Bất đồng quan điểm một lần con bị ốm

Ngày hôm trước chồng và mình bất đồng quan điểm.

Sự bất đồng xoay quanh chuyện cô con gái bị cúm.

Ngày 1, con gái thức dậy buổi sáng, mũi sụt sịt, người uể oải, mặt ửng hồng. Đo nhiệt độ 38.2C. Vì ốm sốt nên ở nhà không đi học.

Hai vợ chồng đoán là do hôm trước mới xịt vaccine chống cúm, chắc do phản ứng phụ của vaccine. Cả ngày con gái chơi và học ở nhà, thi thoảng vẫn mệt, nhưng hầu hết là vui vẻ không có vấn đề gì, sau buổi sáng là không còn sốt.

Ngày 2, con gái thức dậy, mũi vẫn sụt sịt, mếu máo đòi ở nhà không đi học, đo nhiệt độ 37C, không sốt.

Đây là lúc bất đồng quan điểm bùng nổ.

Chồng thương con mềm lòng, muốn để con ở nhà.

Vợ không muốn con quen thói ốm chút là đòi ở nhà, muốn con đi học.

Hai vợ chồng bàn qua bàn lại. Sau một hồi, mình thấy chồng không tha thiết gì muốn đưa con đi, con thì khóc lóc đòi ở nhà, mình đành xuôi theo, nhưng trong lòng cảm thấy rất bực bội.

Sau đó càng nghĩ thì càng cảm thấy bực bội hơn, đặc biệt nhìn thấy con sau một hồi mếu máo thì mặt mày hơn hớn, ngoài việc sụt sịt, chẳng có vẻ gì đau ốm mệt mỏi gì.

Sự bực bội khiến mình không kìm được mặt sưng lên thành cái thớt, cả buổi sáng không nói năng câu nào.

*

Tất nhiên anh chồng EQ* cao của mình biết ngay là chị vợ đang ôm bom sắp nổ.

Nhân lúc mình đang đứng trong bếp pha trà, ảnh nhẹ nhàng tiến tới: “Em, đừng giận anh mà.”

Mình không nói gì, bực bội vẫn đang ở cấp độ cao.

Chồng cầm tay vợ nài nỉ: “Nói chuyện với anh vài câu nào.”

Mình gạt tay chồng ra: “Anh, anh có biết, anh cứ mềm lòng với con thế là hại con không.”

Chồng lúng túng: “Anh thấy con hôm qua vẫn mệt lắm, để nghỉ nốt ở nhà hôm nay để khỏe hẳn cũng tốt.”

Mình nghiêm mặt: “Đúng là hôm qua con sốt và mệt, nhưng hôm nay con không còn sốt, chiều hôm qua con cũng rất ổn. Cả anh và em đều biết là đó chỉ là sụt sịt một chút thôi. Anh cứ chiều con như thế, sau này nó sẽ trở thành thói quen, cứ sụt sịt một chút là đòi ở nhà. Con người mà ốm chút đã đòi nghỉ học nghỉ làm thì sẽ không bao giờ đi tới đâu được.”

Chồng vội phân trần: “Bình thường thì đúng là anh sẽ không để con nghỉ học, nhưng trong thời buổi thế này, việc học nó cũng không được như trước…”

Ý chồng là gần đây vì covid, việc học cũng nới lỏng hơn.

Mình đã tức càng tức hơn: “Như vậy là chỉ dùng hoàn cảnh làm cớ thôi!”

Và mình thực sự bùng nổ: “Anh có biết là trên thế giới này có bao nhiều đứa trẻ ao ước đi học mà không được đi học hay không. Đi học là cái điều quý giá, đâu cứ bảo nghỉ là nghỉ được.

Anh làm thế là anh gián tiếp cho con thấy cái việc đi học nó không quan trọng, hay ít nhất là nó không quan trọng đủ để mình bỏ công bỏ sức vượt qua những cái bất tiện nhỏ về thể chất để có được nó. Sau này nó lớn lên, nếu nó cũng áp dụng điều đó vào bất cứ thứ gì nó làm, thì anh nghĩ như thế nào.

Ốm một chút là bỏ cuộc sao?

Anh có biết là con người được tạo lên từ những thói quen nhỏ nhất hay không. Từ những cái điều nhỏ thế này thôi, nó sẽ dần hình thành lên tính cách và bản chất của một con người.

Em thật không thể chịu được nếu con mình lớn lên trở thành một con người đụng chút là bỏ cuộc. Những con người không chịu được khó, chịu được khổ, đụng chút bỏ cuộc, thì sẽ không bao giờ làm nên được cái gì, thậm chí đến làm người cũng không xong.”

Lúc đấy mình nổ bôm bốp như pháo hoa.

Mình không quát hay to tiếng nhưng gay gắt vì sự bực tức dâng trào không thể kiểm soát nổi.

Rồi mình chợt nhận ra, mình đang bực chính mình.

Hóa ra mình bực chồng chỉ một phần thôi, còn chủ yếu là bực chính bản thân mình.

Đáng ra mình nên cương quyết hơn.

Vào buổi sáng khi hai vợ chồng bàn bạc, mình nên cương quyết hơn để chồng đưa con tới trường.

Cái viễn cảnh vì một phút yếu lòng của mình mà làm hại tới con khiến mình vô cùng hối hận. Và chính vì quá hối hận mà trở thành tức tối giận dữ.   

“Anh xin lỗi.” Chồng mình nhỏ tiếng: “Anh biết là anh sai rồi. Em nói đúng. Anh đã ra quyết định sai, và bây giờ anh đã hối hận về quyết định đó của mình. Con đúng là nhìn bây giờ hoàn toàn khỏe mạnh.”

“Không phải vì bây giờ con trông khỏe mạnh mà em bực bội.” Lúc này đã bình tĩnh hơn, mình lắc đầu: “Dù là bây giờ con nhìn có mệt mỏi hơn ban sáng, em vẫn thà buổi sáng sớm mình đã quyết định đưa con tới trường. Nếu không biết rõ tình huống sẽ tiến triển theo hướng nào, em thà rằng mình đưa con đi học, nếu con mệt và cần phải đón về, thì mình sẽ đi đón về. Còn hơn là chưa thử đã bỏ cuộc. Nếu con đi học và mệt tới mức phải đón về, thì ít nhất con sẽ học được là phải cố gắng, phải thử trước đã rồi mới biết.”

Chồng gật đầu: “Ừ, em nói đúng. Anh đồng ý. Là anh ra quyết định sai.”

Đúng lúc đó con gái từ phòng khách chạy vào tò mò hỏi: “Ba mẹ đang nói chuyện gì thế?”

Mình yên lặng còn chưa biết nói gì, thì chồng nhìn con lên tiếng: “Ba mẹ đang nói về chuyện của con đấy. Sáng nay ba quyết định để con ở nhà không đi học là ba đã sai. Đúng ra là ba nên để con tới trường.”

Con gái ngây ngô hỏi lại: “Cả ngày hôm nay và ngày hôm qua?”

Chồng mỉm cười: “Không, ngày hôm qua con bị sốt, không nên tới trường. Nhưng hôm nay con khỏe rồi, không còn sốt nữa, đáng ra con nên tới trường. Ba xin lỗi, ba đã ra quyết định sai. Lần sau dù con bị sụt sịt mình vẫn sẽ tới trường nhé.”

Đứa con không biết hiểu được bao nhiêu nhưng cũng gật gật đầu đồng ý.

Chồng sau đó đã nói lại thêm một vài lần nữa là anh xin lỗi và lần sau sẽ cân nhắc cẩn thận.

Mình cũng nói lời xin lỗi chồng vì đáng ra mình không nên ôm cực tức mặt sưng mày xỉa và nói chuyện gay gắt. Thay vào đó nên đối thoại ngay khi cảm thấy không hài lòng, và nên dùng cách đối thoại nhỏ nhẹ mềm mỏng hơn để giải quyết mâu thuẫn.

*

Vậy là lại gió yên biển lặng.

Nhìn ngoài mặt mâu thuẫn giải quyết, mọi thứ trở lại như trước.

Nhưng thực ra bên trong đã có thêm một sự tiến triển.

Chồng hiểu vợ hơn, và vợ cũng hiểu chồng hơn.   

Trong cuộc sống vợ chồng sẽ không tránh được những lần bất đồng quan điểm. Tuy nhiên chính nhờ những bất đồng như vậy mà hai vợ chồng hiểu nhau hơn, và nếu giải quyết được ổn thỏa, hai con người sẽ càng tiến gần và gắn kết với nhau hơn.

Trong những mối quan hệ khác mình đã từng nghe, mâu thuẫn xảy ra, vợ mặt xưng mày xỉa, chồng không buồn đối thoại, ai cũng tự cho mình là đúng và chờ người kia cúi đầu, vậy là mâu thuẫn nhỏ trở thành mẫu thuẫn lớn, mâu thuẫn lớn càng trở nên lớn hơn.

Hai con người chung một nhà, nhưng lại như có một bức tường ở giữa, không nghe thấy nhau, không nhìn thấy nhau. Cứ mỗi lần như vậy, bức tường càng trở nên lớn hơn. Và tới một ngày, cái bức tường kia trở nên quá lớn và không có cách nào có thể đập vỡ nổi.   

Mình cảm thấy may mắn vì chồng mình là một người rất quan tâm để ý tới cảm giác của người xung quanh và đặc biệt là một người rất khiêm nhường, không áp đặt quan điểm lên người khác, không luôn tự cho mình là đúng, biết lắng nghe, biết tiếp nhận, biết nói lời xin lỗi và biết cách làm khác đi.

Anh không ngại nhận lỗi với vợ, và sẵn sàng nhận lỗi với con.

Và mình nghĩ những lúc như vậy, anh đã dạy con những bài học sâu sắc bằng chính cách ứng xử của mình.

Con gái mình sẽ lớn lên biết được chuẩn mực của một người đàn ông tốt.

Không đơn thuần là người đàn ông thỏa mãn tiêu chuẩn “bốn không” căn bản: không nghiện ngập, không cờ bạc, không rượu chè, không gái gú.

Mà đó là một người đàn ông không coi cái tôi của họ là cao nhất, họ khiêm nhường, họ quan tâm tới cảm xúc của người khác, họ biết lắng nghe, biết đối thoại, và họ biết cúi đầu nhận lỗi của mình (dù họ có sai hay không).

Bất đồng quan điểm một lần con bị ốm

Update: Đọc lời bình luận của bạn đọc trên trang Facebook “Chuyện của Ngân”, mình nhận ra mình chuyển tải câu chuyện chưa hoàn toàn tốt nên xin giải thích thêm hai điểm sau:

  1. Việc ốm có nên đi học hay không phải phụ thuộc vào thể trạng của bé và tình huống cụ thể, chắc chắn không nên thúc ép bé tới trường nếu bé thực sự ốm. Trong trường hợp của bé nhà mình, mình sẽ chỉ gọi là sụt sịt thôi. Ngày 1 sau buổi sáng là bé ổn rồi. Ngày 2 sau khi khóc lóc ở nhà, 15 phút sau cả nhà đi dạo, bé hoàn toàn ổn, vui vẻ nhảy nhót.
  2. Trong bài này mình không có ý nhấn mạnh chồng sai mình đúng hay chồng thua mình thắng. Đơn thuần là khác nhau về quan điểm. Chồng nhận sai nhưng không có nghĩa là mình nghĩ chồng sai. Mình hiểu góc nhìn của chồng, mình đơn thuần có quan điểm khác. Tuy nhiên mình vẫn muốn ca ngợi việc xin lỗi và nhận sai của chồng, không phải mình nghĩ chồng sai, mà vì mình nghĩ không phải ai cũng có thể khiêm nhường nhận sai. Bản thân mình cũng cảm thấy khó khăn nhận xin lỗi khi có mâu thuẫn, nên việc chồng làm được mình thấy rất khâm phục.
  3. (À, có bạn đọc nhận xét vui là chồng mình giỏi thực hành lý thuyết dỗ vợ, dỗ ngược được cô vợ dở hơi. Nói thật mình cũng tự thấy mình khá dở hơi, nên cái điều này mình thấy chị nói đúng quá 😆. May mà tìm được anh chồng chịu được cái dở hơi của mình.)

Chú thích:
*EQ: Emotional Quotient hay còn gọi là Emoitional Intelligence – Trí tuệ cảm xúc – Xem thêm bài viết của mình về EQ ở đây: https://www.chuyencuangan.com/cha-con-va-eq/

Xem thêm những bài dạy con của mình ở đây: https://www.chuyencuangan.com/category/chuyen-con-cai/day-con/

Xem thêm các chuyện khác của hai vợ chồng mình ở đây: https://www.chuyencuangan.com/category/chuyen-vo-chong/


Các link khác:
Link giới thiệu về mình cho những bạn đọc mới của blog: Giới thiệu

Link mua sách “Dấu yêu Cambridge” của mình về truyện tình yêu tình bạn tại trường đại học Cambridge (Anh Quốc) nơi mình từng theo học: Tiki | NXB Kim Đồng | Shopee Miền Nam| Shopee Miền Bắc

Link tới sách trên Goodreads: Goodreads

Cảm ơn các bạn đã ghé qua trang blog của mình! Đừng quên đăng ký ở phần “Để lại email để theo dõi blog” để nhận thông báo khi có bài viết mới! Phần đăng ký nằm ở cuối bài viết này dưới mục bình luận nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi bấm nút “đăng ký”, nếu bạn không nhận được email yêu cầu xác nhận từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).

Ngân Jones @chuyencuangan

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!