4 tuổi 11 tháng – Một ngày “bão tố”

Hôm qua là một ngày hơi bị “bão tố”.

7 giờ tối, ăn uống xong xuôi, cả nhà chuẩn bị lên đường đi dạo. Mình đã ăn vận xong xuôi, chồng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng riêng có cô thị nhà mình là vẫn đang ngồi bậc cầu thang, mặt mày nhăn nhó, tất cầm trên tay, giầy văng lả tả. Chị đang ở trong cái tâm thế nhõng nhẽo khó chịu, không chịu hợp tác với hai ông bà bô.

Chị cầm tất bỏ lên bàn chân, nhưng không xỏ chân vào mà giả bộ khó quá tượt tay, không làm được.

Chị chảy dài giọng: “Mẹ ơi, con không làm được. Mẹ giúp con với.”

Mình lúc đó đứng gần cửa cách xa chị gần hai mét, tất nhiên làm gì có chuyện mình chạy ra giúp. Mình biết thừa chị có thể làm được, chẳng qua là chị không muốn làm. Mình là mẹ chị, chứ mình không phải người hầu của chị. Cái đó chị cần phải biết rõ.

Tầm 2 tới 7 tuổi là giai đoạn trẻ đòi hỏi nhõng nhẽo nhiều nhất. Nếu bố mẹ cứng rắn vượt qua được giai đoạn này, trẻ sẽ trưởng thành hơn và dần học cách nói chuyện tử tế có chừng mực. Còn những đứa trẻ quen được bố mẹ chiều theo ý, sẽ ở mãi cái giai đoạn 2 tới 7 tuổi này. Vì trẻ học được rằng mình là công chúa hoàng tử trong nhà, bố mẹ phải phụ vụ cung phụng mình. Trẻ không học được giới hạn của bản thân và cách giao tiếp đúng đắn với mọi người xung quanh. Đây là con đường dẫn tới rất nhiều vấn đề về tâm lý sau này, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì.

Mình bảo chị: “Cái này con tự làm được, chỉ cần bỏ ra một chút cố gắng.”

Chị bực bội lắm, chị tiếp tục tạo ra những tiếng “hự, hự” rất đau thương tỏ ra mình đã cố gắng lắm rồi mà không thể làm được.

Mình bảo tiếp: “Giờ đã gần đến lúc phải đi. Ba mẹ đã chuẩn bị xong hết rồi. Nếu con không đeo tất đeo giầy và nhanh, mẹ e là con sẽ phải ở nhà.”

Những câu như này luôn khiến chị khẩn trương hơn một chút, vì chị tất nhiên đâu có muốn ở nhà một mình.

Quả nhiên chị bắt đầu kéo tất được vào chân, vừa kéo vừa mếu máo: “Đừng, con không muốn ở nhà đâu.”

Nhưng kéo được hai cái tất vào chân rồi, chị lại tiếp tục giở chứng: “Ôi, cái giầy này khó đeo quá, con không bỏ chân vào được.” Vừa nói lại vừa “hự hự” giả bộ đã ra sức mà gót chân vẫn không vào.

Lúc này thì cao trào bắt đầu. Anh chồng từ đâu đi phăng phăng vào, ngồi xuống kéo giầy giúp con. Quả thực lúc đó mình tức tới đầu mình xịt khói.

Thường chồng và mình khá nhất quán trong việc dạy con, nhưng nhiều lúc chồng vẫn mềm mỏng hơn mình. Hôm nay là cái ngày không phải vì muốn mềm mỏng mà là cái ngày chồng cả ngày bận bịu, vừa mệt vừa bị đau đầu không chịu được thêm mấy cái khóc lóc nhõng nhẽo nên chạy ngang vào can thiệp.

Nào, gì chứ, mẹ một kiểu, ba một kiểu là cái điều mình ghét nhất. Nếu bố mẹ không thống nhất thì làm sao con có thể nghe lời.

Mình tức quá, mình hừ chồng một câu: “Em không đi nữa!” rồi bỏ thẳng đi vào trong phòng khách ngồi xuống ghế.

Chồng vội chạy theo ngồi xuống cạnh mình giải thích: “Anh biết là không tốt, nhưng mà anh đau đầu quá.”

Mình vẫn nói nhỏ thôi, nhưng giọng hơi gằn xíu: “Anh có biết anh làm thế con sẽ không bao giờ học được cách thôi nhõng nhẽo không?”

Chồng ôm đầu: “Anh biết, nhưng đầu anh đau quá, thực sự không chịu nổi tiếng khóc lóc léo nhéo mãi thế.”

Lúc đó mình cũng mệt mỏi khủng khiếp, một phần vì mấy hôm rồi ngủ không ngon, một phần vì cả ngày bận việc. Mình không nói gì thêm, chồng cũng chẳng nói gì thêm. Cả hai ngồi trong yên lặng một chút. Thường bất đồng cái gì đấy, mình biết tốt nhất là yên lặng chờ tới khi cả hai tỉnh táo thì nói chuyện vẫn luôn dễ hơn. Mình biết giới hạn của chồng mình, và mình không phải giờ thử thách cái giới hạn đấy.

À, tất nhiên không yên lặng, bên ngoài kia vẫn là tiếng khóc ỉ ôi, tiếng léo nhéo liên hồi. Ỉ ôi léo nhéo mãi không gọi được ai ra, chị bằng đầu lò dò đi vào, tiếp tục đứng khóc lóc to.

Anh chồng nhìn con lớn giọng: “Anna, con trật tự một chút được không? Ba mẹ nói thì con phải nghe chứ. Ba đau đầu lắm rồi.”

Chồng mình bình thường là một người kiên nhẫn và nhẹ nhàng, rất rất hiếm khi lớn giọng. Lớn giọng thế có nghĩa là ở giới hạn đỉnh điểm rồi đấy.

Nhưng thường dạy con, lớn giọng không có tác dụng. Lớn giọng quát mắng là thể hiện sự mất bình tĩnh. Càng lớn giọng thì khả năng con không nghe lời càng cao hơn, và càng chỉ làm tình huống tồi tệ hơn.

Quả nhiên chị vẫn khóc, khóc càng to hơn, rồi chạy lên ngồi lòng mẹ.

Ngồi lòng mẹ khóc lóc rục rịch rục rịch một hồi, chị cởi phăng cái tất cái giầy vừa đeo, chị hức hức: “Con không muốn đi nữa đâu. Con muốn ở nhà. Hu hu hu hu hu hu…”

Nói thực lúc đó mình mệt tới chẳng muốn di chuyển một bước, nhưng chẳng biết một nguồn sức mạnh từ đâu đẩy tới.

Trong đầu mình lóe lên suy nghĩ: Không giầy à? Không tất à? Chẳng phải cơ hội để làm lại từ đầu hay sao?

Trong lòng không có gì ngại hơn là trong lúc mệt mỏi này phải trải qua cái giai đoạn giầy tất ỉ ôi thêm một lần nữa, nhưng mình biết là mình phải làm, không có lựa chọn nào khác.

Nhiều lúc nghĩ cũng dở hơi, nhưng càng khó mình càng không muốn khuất phục, càng không muốn bỏ cuộc. Mình sợ con hư là một chuyện, nhưng mình càng sợ trở thành một người cha người mẹ dễ bị khuất phục hơn.

Mình đứng bật dậy, nói rất thản nhiên: “Mẹ muốn đi. Nếu con không muốn đi thì con ở nhà nhé.”

Vậy là thử lại tập hai.

Lần này chồng không đứng trong nhà chịu nghe tra tấn lỗ tai nữa, mà lặng lẽ đi ra ngoài cửa trước đứng chờ. Chồng thực ra cũng biết rõ lỗi lầm rồi, tối đến có xin lỗi mình đàng hoàng vì đã can thiệp vào việc dạy con của mình.

Vẫn tiếp tục nghe tiếng léo nhéo “Con không muốn đi”, “Con không làm được”, “Giúp con với”, “Tay con đau”…, mình chỉ thản nhiên đứng ở cửa giữ nắm đấm cửa, thi thoảng ra lời hướng dẫn những đoạn khó như là giúp con lộn lại tất, thi thoảng lên tiếng giục giã nhẹ nhàng như là “Con gái, sắp tới giờ rồi, con không nhanh lên là mẹ phải đi đây”.

Cuối cùng thì cũng thành công tự đeo giầy, đeo tất và ra được khỏi nhà. Trên đoạn đường đầu cầm tay mẹ vẫn còn hức hức hu hu, mình vẫn hành xử rất thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, vẫn nói chuyện vẫn chỉ chỏ hoa lá nhà cửa như bình thường. Sau chừng mười phút thì chị nín khóc, thêm một hai phút nữa thì bắt đầu ríu rít cười đùa hỏi han mấy cái câu linh tinh.

Tối đó về tới nhà, cả nhà lấy kem và dâu tây ra ngồi ăn. Mình và con đang định xúc kem bỏ vào mồm thì chồng ra đứng cạnh lên tiếng: “Cả nhà đợi đã, ba muốn cầu nguyện.”

Con gái tưởng là cầu nguyện trước khi như ăn như mọi lần nên nhanh nhẩu mở mồm cảm tạ Chúa ban cho đồ ăn. Nhưng chồng lại cầu nguyện kiểu khác, đúng hơn là một lời xin lỗi.

Chồng nói: “Hôm nay ba hành xử rất tồi, ba xin lỗi Anna vì đã giận dữ lớn giọng với con, và ba xin lỗi mẹ vì đã can thiệp vào chuyện dạy con của mẹ.”

Con bật khóc, mình cũng thấy sống mũi hơi cay cay. Nói thực sau cái lúc đó, mình cũng chẳng còn giận dữ gì chồng, vì mình hiểu cảm giác của chồng, nhưng nghe lời xin lỗi lúc nào cũng thấy có cái đó nó cảm động.

Cái mình hài lòng là mình và chồng đều là những người cha người mẹ sẵn lòng nói lời xin lỗi con khi làm sai. Điều này dạy con nhiều hơn bao giờ hết, đó là ba mẹ cũng là con người cũng có lúc làm sai, điều quan trọng là biết nhận lỗi khi làm sai và sửa chữa để không phải mắc lại lỗi lầm này nữa.

Thế đấy, “bão tố” đổ bộ, nhưng kết thúc lại là sự bình an.

Trong cuộc sống hôn nhân gia đình sẽ luôn có những giây phút “bão tố”, nhưng chính bão tố thử thách mới giúp con người trưởng thành và gắn kết chặt chẽ với nhau hơn.


👉 P/S ảnh: hai mẹ con nhà thị ngồi nghỉ lúc đi chơi rừng

👉 P/S link tới bài đi chơi rừng trên blog du lịch (tiếng Anh): https://whereshouldwegotoday.com/woodland-walks-scadbury-park-in-chislehurst-bromley/

👉 P/S link tới các bài về nuôi dạy con cái khác: http://www.chuyencuangan.com/category/chuyen-con-cai/day-con/


Đừng quên để lại email để nhận thông báo khi có bài viết mới nhé! Bạn có thể đăng ký ở cuối bài viết này nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi đăng ký, nếu bạn không được email từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).


Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!