015)

1. Bạn có thể nhận được phản hồi bằng email (đại đa số), thậm chí là điện thoại trực tiếp (mình từng nhận được 1 cuộc gọi từ Hà Nội vào Sài Gòn) nếu họ nhận được bản thảo, thời gian là khoảng vài phút cho đến một ngày sau khi bạn gửi bản thảo đi. Họ có thể cho bạn biết khoảng thời gian thẩm định là bao lâu. Với tác giả mới, chưa từng làm việc chung, họ có thể hẹn 2 tuần đến 1 tháng. Sau khoảng thời gian đó, nếu bạn không thấy tín hiệu gì qua email hay điện thoại, chứng tỏ bản thảo của bạn đã bị LOẠI.

2. Bạn vẫn nhận được hồi âm, dù là được nhận in hay bị chối từ một cách khéo léo (tùy thuộc vào cách làm việc và cái tâm của BTV của công ty đó)

– Bạn nhận được email TỪ CHỐI rất chung chung, giống như một văn bản soạn sẵn vậy. Tôi muốn nhấn mạnh là, bạn đừng quá bất ngờ nếu bản thảo bạn gửi là tập truyện ngắn, nhưng trong email kia lại dính đến hai từ “tiểu thuyết”. Thậm chí, nếu có vô tình thôi nhé, bạn gửi lời nhắn nhưng quên đính kèm bản thảo, bạn vẫn MAY MẮN nhận được email từ chối bản thảo như thể họ đã đọc rồi vậy.

– Bạn nhận được email TỪ CHỐI rất cẩn thận đến dài dòng, họ chỉ cho bạn biết ưu điểm trước (lời khen cho bạn – thường hai hay ba gạch đầu dòng), và sau đó là nhược và nhược điểm (vô cùng chi tiết, từ nội dung mới hay cũ, văn phong mềm mượt hay thô cứng, vốn từ vựng phong phú hay nghèo nàn…) Sau cùng, họ nói với bạn rằng, họ vẫn rất mong nhận được bản thảo mới của bạn.

Tới đây, bi kịch còn chia tiếp thành hai luồng:
+ Bạn vui mừng vì được đánh giá bản thảo một cách chi tiết, hào hứng sửa hoặc có bản thảo mới và gửi đến chính nơi đã NHIỆT TÌNH với bạn. Nhưng rất tiếc, họ không hồi âm, bởi có thể (lời khen cho bạn – thường hai hay ba gạch đầu dòng) kia chỉ là thủ tục ban đầu nhằm khuyến khích, tán dương trước khi từ chối phũ phàng. Đừng buồn, nếu họ quên mất bạn là người trước đó hoặc đã bị vào black list chẳng hạn.
+ Bạn may mắn hơn khi BTV ấy nhiệt tình với bạn bằng một bản thảo mới gửi đến để thẩm định, chứ 90% họ sẽ không thẩm định lại bản thảo cũ dù bản sửa sau khi gạch ra một tràng nhược điểm.

Thực ra, viết lách rất dài. Bị từ chối bản thảo hãy coi như thiếu duyên với nơi ấy. Nhưng mình nghĩ, nếu bạn nhận được góp ý từ công ty A, sau khi sửa thì nên gửi qua công ty B, và nếu đến công ty C vẫn bị từ chối, mình nghĩ lúc đó bản thân nên nhìn nhận lại chất lượng đứa con của mình một cách thẳng thắn, công khai, chứ đừng đổ lỗi do yếu tố khách quan bên ngoài: nổi tiếng không, đã từng xuất bản những gì nhé!

Chúc bạn may mắn.

Link tới bài chia sẻ gốc: https://gacsach.com/diendan/threads/kinh-nghiem-qua-cac-lan-xuat-ban-sach.9696/page-10#post-273366

Chia sẻ của Lâm Phương Lam trên diễn đàn Gác Sách về việc nhận được sự đồng ý của nhiều NXB (6/8/2015)

Câu hỏi: Đã có tác giả nào ở đây, cùng một bản thảo (đem gửi cho nhiều nhà xuất bản), và đã được nhiều hơn một nhà xuất bản đón nhận chưa nhỉ? Trong trường hợp ấy thì các bạn thường theo bên nào, từ chối bên nào, từ chối ra sao, hay chưa từ chối vội, đợi nhận hợp đồng rồi đem so sánh v.v…?

Trả lời: Mình gặp trường hợp này nhận rồi, nhưng điểm xuất phát không phải ở ngay ban đầu, tức mình không cùng gửi bản thảo đi cho nhiều NXB khác nhau.

Bản thảo đó mình được 1 bên hồi âm duyệt sau bảy ngày thẩm định, tuy nhiên qua sang tuần mình lại không nhận được đàm phán hợp đồng. Lẽ ra, mình cũng chờ đợi thôi, nhưng một BTV khác của công ty lớn hơn, uy tín hơn chủ động hỏi bản thảo. Minh không vội vàng gửi bản thảo cho công ty sau luôn mà xin dăm hôm với lí do sửa bản thảo mới cho trọn vẹn, chứ mục đích chính là phản hồi của công ty đầu tiên. (Có thể, bạn nghĩ mình tham lam, nhưng mình không muốn mất lòng công ty đầu, mà cũng không muốn vuột mất cơ hội chào mời từ công ty lớn hơn.)

Qua hết tuần, mình quyết định gửi bản thảo sang công ty mới, may mắn, bản thảo được duyệt sau năm ngày thẩm định và được duyệt luôn, gửi hợp đồng để mình xem xét cũng như bổ sung điều kiện luôn. Lúc này, mình mới từ chối công ty đầu với lí do rõ ràng thuyết phục hơn: mình chờ lâu quá, không thấy hợp đồng, không biết bên bạn còn muốn hợp tác không.

– Ở sự việc trên, mình không khẳng định mình làm đúng nhé, vì chưa từ chối công ty đầu đã chuyển sang công ty sau. Tuy nhiên, may mắn ở đây, là mình lấy được lí do rút bản thảo nghe có vẻ thuyết phục hơn khi công ty đầu chưa gửi hợp đồng.

Tuy nhiên, ở góc độ làm sách, mình cá với bạn là chẳng đơn vị nào thích nếu biết tác giả mang con của mình đi “chào ngõ” ở nhiều nơi đâu ạ. Bạn nghĩ, đây là quyền của bạn, lợi ích của bạn, nhưng với người làm sách, việc đó ứng với mất thời gian, công sức thẩm định… Trừ khi bản thảo của bạn gây dấu ấn mạnh mẽ, được các đơn vị cá cược sẽ làm thành chuyện lớn và một bom tấn, thì họ mới ra sức nới lỏng điều kiện từ nhuận bút, lượng in… để chèo kéo bạn thôi. Chứ đơn vị làm sách mà biết bạn mang con bạn chào ngõ nhiều nơi, họ sẽ bỏ xó bản thảo luôn, chứ đừng nói đến chuyện thẩm định hay FW 1 cái email soạn sẵn về lời từ chối.

Hiện nay, với những tác giả đã có sách xuất bản hoặc in quen ở một đơn vị, nếu không muốn tìm kiếm cơ hội mới ở các đơn vị khác, họ thường có xu hướng in ở một đơn vị thân quen (tuy nhiên, ở đơn vị đó, sách đã xuất bản của bạn phải đảm bảo mức tiêu thụ).

– Cuối cùng, với tác giả trẻ, cũng như mình đã in sách ở 4 đơn vị khác nhau, có những đơn vị mình đã từng in 2 cuốn, mình muốn nhấn mạnh một điều là:
Các bạn muốn đợi hợp đồng để so sánh ư?
Các bạn muốn so sánh những điều khoản gì? Số lượng in, nhuận bút %, trích thuế?
Với tác giả mới:
+ Số lượng in trung bình chỉ di dịch từ 1000-2000 bản.
+ Nhuận bút bình quân 8-10%, thậm chí mình còn biết một người bạn từng nhận 6% cho mức truyện ngắn đấy. Hay ở một công ty, họ trả mình 12%. Nhưng với các tác giả nổi tiếng, họ in vài chục ngàn bản, nhuận bút >15% thì làm sao?
+ Mức thuế cá nhân phải trả, mình làm ở một nơi là 5%, một nơi 10%
+ Bạn kí kèm bản ebook phát hành sách?

Link tới bài gốc: https://gacsach.com/diendan/threads/kinh-nghiem-qua-cac-lan-xuat-ban-sach.9696/page-10#post-273366

—-

Ảnh minh họa:

10 Replies to “Tổng hợp các bài chia sẻ kinh nghiệm xuất bản sách”

    1. Chị cũng hi vọng là bài viết hữu dụng cho các bạn đang tìm hiểu về vấn đề này. Chị có link lên diễn đàn Gác Sách đó, trên đấy nhiều chia sẻ hữu ích lắm.

  1. Thân gửi chị,

    Em là một tác giả mới, vẫn đang loay hoay kiếm tìm vị trí của mình trong văn đàn.
    Hiện tại em đang chờ đợi phản hồi bản thảo từ một nhà xuất bản, tuy nhiên có một vấn đề nho nhỏ và chắc chắn cũng không hề xa lạ với những ai đã và đang ở vị trí như em, đó là chờ đợi.
    Đến nay em đã chờ phản hồi từ nhà xuất bản này được hơn bốn tháng. Trước đây em cũng đã từng gửi bản thảo đến đơn vị này và nhận được thư từ chối sau đó 42 ngày, chính vì vậy mà em tin rằng dù xấu dù tốt thì mình cũng sẽ nhận được phản hồi từ phía họ. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì em không còn cảm thấy yên tâm nữa. Liệu có phải phía đơn vị đó đã bỏ qua em không? Hay liệu việc bản thảo của em thực sự vẫn đang trong quá trình xét duyệt là một tín hiệu tốt?

    Mình rất mong sớm nhận được phản hồi từ chị.

    Xin chân thành cảm ơn chị!

    1. Chào em, cảm ơn em đã ghé qua blog của chị. Chị nghĩ em nên gửi thêm email hỏi NXB. Chị cũng đã từng đợi bốn tháng rồi gửi email hỏi thì họ hồi đáp. Chúc em thành công với bản thảo của mình nhé.

  2. Chào chị, cảm ơn sự chia sẻ rất hữu ích của chị. Chị có thể cho em biết nếu bản thảo của mình được đồng ý, thì sẽ phải đến kí kết hợp đồng trực tiếp hay có thể kí qua đường chuyển phát nhanh ạ?

  3. Chị ơi cho em hỏi trước khi nộp bản thảo cho nhà xuất bản có nên đăng ký bản quyền tác phẩm không hay trong quá trình xuất bản mình sẽ được tư vấn ạ?

    1. Chị không đăng ký bản quyền tác phẩm trước khi nộp bản thảo. Chị không đăng lên mạng mà chỉ nhờ một số người chị tin cậy đọc giùm nên không quá lo lắng về chuyện tác phẩm bị sao chép. Nếu em gửi cho NXB uy tín, chị nghĩ không cần phải lo về chuyện bản quyền. Nhưng em có thể hỏi NXB tư vấn cho em. Sau khi xuất bản chị cũng không đăng ký gì, vì đã xuất bản coi như là đã có chứng nhận là tác phẩm thuộc về mình rồi.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!