Ngày đi dự tang lễ bà ngoại chồng

1. Bà ngoại của chồng mình qua đời. Bà hưởng thọ 95 tuổi.

Sáu năm trước khi mình gặp bà lần đầu tiên, bà vẫn rất còn minh mẫn. Bà luôn móm mém cười kể chuyện ngày xưa, luôn nhấp nháy mắt đá lông nheo với mình. Bà vẫn có thể nướng cho mình những chiếc bánh Welsh cakes đặc trưng xứ Wales nơi bà sinh ra và lớn lên, thêu cho mình những chiếc khăn tay với hoạ tiết hoa văn xinh xắn.

Bà là vợ của một mục sư tại một ngôi làng nhỏ ở xứ Wales, nơi nhà cửa thưa thớt, đồi núi bạt ngàn. Chồng bà qua đời sớm, một tay bà nuôi nấng đứa con gái nhỏ bằng công việc dạy học. Sau khi về hưu, bà tiếp tục làm tình nguyện với Oxfarm thêm 25 năm nữa. Ở độ tuổi 80, bà vẫn đi du lịch thường xuyên, vẫn lái ô tô, và thậm chí còn bị phạt một lần vì lái xe vượt quá tốc độ cho phép.

Chỉ mấy năm trở lại đây, sức khoẻ của bà mới bắt đầu yếu dần. Bố mẹ chồng mình, vốn sống cách bà hơn một trăm cây số, biết bà không muốn rời quê hương, liền mua thêm một căn nhà ở làng của bà, mời bà tới ở cùng để tiện đường chăm sóc.

Nhưng bà từ chối. Bà một mực muốn chuyển vào viện dưỡng lão.

Cả một cuộc đời, bà luôn cho nhiều hơn nhận. Ngay cả đến cuối đời, bà cũng không muốn làm phiền đến ai cả, ngay cả con cái mình.

2. Nghe mẹ chồng mình kể lại. Sau khi bà mất, có nhiều người tới hỏi thăm chia buồn với gia đình. Bà từng là giảng dạy ở trường, tham gia hoạt động tình nguyện, hoạt động nhà thờ, nên có rất nhiều người quen biết bà.

Trong số những người tới thăm, có một người phụ nữ chừng ngoài năm mươi. Người phụ nữ này với gia đình chỉ là quen biết sơ sơ, chứ không thân thiết. Mẹ chồng mình có nghe qua lời người này người kia rằng người phụ nữ này rất quý mến mẹ mình, nhưng không hề biết rõ lý do tại sao.

Cuối cùng trong lần tới thăm này, người phụ nữ đã kể cho mẹ chồng mình biết câu chuyện rất nhiều năm về trước, bà ấy lỡ mang thai khi còn là một cô gái mười lăm tuổi. Thời bấy giờ, không chồng mà có thai lúc mười lăm tuổi thực sự là một chuyện không tưởng. Tất nhiên là không ít điều tiếng, không ít rè bỉu, không ít rèm pha. Trong cái lúc rất khó khăn ấy thì bà ngoại của chồng mình là một trong số ít người trong làng đối xử với bà ấy với sự tử tế, độ lượng và nhân từ. Chính vì thế bà ấy luôn trân trọng và dành những cảm xúc quý trọng nhất cho bà ngoại.

3. Tang lễ của bà rất đơn giản.

Lễ hoả táng diễn ra tại một nghĩa địa ở thị trấn kế bên. Chừng hai chục người, bạn bè thân thích, ngồi trong một hội trường lớn. Chiếc quan tài với những vòng hoa trắng bên trên được đặt ở phía trước sau một chiếc cửa có hai tấm mành ở bên. Vị mục sư cất lời cầu nguyện, nêu lên sự hi vọng ở phía trước qua cái chết của chúa Giê-su. Tiếng dàn hợp xướng nhà thờ vang lên từ hai bên loa. Hai chiếc mành từ từ đóng lại che khuất đi chiếc quan tài ở phía sau.

Buổi chiều là lễ ở nhà thờ. Lễ nhà thờ dành cho tất cả mọi người thân cũng như không thân. Bất cứ ai quen biết bà, có tâm thì tới dự. Nhà thờ cũ kỹ trong ngôi làng nhỏ này, những ngày chủ nhật bình thường chỉ có chừng hai chục người, thì ngày hôm đó, gần như chật kín cả trăm người.

Vị mục sư giảng một đoạn trong kinh thánh về chúa Giê-su, về lời hứa của Chúa về một cuộc sống vĩnh cửu đời đời cho những ai đặt niềm tin vào chúa Giê-su.

Những người thân lần lượt lên bục chia sẻ những kỷ niệm về bà. Có những giọt nước mắt, nhưng cũng có rất nhiều tiếng cười khi ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ.

Tiếng hát hoà vang trong tiếng nhạc. Đều là những bài hát ca ngợi Chúa, ca ngợi tình yêu của Chúa, sự vị tha của Chúa, lời hứa của Chúa.

Không phải là tiếng nhạc buồn thương tiếc, mà là tiếng nhạc vui mừng, mừng một cuộc đời đầy ý nghĩa đã qua, mừng cho cuộc đời sắp tới vĩnh cửu đời đời với Chúa.

Bài hát cuối cùng “Love Divine, All Loves Excelling”, ca ngợi tình yêu vĩ đại của Chúa, cũng chính là bài hát kết thúc trong đám cưới của mình nhiều năm trước…

“Love divine, all loves excelling,
joy of heaven to earth come down;
fix in us thy humble dwelling;
all thy faithful mercies crown!

Jesus, thou art all compassion,
pure, unbounded love thou art;
visit us with thy salvation;
enter every trembling heart…”

4. Mặc dù bà không phải là người thân đầu tiên mất đi, nhưng đây là tang lễ đầu tiên mà mình tham dự.

Nó thực sự khiến mình suy nghĩ nhiều về cuộc sống của một đời người.

Mình càng thấm thía hơn rằng trong cái ngày cuối đời này, cái đọng lại sâu lắng trong trái tim những người ở lại, không phải là bao nhiêu tiền của vật chật một người đã tích tụ được, cũng không phải là những thành tựu người đó đã gặt hái, mà là những điều tốt đẹp người đó đã làm cho những người khác.

Mình càng trân trọng hơn những người thân xung quanh. Cuộc sống dài mà ngắn, không ai là có thể ở bên mình mãi mãi. Khi còn ở bên nhau được thì hãy dành nhiều thời gian với nhau, trân quý yêu thương nhau hơn.

5. Quãng đường từ quê bà về tới nhà mình dài hơn bốn tiếng đồng hồ lái xe.

Khi trời đã tối hẳn, trên đường cao tốc, đèn điện lấp loá phía xa xa. Đằng sau xe, mẹ mình và con gái đã ngủ khì khì.

Trong không gian yên tĩnh, mình bâng quơ nhìn những chiếc ô tô đang lao vun vút trong đêm đông mưa lạnh, trông đầu vẫn vang lên tiếng hát từ buổi lễ nhà thờ.

Bỗng bàn tay cảm nhận được hơi ấm từ tay của chồng.

Chồng vẫn đang nhìn đường phía trước, tay kia nắm chiếc vô lăng, tay còn lại đưa ra nắm lấy tay mình.

Chồng lái xe thường rất tập trung, ít khi nào mà rời tay khỏi vô lăng. Mình biết chắc là do chồng vẫn đang nghĩ về lễ tang giống mình, nhưng mình vẫn cất lời hỏi: “Sao thế anh?”

Chồng bóp nhẹ tay mình trả lời: “Không có gì. Anh chỉ muốn nắm tay em một chút thôi.”

Có một cái gì đó lắng nhẹ trong lòng mình, một sự tương đồng trong tâm tư và cảm xúc.

“Cảm ơn em.” Sau một giây yên lặng, chồng mình nhẹ cất lời: “I’m glad that you are with me through this time.” (“Anh mừng là em ở bên anh trong thời khắc này.”)

Một cảm giác rất lạ nhen lên trong lòng mình.

Không phải là cảm giác yêu đương đơn thuần.

Mà nó sâu sắc hơn.

Đó là cảm giác người thân.

Đó là cảm giác đang thực hiện lời thề nguyện ngày nào trong đám cưới trước sự chứng kiến của Chúa…

“…to have and to hold, from this day forward, for better, for worse, for richer, for poorer, in sickness and in health, to love and to cherish, till death do us part...”

0 Replies to “Ngày đi dự tang lễ bà ngoại chồng”

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!