Practical intelligence – Trí thông minh thực tiễn

Tuần trước mình mới đọc xong cuốn “Những kẻ xuất chúng” của Malcolm Gladwell. Sách dành cho mọi đối tượng, nhưng mình thấy có rất nhiều điều hữu ích có thể áp dụng cho việc dạy con. Mình đặc biệt ấn tượng với phần Gladwell viết về “practical intelligence”, “trí thông minh thực tiễn”, một khái niệm đến từ nhà tâm lý học Robert Sternberg.

Gladwell kể nhiều câu chuyện để minh chứng rằng IQ cao không phải là yếu tố quyết định để một người thành công trong cuộc sống, mà là “trí thông minh thực tiễn” mới là yếu tố quyết định. “Trí thông minh thực tiễn” này bao gồm khả năng biết nói cái gì với ai, khi nào, và nói thế nào để tạo hiệu quả lớn nhất và đạt được cái mình muốn. Và loại trí thông minh này không phải sinh ra mà có. Nó đến chủ yếu từ sự dạy dỗ của gia đình, của bố mẹ.

Một ví dụ được Gladwell nhắc đến là câu chuyện về Alex, một cậu bé 9 tuổi, đi gặp bác sỹ cùng mẹ.

Trên đường đi, trong ô tới, mẹ bảo Alex: “Alex, con nên nghĩ về những câu hỏi mà có muốn hỏi bác sỹ. Con có thể hỏi bác sỹ bất cứ câu hỏi gì con muốn. Đừng có ngại.”

Alex suy nghĩ một phút rồi nói về vài mụn mới nổi lên dưới cánh tay. Mẹ liền khuyến khích cậu hỏi bác sỹ.

Qua cuộc đối thoại rất đơn giản này, mẹ đã dạy cậu một điều rất quan trọng. Đó là cậu có quyền lên tiếng. Dù đó có là trước một vị bác sỹ, một người lớn tuổi hơn, một người có uy tín, một người có sức ảnh hưởng, cậu hoàn toàn có thể lên tiếng, hoàn toàn có quyền để khẳng định tiếng nói của bản thân mình. Và chính nhờ cuộc đối thoại này, khi nước vào phòng khám, Alex rất tự tin lên tiếng và đối thoại với bác sỹ.

Ngược lại trong những gia đình không quan tâm đối thoại chuẩn bị tinh thần cho con, những đứa trẻ thường im lặng phục tùng, không có sự tự tin, đôi mắt đảo đi không dám đối diện với bác sỹ.

Trong ghi chép gốc của nhà tâm lý học Lareau, người trực tiếp quan sát câu chuyện của Alex và những đứa trẻ khác, có đoạn nói rằng Alex đã thành công hướng sức nặng của cuộc đối thoại với người lớn về mình. Alex quen với việc được đối xử với sự tôn trọng, nhìn nhận mình là một người xứng đáng với sự quan tâm và chú ý của người lớn. Điều này không có nghĩa Alex tự kiêu hay khoe mẽ, cậu cư xử rất chừng mực, nhưng cậu biết lý luận, biết thương lượng, và có thể thoải mái nói đùa.

Như phản ánh qua câu chuyện của Alex, sự tự tin của những đứa trẻ chính là đến từ việc hiểu rõ tình huống, hiểu rõ mình cần phải làm gì và nói gì. Và cái sự hiểu rõ này chỉ đến nếu bố mẹ gia đình dành thời gian chỉ dạy.

Gia đình mình, lần nào làm điều gì mới, đặc biệt trong những tình huống cần giao tiếp với người khác, cũng đều dành thời gian chuyện trò trước với con.

Ví dụ khi Anna tầm 2, 3 tuổi lần đầu đi nha sỹ. Trước khi đi nha sỹ một tháng, mình đã mua sách truyện kể về việc đi nha sỹ với hình ảnh minh họa để xem cùng con. Mình sẽ chỉ cho con biết nha sỹ sẽ làm và nói gì và con sẽ cần phải làm và nói những gì.

Hay đơn giản những lần đầu vào hàng kem, mình bảo trước với con: “Bây giờ mình vào hàng kem, mẹ và con sẽ xếp hàng. Khi tới lượt mình, chú bán kem sẽ hỏi con muốn mua gì. Thế con muốn mua gì nào?”

Con trả lời: “Con muốn mua kem xoài.”

Mình cười gật đầu: “Vậy con cứ nói thật to với chú như vậy, thì chú sẽ lấy kem cho mình. Rồi sau đó khi mình trả tiền, mẹ sẽ đưa thẻ ngân hàng cho con để con quẹt nhé.”

Đơn giản vậy thôi nhưng con sẽ biết phải hành xử như thế nào và tự tin hơn trong tình huống.

Một ví dụ khác chính là ngày hôm trước khi cấp cứu ở bệnh viện, con được sơ cứu qua trước khi vào gặp bác sỹ. Trong lúc đợi bác sỹ, chồng đã dặn dò trước với con rằng bác sỹ sẽ phải mở chiếc băng sơ cứu này ra, sẽ hơi đau một xíu, nhưng sau đó bác sỹ sẽ giúp con bôi thuốc, dính vết thương và băng lại cẩn thận hơn, và nếu bác sỹ hỏi gì con cứ thoải mái trả lời. Chính điều này đã giúp con tự tin hơn khi vào phòng khám, không kêu ca hay sợ sệt gì.

Việc nói chuyện chuẩn bị tinh thần cho con trước những tình huống mới càng đặc biệt hữu ích cho những đứa trẻ có tính cách hướng nội như con mình. Mình chú ý là con mình khi còn bé rất hay ngượng ngùng với người lạ, nếu có người lạ con sẽ đỏ mặt ngồi im thậm chí là nhiều lúc sợ hãi tránh né. Trước khi bạn bè tới nhà, mình đều nói với con những người sẽ tới nhà mình là ai, quen với ba mẹ như thế nào, con cái của họ bao nhiêu tuổi, dặn con trước là mình sẽ chia sẻ đồ chơi của mình với các bạn và đó là một điều rất tốt.

Tới bây giờ con vẫn là một đứa trẻ ít nói trước mặt người lạ, nhưng không còn sợ sệt hay mấy ngại ngùng. Nếu ai hỏi gì mà đúng cái con biết, con sẽ trả lời (dù thường ngăn ngắn thôi). Nếu nhắc tới chủ đề con thích và đúng tâm trạng, con cũng có thể nói nhiều. Mình không bao giờ thúc ép con phải trả lời, hay bắt con phải “trình diễn” cái gì trước mặt người khác. Không bao giờ có chuyện con hát đi hay con múa đi hay con đọc đi. Con thích thì con làm còn không thích thì thôi.

Mình không hề sợ người khác đánh giá con mình như thế này thế kia, hay đánh giá việc dạy con của mình. Cái mình quan tâm nhất là cảm xúc của con. Mình muốn con cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy mình xứng đáng được nhận sự tôn trọng từ người khác, và có quyền lên tiếng và nói chuyện như tất cả các người lớn khác. Điều này đã và sẽ tiếp tục giúp ích rất nhiều cho việc phát triển sự tự tin của con.

—-

Link sách hữu ích:
👉 Sách “Những kẻ xuất chúng” của Malcolm Gladwell

Tên tiếng Anh: “Outliers: The Story of Success”
Link mua sách ở VN – Tiki|Shopee
Link mua sách ở Anh – Amazon

👉 Sách “Trầm lặng: Sức mạnh tiềm ẩn của người hướng nội” của Susan Cain dành cho các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục để giúp đỡ và đào tạo những đứa trẻ hướng nội.

Tên tiếng Anh: “Quiet Power: The Secret Strengths of Introverted Kids”
Link mua sách ở VN – Tiki | Shopee
Link mua sách ở Anh – Amazon

—-

👉 Link giới thiệu cho bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki|Shopee 1|Shopee 2

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!