4 tuổi 10 tháng – Một lần nửa đêm đòi ngựa một sừng

1.

Trong khi người người nhà nhà lo lắng về corona virut, mình xin chia sẻ đôi chút về một chuyện không liên quan tới virut. Đó là chuyện dạy con. Đêm qua, mình đang ngủ ngon giấc nằm mơ mộng đẹp thì bỗng đâu đó ré lên: “Ngựa một sừng của con đâu rồi?”

Tiếng ré không chỉ dừng lại ở đấy mà tiếp tục: “Con muốn ngựa một sừng của con!” kèm theo tiếng khóc hu hu.

Thêm ba giây nữa thì hai vợ chồng bắt đầu ngộ ra chuyện gì.

Bình thường cô nàng đi ngủ hay ôm ngựa một sừng. Tối qua quên mất, nửa đêm tỉnh dậy mới ngớ ra nên khóc hu hu đòi.

Nào, luật số một nhà mình là: Đêm là để ngủ, không phải là lúc đòi cái này cái kia (trừ khi đòi đi vệ sinh).

Luật số hai là: Nhõng nhẽo hay khóc lóc đòi hỏi không phải là cách đạt được cái mình muốn.

Theo quan điểm của mình, trẻ con cần phải học biết giới hạn của mình và cần phải được uốn nắn để tạo thói quen tốt và loại bỏ những thói quen xấu.

Tuy nhiên thay vì mắng mỏ, mình luôn cố gắng nói “lý lẽ” vì mình học được rằng để trẻ ghi nhớ và lắng nghe thì luôn cần phải giải thích hậu quả của hành động chứ không đơn thuần chỉ bào “đừng làm thế”.

Lần này mình bảo: “Anna, buổi đêm là để ngủ. Con thức dậy khóc lóc nửa đêm thế này sẽ làm mất giấc của ba mẹ và ba mẹ ngày mai sẽ rất mệt. Nếu con muốn bạn ngựa một sừng của con thì con phải đem bạn vào từ tối hôm trước, chứ không thể nửa đêm thức dậy đòi thế này. Bây giờ ba mẹ cần phải ngủ, con quay lại đi ngủ đi.”

Tất nhiên đơn giản nói cái mà nghe ngay thì con mình chẳng quá làm tấm gương để nhà nhà noi theo, và cũng chẳng còn chuyện gì hay để kể cho mọi người nghe.

Mình nói thì nói, bạn khóc thì bạn vẫn khóc.

2.

Lần này ba bạn tham gia, nghiêm khắc hơn: “Anna, ở trong phòng này là phòng ngủ. Nếu con còn khóc nữa, ba sẽ phải đưa con ra ngoài phòng vì ba mẹ cần phải đi ngủ.”

Vẫn không hoàn toàn hiệu nhiệm, vẫn tiếp tục nghe thêm tiếng ré: “Con muốn ngựa một sừng, con muốn ngựa một sừng…”

Được cái, trong chuyện gì, chứ trong chuyện dạy con, hai vợ chồng mình tương đối đồng lòng, tiếp tục nghiêm khắc không chùn bước. Thực sự trong lòng mình nhiều lúc cũng chỉ muốn chiều theo ý con luôn cho xong, đỡ phải chiến đấu nghe bài ca hu hu ròng rã, đặc biệt là lúc nửa đêm nửa hôm. Tuy nhiên mình hiểu rõ, mình mà chùn lòng, dễ cho mình trong giây phút này, nhưng sẽ hại cho con về sau, tạo thành thói quen xấu, đòi hỏi nhõng nhẽo không đúng thời điểm.

Vậy là vợ một chồng hai: “Bây giờ con nằm xuống ngủ đi, không thì ba mẹ sẽ phải đưa con ra ngoài phòng ngủ.”

Đến một lúc chồng mình ngồi dậy tới bên giường của con ngồi xuống, chồng bảo: “Bây giờ ba đếm tới 10, con nín khóc. Không nín khóc thì ba sẽ phải đưa con ra ngoài.”

Và chồng mình bắt đầu đếm: “Một… Hai… Ba…” Đếm tới năm thì con nín khóc và bắt đầu yên lặng.

Trong suốt mười mấy phút, dù nói với con với giọng rất nghiêm khắc, nhưng cả hai mình đều không hề quát mắng, vì mình tin rằng dạy con tốt nhất là khi bản thân có thể giữ bình tĩnh. Nếu đã không thể giữ bình tĩnh thì tốt nhất nên tránh đi tới khi có thể bình tĩnh lại.

Sau đó vài phút thì bắt đầu nghe thấy tiếng ngáy đều đều của con.

Còn ông bố bà mẹ kia nằm chật vật xoay đi xoay lại trên giường vì mất giấc, tới cả gần tiếng sau mới bắt đầu đi ngủ lại.

Dù trong người thì thấy mệt thật mệt, trong đầu mình lại thấy vô cùng hài lòng. Mình mừng là cả hai vợ chồng vững tâm như một “vượt qua trận cuồng phong”.

3.

Sáng ngày hôm sau, dậy một cái là mình lỉnh xuống nhà đem ngựa một sừng lên cho bạn.

Mình dúi dúi vào mặt bạn, giả giọng ngựa một sừng bảo: “Anna ơi dậy thôi, xem ai đến gặp bạn này?”

Bạn mở mắt, vẫn còn lơ mơ, chưa nhận ra ngựa một sừng đã ở bên, bạn mếu máo: “Con muốn ngựa một sừng!”

Mình liền nghiêm giọng: “Mẹ đã bảo với con là nói chuyện như thế sẽ không được cái con muốn cơ mà.”

Vậy là bạn chuyển giọng ngay không còn nhõng nhẽo, và nói lịch sự hơn nhiều: “Mẹ có thể lấy cho con bạn ngựa một sừng của con được không ạ?”

Lúc này mình mới mỉm cười bảo: “Con cứ quay đầu lại thì con sẽ thấy.”

4.

Mình cũng để ý là có nhiều thói quen khác, lúc đầu ba mẹ nói thì con nhởn nhơ không nghe, nhưng dần dần từ từ về sau khi được bố mẹ nhắc nhở nhiều con cũng dần thay đổi, ví dụ thói quen cầu nguyện trước khi ăn, thói quen cất dọn bát đĩa sau khi ăn xong, thói quen nói “chào buổi sáng” và nói “cám ơn” mỗi lần đi tắc xi, hay thói quen ăn nói lịch sự thêm từ “please” mỗi khi muốn xin một cái gì đó…

Phải làm cha làm mẹ rồi mình mới thấy tầm quan trọng của người cha người mẹ trong việc uốn nắn dạy dỗ con, không chỉ trong việc học tập mà còn trong việc hình thành tính cách thói quen sống.

Sự thực vẫn có vô cùng nhiều thứ mình muốn rèn luyện cho con, nhưng nhiều lúc đi làm về mệt cũng thấy lười. Giờ mình đang cố đánh thắng cái lười, cái mệt, để quan tâm để ý, rèn rũa dạy dỗ và dành nhiều thời gian chất lượng với con. 💪💪💪

—-
P/S Ảnh: Thêm ảnh nàng Elsa nhảy múa từ hồi Giáng Sinh, giờ mới đem ra khoe. Elsa nhảy múa điệu nghệ, nhưng lúc lên cơn nhõng nhẽo thì cũng làm ba mẹ điên đầu thôi rồi.

P/S Link:
👉 Giới thiệu về mình: http://www.chuyencuangan.com/about-3/
👉 blog du lịch bằng tiếng Anh: https://whereshouldwegotoday.com

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!