2022-09 Hẹn hò ở Luân Đôn, ngân hàng và triển lãm (Bank & Bermondsey)

Một điều mình rất thích ở Luân Đôn là không bao giờ thiếu thứ để ngắm để làm. Luân Đôn không chỉ đẹp rực rỡ khắp mọi nơi mà còn nhộn nhịp sống động ở mọi ngóc ngách. Đây là một trong những lý do mà mình nghĩ mình sẽ không thể nào rời xa Luân Đôn nổi.

Thức dậy một buổi sáng, nẩy nhã hứng muốn đi hẹn hò. Chồng bấm bấm nháy nháy vài ba phát trên Google là đã ra kế hoạch cho buổi hẹn hò. Cổ điển có, hiện đại có, tài chính có, nghệ thuật có, nắng có mà mưa cũng có… cùng tại một góc phố của Luân Đôn.

1. Bảo tàng Ngân Hàng Nhà Nước Anh Quốc

Điểm đến đầu tiên của hai vợ chồng là Bank of England Museum, bảo tàng Ngân Hàng Nhà Nước Anh Quốc, nằm ngay cạnh trạm tàu điện ngầm Bank ở góc phía Đông của trung tâm thành phố.

Lần đầu tiên mình bước chân vào tòa nhà này là khoảng 12, 13 năm về trước khi mình đến thi tuyển thực tập mùa hè cho chương trình sinh viên thực tập. Mình còn nhớ cảm giác của một sinh viên ngố nghế bị choáng ngợp bởi vẻ uy nghiêm của tòa nhà, cảm giác máu nóng lên mặt khi làm bài kiểm tra không biết đáp án là gì. Và tất nhiên là mình trượt chữ “ượt” kéo dài.

Nguồn ảnh: Bank of England Museum nhìn toàn cảnh từ bên ngoài

Lần này trở lại, cảm giác tâm thế khác hẳn, tự tin, đĩnh đạc. Giờ già đầu rồi, lại là khách du lịch đi xem bảo tàng, tất nhiên rất khác cái thời khi còn sinh viên còn mài đũng quần trên ghế nhà trường chắp CV đi xin thực tập. Thực ra cũng có một phần vì mình từng làm việc trong Bộ Tài Chính, có một vài giao dịch với Ngân Hàng Nhà Nước, nên giờ thấy rất quen thuộc, thậm chí bước chân vào tòa nhà mà thấy thân thương như đi về… ngôi nhà cũ, kỷ niệm thời xưa ấy sống dậy ùa về.

Tòa nhà Bank of England rất lớn. Cửa vào khu vực viện bảo tàng khác với cửa chính dành cho giao dịch. Bảo tàng mở cửa miễn phí cho tất cả mọi người vào thăm, có bày trí thông tin về lịch sử kiến trúc của tòa nhà, lịch sử về tiền tệ và sự phát triển của ngân hàng theo thời gian.

Ảnh: Kiến trúc đầu tiên của Ngân Hàng thiết kể bởi Sir John Soane vào thế kỷ 18, sau đó đã bị phá đi vào những năm 1920 để xây thành tòa nhà 7 tầng như hiện nay

Ngân hàng cũng có bày ra một thỏi vàng 13 ký để dân chúng có dịp sờ và nhấc. Trông cỡ bằng cục gạch mà nặng như cử tạ. Theo tính toán sơ sơ của anh chàng nhà mình, cục vàng này có trị giá chừng 600k bảng Anh, khoảng 16 tỷ tiền Việt.

Trong mật thất dưới tầng hầm của tòa nhà có cất chứa rất nhiều thỏi vàng như vậy, nhưng tất nhiên, không mở cửa cho khách du lịch thăm quan :).

2. Tòa nhà Royal Exchange

Rời khỏi Bank of England để đi tìm quán cà phê, hai vợ chồng mình có đi qua tòa nhà Royal Exchange. Tòa nhà này được xây dựng từ thế kỷ thứ 16, đóng vài trò như trung tâm thương mại của Luân Đôn. Tới thời điểm hiện tại thì không còn là trung tâm thương mại nữa mà là một khu vực của các cửa hàng nhỏ buôn bán vàng bạc đá quý. Nhìn qua cửa kính thấy vàng bạc đá quý trưng bày không ghi giá tiền là mình biết mình không phải là đối tượng khách hàng rồi. Giữa tòa nhà có một cửa hàng ăn, là nơi dân công sở Luân Đôn gặp gỡ hẹn hò giờ ăn trưa.

Nguồn ảnh: Bên trong Tòa nhà Royal Exchange

3. Cà phê notes

Hai vợ chồng mình dừng chân tại quán cà phê Notes không xa trạm tàu điện ngầm Bank. Đây là chuỗi cửa hàng cà phê hiện đại mới mở một vài năm trở lại đây. Khi Notes còn trong giai đoạn gọi vốn, có nhận đầu tư từ cá nhân nhỏ lẻ, và vợ chồng mình cũng đầu tư một xíu vào chuỗi cà phê này vì thích vị cà phê, và cũng thích phong cách của quán. Ở Luân Đôn đầu tư nhỏ lẻ 100 bảng (3 triệu), 1000 bảng (30 triệu) đều được, chứ không cần phải có nhiều tiền. Vợ chồng mình là kiểu đầu tư cho vui, thích thì ủng hộ thôi, chứ không phải là kiểu đầu tư chờ lợi nhuận.

Nguồn ảnh: Notes Coffee gần Bank

Mình gọi món pancake với thịt hun khói yêu thích và rất hài lòng với đồ ăn của mình. Quả là đầu tư không hối hận.

4. Con đường Bermondsey

Điểm đến tiếp theo của hai vợ chồng mình là đường Bermonsey ở gần London Bridge, cách Bank chừng 15, 20 phút đi bộ. Nếu không thích đi bộ thì có thể nhảy lên tàu điện ngầm, đi một bến trên đường đen Northern Line, chừng 2 phút là tới.

Nguồn ảnh: Bermondsey Street

Mình đã từng làm việc nhiều năm ở gần đó, nên không mấy xa lạ với khu vực, tuy nhiên, lại chưa từng tới con đường Bermondsey này. Hai vợ chồng mình tới đây vốn để xem triển lãm, nhưng không ngờ con đường này lại nhộn nhịp tấp nập với nhiều quán ăn nhà hàng tới vậy. Còn tình cờ nhìn thấy một quán ăn Việt có tên là Caphe House. Mình muốn thử cà phê trứng sữa của quán, nhưng tiếc là hôm mình đến quán lại hết hàng. Thôi thì để lần khác vậy.

5. Triển lãm nghệ thuật thổi thủy tinh London Glassblowing

Triển lãm nghệ thuật thổi thủy tinh London Glassblowing được thành lập vào năm 1976 bởi nghệ nhân Peter Layton. Đây là một trong những triển lãm thủy tinh đứng đầu tại Châu Âu, trưng bày những tác phẩm của nghệ nhân nổi tiếng. Các tác phẩm đều có giá thành đi kèm cho những ai quan tâm muốn làm chủ sở hữu.

Nguồn ảnh: London Glassblowing

Khi vợ chồng mình tới thăm, triển lãm đang trưng bày bộ tác phẩm “Colour and Light” của nghệ nhân Alison Kinnaird MBE.

Nguồn ảnh: tác phẩm của Alison Kinnaird tại London Glassblowing

Khi ra về, mình có hỏi nhân viên triển lãm về một tác phẩm của nghệ nhân Peter Layton. Thật không ngờ là Peter lúc đó đang có mặt tại triển lãm và đã ra nói chuyện với hai vợ chồng mình. Mình thực sự rất khâm phục là ông hiện đã ngoài 80 mà vẫn không ngừng sáng tạo nghệ thuật. Khi bước ra khỏi triển lãm rồi mà mình vẫn thấy bất ngờ vì được nói chuyện trực tiếp với nghệ nhân. Lúc đó ngẫn ngơ không biết nói gì hơn ngoài việc liên mồm khen đẹp quá đẹp quá. Sau về nghĩ lại, thấy hơi tiếc vì không xin chữ ký hay xin chụp ảnh cùng gì đó. Đúng là ở Luân Đôn thì cái gì cũng có thể.

Nguồn ảnh: nghệ nhân Peter Layton, người thành lập London Glassblowing

6. Triển lãm nghệ thuật đương đại tại White Cube

Rời triển lãm thủy tinh, hai vợ chồng mình ghé thăm triển lãm nghệ thuật đương đại ở tòa nhà trắng White Cube không xa đó. Những bộ sưu tập của các nghệ sỹ chỉ trưng bày ở triển lãm này trong một thời gian ngắn mở cửa miễn phí cho người xem và không bày bán.

Nguồn ảnh: White Cube Art Exhibition – Tác phẩm của nghệ sỹ Ilana Savdie

Thời điểm hai vợ chồng mình tới thăm, triển lãm đang trưng bày bộ sưu tập của ba nghệ sỹ trẻ: Danica Lundy, Ilana Savdie, và Louise Giovanelli. Mình không phải là một người có hiểu biết nhiều về nghệ thuật. Tuy nhiên, thi thoảng đi thăm thú đó đây cũng cảm thấy được mở rộng tầm nhìn, có cảm giác hơn về nghệ thuật.

Ảnh: Tác phẩm của nghệ sỹ Louise Giovanelli

7. Kết

Mình rất thích những buổi hẹn hò như vậy với chồng mình. Hơn 10 năm rồi mà mỗi lần đi hẹn hò vẫn nguyên cái cảm giác lãng mạn nhẹ nhàng như lần đầu rảo bước cùng nhau dọc bờ sông Thames. À, thực ra thì bây giờ đi hẹn hò lãng mạn hơn lần đầu nhiều, vì lần đầu đến cầm tay nhau còn không dám, giờ thì nắm tay nắm chân hun hít tít mù.

Có một điều buồn cười là, sau 10 năm, mình ngày càng điệu, váy vó thướt tha, son phấn nước hoa, còn chồng thì đi thụt lùi, trước còn vận quần dài, giờ chuyển sang quần đùi. Hai vợ chồng đi cạnh nhau mà giống như, người đi đám cưới, người đi đá banh. Phong cách tuy khác nhau nhưng không làm giảm bớt cảm giác chút nào nha. Vợ chồng mình theo chủ nghĩa tôn trọng phong cách của nhau, thích mặc gì thì mặc không cần phải phối hợp làm gì. Cái quan trọng không phải mặc cái gì, ăn cái gì, xem cái gì, mà là suy nghĩ những gì và tâm hướng về đâu. <3


P/S Sự tích bài blog:

Đi hẹn hò về, anh nhà tỏ ý muốn lưu giữ lại kỷ niệm ngày hôm nay, bảo em về tạo cái folder trong máy tính, cất mấy ảnh mình chụp hôm nay vào đấy để sau này xem lại còn nhớ mình đã làm những gì.

Mình kiểu: Ơ anh, anh quên em nghề tay trái của em là gì à?

Vậy là triển theo nguyện vọng vốn rất khiêm tốn của anh nhà, mình đã làm nguyên một bài blog để anh nhà có dịp sau này xem ôn lại kỷ niệm.

Phần “chuối sến” nhất của buổi hẹn hò là khi hai anh chị nắm tay nhau đi lên thang cuốn ở trạm tàu, loa toang toang phát ra: “Đề nghị quý khách khi đi lên thang cuốn, mặt hướng về phía trước, tay nắm lấy tay vịn”.

Anh nhà nhởn nhơ nghe nhắc cũng như không, mặt hướng về phía sau, tay cũng quẩy về phía sau luôn, vì căn bản chị nhà đứng phía sau chứ không phải phía trước.

Chị nhà bĩu môi: “Hướng dẫn có hai điều, mà anh làm sai bét luôn cả hai.”

Anh nhà da mặt rất dày, coi… hướng dẫn bằng cái vung, cười hi hi bảo: “Đấy là do cô phát thanh viên chưa đọc hết hướng dẫn đấy thôi. Nếu cô ấy nói thêm chú ý thường xuyên hun vợ, thì anh làm quá đúng rồi.”

Chả là cứ vài giây anh lại cúi xuống hun lên trán vợ anh một cái. Bận quay đằng sau hun vợ quá nên anh còn đâu thời gian mà “hướng mặt phía trước” với cả “tay nắm lấy tay vịn”. 😆

Chẹp, vợ chồng 10 năm mà sến chuối quá cơ, có khi người qua đường lại tưởng đôi này chắc mới yêu nhau. Vào quán người ta còn hỏi có muốn chia đôi hoá đơn không mà 🤣.

À, mà lúc vào quán, anh không chọn bàn đôi ngồi đối diện nhau, mà anh chiếm bàn 4 người để có chỗ ngồi cạnh vợ. Anh bảo ngồi đối diện thì… xa nhau quá, cầm tay cầm chân cũng không tiện, anh không thít. May mà quán vắng nên người ta còn cho phép anh ngồi bành chướng thế 😆. Lúc chụp ảnh thì anh biểu vợ chạy sang ngồi chỗ đối diện để lấy góc chụp đẹp. Chụp ảnh xong, anh lại í ới gọi vợ về ngồi cạnh mềnh.


👉 Link tới các bài viết khác: Du lịch



Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!