Câu chuyện của Khang A Tủa

1. Mình thường ít khi chia sẻ các bài viết từ các báo, nhưng hôm nay đọc được bài viết của nhà báo Tô Lan Hương về hành trình của Khang A Tủa từ Mù Cang Chải tới Đại Học Fullbright Việt Nam, không khỏi cảm thấy cảm động.

Một bài viết rất sâu sắc về hành trình của chàng trai người Mông, vì muốn vượt lên khỏi cảnh nghèo đói thất học, đã trở thành chàng trai người Mông đầu tiên của Mù Cang Chải đỗ Đại Học Bách Khoa.

Nhưng cũng chính chàng trai ấy đã dũng cảm quyết định từ bỏ trường đại học danh giá này vì nhận ra ở nơi này mình không học được cái mình muốn. Thay vào đó cùng bạn bè thành lập dự án “action for Hmong’s Development” – ” Hành động vì sự phát triển của người Hmong”. Để rồi trong một dự án xã hội được một nhà tuyển trạch của Đại Học Fullbright Việt Nam khuyến khích nộp đơn.

2. Cha của Tủa là người đứng sau không ngừng thúc đẩy bước đi cho Tủa:

“Lần đầu tiên Tủa bỏ học là năm học lớp 1, khi mới 7 tuổi. Một trận đòn đau của thầy giáo chủ nhiệm đã khiến cậu bé Mông còn chưa biết nói Tiếng Việt vừa khóc vừa chạy về nhà trong sợ hãi và từ chối đến trường ngay tuần đầu tiên.

Năm học sau, Tủa 8 tuổi, vẫn cự tuyệt đến trường. Bố Tủa nhìn con trai mình đăm đăm rồi khẽ khàng nói: “Con phải đến trường thôi. Vì con không thể thất học như bố được”.

Ngày khai giảng, Tủa được bố dắt tay qua những thửa ruộng bậc thang bắt đầu vàng rộ để đến ngôi trường dưới chân núi. Vừa đi, ông vừa thủ thỉ với con trai: “Bố thích đi học lắm mà không được học hết lớp 1. Bố đã tự hứa với mình là sau này đẻ các con ra sẽ không bao giờ để các con thất học”.”

“Ngày Tủa quyết định thông báo với bố về sự lựa chọn của mình, Tủa nói: “Con bỏ học ở đây vì con thấy ở đây không có cái mà con muốn học. Nhưng không có nghĩa là con sẽ bỏ học vĩnh viễn. Con sẽ học ở ngoài đời, ở những công việc xã hội mà con làm và một ngày nào đó chọn một ngôi trường mà con thích học”.

Bố của Tủa, một người bố đã có lời thề không để con cái của mình thất học, một người bố đã bằng mọi cách để thuyết phục con trai đến trường, sẵn sàng ngồi học cùng con trên lớp, sẵn sàng làm cầu khỉ cho con đi qua những thửa ruộng bậc thang, sẵn sàng làm những công việc có thể phải trả giá bằng tính mạng để nuôi con đi học… vậy mà riêng lần này, ông nói: “Con hãy học theo cách con muốn, lựa chọn điều con nghĩ mình nên làm…”.

Sau câu nói của bố, “chàng trai Mông đầu tiên của Mù Cang Chải đỗ Bách Khoa” đã viết đơn xin nghỉ học.”

3. Mình đặc biệt ấn tướng với lời chia sẻ này của Tủa:

“”Người Kinh các chị thấy ruộng bậc thang rất đẹp đúng không?” – Tủa hỏi tôi như thế, khi chúng tôi ngồi đối diện nhau trong một góc nhỏ của thư viện Đại học Fulbright – “Nhưng với những đứa trẻ vùng cao tụi em, đó là nỗi ám ảnh. Để đến trường, ngày ngày em phải đi qua những thửa ruộng bậc thang mà đường bờ be chỉ rộng hơn một gang tay người lớn. Những ngày mưa, bờ ruộng trơn, em ngã lăn lông lốc xuống những thửa ruộng phía dưới, đau điếng người, quần áo lấm lem bùn, vừa khóc vừa ôm cặp đến lớp. Em lại về ăn vạ bố. Lại đòi bỏ học”.”

Quả thật nghĩ tới vùng núi ruộng bậc thang, mình luôn nghĩ: “Ôi, sao mà đẹp thế! Ước gì được đi du lịch một lần cho biết!” Mình chưa bao giờ nghĩ tới đó lại là ác mộng cho các bạn trẻ nơi đây.

4. Mình cũng rất ấn tượng với những gì nhà báo Lan Hương viết về quá trình cố gắng của Tủa tại Đại Học Fullbright Việt Nam. Vào học tại trường đại học dạy và học bằng tiếng Anh với vốn Tiếng Anh ở con số không tròn trĩnh, khỏi phải nói, chắn chắn là khó hơn bình thường gấp trăm ngàn lần. Mình học tiếng Anh tới bằng chấm này chấm kia mà còn thấy khó. Mình có thể tưởng tượng Tủa phải chật vật thế nào. Những chia sẻ về việc Tủa tự ti thấy mình thua kém rất là thật.

“Tủa kể:”Vì chẳng có trải nghiệm nào trong đó là dễ dàng, nên có lần em đã tâm sự với một giáo sư về nỗi mặc cảm thua kém lớn dần lên mỗi ngày trong lòng em. Vị giáo sư ấy nói với em như này: Đừng quan tâm cậu hơn ai hay thua kém ai. Cậu chỉ cần tự hỏi cậu ngày hôm nay có tốt hơn chính cậu ngày hôm qua hay không là đủ”.”

Lời vị giáo sư ấy nói rất đúng với điều mình luôn bảo bản thân. Không so sánh mình với người khác. Cái quan trọng là mình của ngày hôm nay tốt hơn mình của ngày hôm qua.

5. Và bài báo có một cái kết rất hay…

“Ngày hôm nay, ở FUV, Tủa vẫn đang ngồi đối diện với bài toán làm thế nào để sống sót qua 4 năm Đại học ở FUV, khi mà Tủa phải tính toán tiêu số tiền học bổng vốn chỉ vừa đủ cho bản thân mình để giúp bố mẹ nuôi 6 người em khác đang đi học. Khi mà các bạn khác ăn một cái đùi gà trong một bữa cơm, thì Tủa chia cái đùi gà thành 3 bữa.

Nhưng mùa hè vừa rồi, mùa hè đầu tiên của Tủa sau 1 năm học ở FUV, Tủa vét sạch tiền túi chỉ đủ mua một vé máy bay giá rẻ không hành lý ký gửi để bay ra Hà Nội. Về tới Hà Nội với chỉ vỏn vẹn 14 nghìn trong túi, Tủa mượn xe đi chạy grab bike ban đêm, ban ngày Tủa dành thời gian thực hiện dự án “Vườn mơ” – đưa những đứa trẻ Mông xuống thành phố, để dạy cho chúng hiểu thế nào là cuộc sống nơi thị thành.

Cũng mùa hè vừa rồi, Tủa lập fanpage ” Ná Nả” – tiếng Mông có nghĩa là “mẹ ơi, mẹ ơi” – để các bà mẹ người Mông như mẹ Tủa có một nơi để bán những sản phẩm mình làm ra từ chai mật ong đến chiếc áo thổ cẩm, mong ước rằng các bà mẹ người Mông cả đời không nói được một từ tiếng Kinh rồi sẽ học cách giao tiếp với người Kinh, kinh doanh như người Kinh, làm giàu như người Kinh…

“Bắt tay vào mới thấy việc gì cũng khó khăn” – Tủa nói – “Bây giờ em hiểu rằng để thay đổi cộng đồng mình, em phải thay đổi chính những người trong gia đình mình trước. Rồi những người đó sẽ tạo ra sự thay đổi cho 5-7 người khác. Cứ thế sự thay đổi sẽ đến dần”.

Tên của Tủa trong tiếng Mông có nghĩa là “sự thay đổi tạo ra những bước ngoặt”. Thật tình cờ, vì cuộc đời Tủa dường như luôn đối diện với những sự thay đổi và những bước ngoặt.

Tôi không biết Tủa sẽ làm được gì sau 4 năm nữa, khi rời khỏi FUV lúc Tủa 30 tuổi. Nhưng tôi ghi lại câu chuyện này, vì thấy nó thật đẹp; và thành tâm mong giấc mơ của chàng trai Mông ở FUV sẽ đạt thành!”

—-

Link tới trang Fanpage “Ná Nả” của Tủa:

https://www.facebook.com/nana.hmongvietnam/

——

Link tới bài báo:

https://m.soha.vn/con-duong-la-lung-den-dh-danh-gia-fulbright-cua-chang-trai-nguoi-mong-dam-bo-dh-bach-khoa-20190926020940706.htm

0 Replies to “Câu chuyện của Khang A Tủa”

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!