Quản lý tài chính: các bước để bắt đầu

Gần đây có một bạn đọc nói với mình rằng bạn rất muốn học cách quản lý tài chính nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Thế nên hôm nay mình xin viết bài chia sẻ về các bước để bắt đầu, bao gồm link tới các trang web và nhóm Facebook ở cuối bài. Hi vọng sẽ phần nào hữu ích cho các bạn còn mới trong lĩnh vực này.

Bài viết gồm 4 phần:

Bước 1: Xác định tình hình tài chính hiện tại của bản thân
Bước 2: Thiết lập ngân sách chi tiêu
Bước 3: Đặt mục tiêu tài chính
Bước 4: Tìm hiểu về đầu tư (bao gồm link và sách)


Bước 1: Xác định tình hình tài chính hiện tại của bản thân

Bước đầu tiên của quản lý tài chính thực ra rất đơn giản. Đó là nắm rõ tình hình tài chính hiện tại của bản thân:

• Mình kiếm được bao nhiêu tiền?
• Mình tiêu bao nhiêu? Tiêu vào những khoản gì?
• Mình có những nợ nần hay tài sản gì?
• Mình hiện tiết kiệm được bao nhiêu?

Để trả lời cho những câu hỏi này chỉ cần chăm chỉ ghi chép lại thu nhập và chi tiêu hàng tháng của bản thân.

Nếu dùng tiền mặt, mình hay dùng app “Notes” của điện thoại để ghi lại ngay sau khi chi tiêu để khỏi quên. Mình sẽ ghi lại theo các mục như là đồ ăn, quần áo, đi lại…. Đến cuối tháng sẽ tổng kết vào file Excel. Nếu sử dụng thẻ ngân hàng thì mình không cần phải ghi lại ngay, mà chỉ cần đợi tới cuối tháng tải bản sao kê ngân hàng và phân loại vào các đề mục trong file Excel của mình.

Các bạn có thể tham khảo chi tiết cách ghi chép của mình ở link này: Cách ghi chép tài chính cá nhân hiệu quả bằng excel. Tuy nhiên các ghi chép của mình có phần hơi rắc rối phức tạp vì mình sử dụng kiến thức kế toán. Các bạn chỉ cần ghi chép đơn giản thôi cũng hoàn toàn được.

Đây là link tới ví dụ tóm tắt chi tiêu tháng của gia đình mình: Chi tiêu 01/2020 và 02/2020


Bước 2: Thiết lập ngân sách chi tiêu

Muốn làm gì tiếp thì cũng cần phải có một khoản tiết kiệm, mà muốn có khoản tiết kiệm này thì cần phải chi tiêu hợp lý.

Cách tốt nhất để quản lý chi tiêu là thiết lập ngân sách cho mỗi mục chi tiêu. Suy xét kỹ những ghi chép từ bước 1 để xem có khoản nào có thể cắt giảm được, và từ đó đặt ra ngân sách chi tiêu hàng tháng. Ví dụ 1 triệu tiền ăn, 200k tiền điện nước…

Từ bước này, mình cũng tính ra được mình sẽ tiết kiệm tối đa được bao nhiêu từ thu nhập hiện tại.


Bước 3: Đặt mục tiêu tài chính

Sau khi đã xác định tình hình tài chính của mình và khả năng tiết kiệm, bước tiếp theo là đặt mục tiêu tài chính. Mục tiêu tài chính sẽ tuỳ vào hoàn cảnh cá nhân, nhưng nhìn chung nên đặt mục tiêu thực tế, và bao gồm cả mục tiêu ngắn hạn 1 năm và mục tiêu dài hạn 5, 10, 20 năm.

Một số lời khuyên chung là:

• Tiết kiệm quỹ dự phòng khẩn cấp, hay còn gọi là Emergency Fund, để đủ chi trả cho chi phí cho 6 tháng của gia đình trong trường hợp bị đuổi việc hay ốm đau bệnh tật mà mất thu nhập.
• Bỏ tiền vào quỹ lương hưu
• Tập trung trả hết nợ theo thứ tự lãi suất cao trả trước.
• Tiết kiệm và đầu tư để mua nhà và tự do về tài chính.

VÍ DỤ VỀ MỤC TIÊU CỦA MÌNH

Ví dụ trong trường hợp của mình, mình đã tiết kiệm đủ cho Emergency Fund. Quỹ lương hưu mình cũng vẫn cho vào cố định % hàng tháng.

1. Mục tiêu dài hạn hiện tại của mình là trả hết nợ nhà và tự do tài chính ở tuổi 42.

Để xác định được mục tiêu nay có thực tiễn không, mình phải sử dụng thông tin ở bước 1 và bước 2 trên cộng thêm một số giả thiết về lãi suất thu lại từ việc đầu tư và dùng Excel để tính ra. Bạn có thể đọc thêm về cách tính của mình ở bài viết này: Khi nào có thể tự do tài chính và nghỉ hưu sớm

Mình cũng đã từng chia sẻ với bạn đọc một template đơn giản (file Excel mẫu có sẵn công thức) dùng để tính ra số tiền tiết kiệm và thu nhập thụ động. Nếu bạn nào có quan tâm, có thể xem thêm chi tiết trong bài viết: Một kế toán biết đầu tư ở Luân Đôn có thể tiết kiệm được bao nhiêu sau 10 năm ra trường

Nếu bạn muốn có template, hãy:
• để lại email cho mình qua phần “Để lại email để theo dõi blog” của web
• và nhắn cho mình qua phần bình luận của bài viết trên trang web link là bạn đã đăng ký để mình biết để tìm email của bạn nhé (bạn sẽ thấy là đã có nhiều bạn để lại bình luận xin template).

Tuy nhiên các bạn chú ý tuyệt đối đừng nhắn email vào phần bình luận để không bị công khai thông tin cá nhân nhé.

2. Về mục tiêu ngắn hạn, mình có xác định những mục tiêu sau cho năm 2021:

• Tiêu (bao gồm cho đi) 50% thu nhập và dồn hết 50% còn lại vào việc đầu tư. (Nếu bạn chưa biết rõ về đầu tư, có thể đặt mục tiêu là 50% chi tiêu, 50% tiết kiệm, và dành thời gian tìm hiểu thêm về các phương thức đầu tư khác nhau trước khi chuyển tiết kiệm thành đầu tư. Các bạn có thể xem lại các nguyên tắc phân chia thu nhập dưới đây để quyết định mục tiêu cho mình.)

• Trong phần đầu tư của mình, mình chia ra làm các mục đầu tư khác nhau, và cũng xác định % bỏ vào các mục cho năm 2021 này. Ví dụ: 30% bỏ vào cổ phiếu, 10% trái phiếu, 30% startup, 30% cho vay…

NGUYÊN TẮC PHÂN CHIA THU NHẬP

Dưới đây là một nguyên tắc phân chia thu nhập thường được nhắc đến trên các trang quản lý tài chính cho các bạn tham khảo:

1. Nguyên tắc 70-10-10-10

10% – Giving (Cho đi)
10% – Saving (Tiết kiệm)
10% – Investing (Đầu tư)
70% – Spending (Tiêu dùng)

• Giving: Cho đi là một thói quen tốt mà ai cũng nên tập luyện. Nó tốt cho người nhận, nhưng còn tốt nhiều hơn cho người cho đi. Nó giúp con người ta biết cách sống quan tâm suy nghĩ cho người khác, và không chỉ bo bo biết tới bản thân mình.

• Saving: Tiết kiệm vô cùng quan trọng. Nhiều người vì không tiết kiệm từ sớm mà rơi vào cảnh nợ nần túng thiếu, đồng thời bỏ lỡ những cơ hội đầu tư kiếm lợi từ những tiết kiệm này.

• Investing: Đầu tư, có thể là đầu tư vào thị trường tài chính để kiếm lợi, có thể là đầu tư vào bản thân như là học tập, kỹ năng, bằng cấp.

• Spending: Tiêu dùng là nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên bao giờ vung tay quá trán để lẹm vào ba khoản nói trên.

Đọc thêm: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/quy-tac-70-30-dam-bao-tien-bac-cho-ca-doi-ban-297786.html

2. Nguyên tắc 50 – 20 – 30

50% – Nhu cầu: Chi tiêu tất yếu (ví dụ thuê nhà, ăn uống đi lại…)
30% – Mong muốn: Chi tiêu cá nhân (khoản chi hoàn toàn linh hoạt, bạn có thể chi cho sở thích cá nhân của mình ví dụ du lịch, giải trí)
20% – Tiết kiệm, trả nợ, quỹ dự phòng và đầu tư

Đọc thêm: https://vietnambiz.vn/nguyen-tac-50-20-30-50-20-30-budget-rule-la-gi-20200113153646184.htm

3. Nguyên tắc 6 cái lọ 55 – 10 – 10 – 10 – 10 – 5

55% – Chi tiêu thiết yếu
10% – Tiết kiệm dài hạn
10% – Đầu tư
10% – Dành cho giáo dục
10% – Hưởng thụ
5% – Sẻ chia, từ thiện

Đọc thêm: https://webtaichinh.info/quan-ly-tai-chinh/


Bước 4: Tìm hiểu về đầu tư

Đây là bước đòi hỏi việc đọc và tìm hiểu. Mình thường đọc các trang blog, google thông tin, tham gia nhóm hội Facebook. Dưới đây mình xin đăng một số link hữu ích mà mình biết.

1. Cho các bạn ở Việt Nam:

Trang blog/web:

Leox cộng đồng đầu tư vững bền
• Trang blog của Alex Tú
• Trang blog của mình dù chia sẻ nhiều về UK, nhưng cũng có những chia sẻ chung áp dụng được ở VN, ví dụ: https://www.chuyencuangan.com/quan-ly-tai-chinh/

Nhóm Facebook:

• “Tài chính cá nhân cho phụ nữ
• “Cộng đồng đầu tư vững bền Leox.vn
• “Hội những nhà đầu tư chứng khoán cá nhân

2. Cho các bạn ở UK:

Trang blog:

• Mục “Tài chính cá nhân” trên blog của mình
• “Money to the Masses
• “Money saving expert
• “This is money

Nhóm Facebook:

• “Kinh doanh, đầu tư và cuộc sống ở UK

3. Sách:

• “Cha giàu cha nghèo” của Robert T. Kiyosaki
Một cuốn sách kinh điển về quản lý tài chính.
Tập 1: Link mua sách ở VN: Tiki | Shopee
Trọn bộ: Tiki | Shopee
Link mua sách ở Anh: Amazon

• “Thịnh vượng tài chính tuổi 30” của Go Deuk Seong
Cuốn này mình chưa đọc, nhưng được giới thiệu bởi các chị em trong nhóm quản lý tài chính.
Link mua sách: Tiki | Shopee


Mình hi vọng bài viết này hữu ích cho các bạn quan tâm. Nếu bạn có câu hỏi gì hay muốn mình chia sẻ thêm về khía cạnh cụ thể nào cứ việc để lại lời nhắn cho mình trong phần bình luận dưới bài viết nhé. Nếu bạn muốn copy và đăng lại bài viết của mình ở nơi khác, xin hãy thảo luận với mình trước nhé. Mình xin cảm ơn sự quan tâm của mọi người.

👉 Link giới thiệu về mình cho những bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua sách “Dấu yêu Cambridge” của mình về truyện tình yêu tình bạn tại trường đại học Cambridge (Anh Quốc) nơi mình từng theo học: Tiki | NXB Kim Đồng | Shopee 1| Shopee 2
👉 Link tới sách trên Goodreads: Goodreads

13 Replies to “Quản lý tài chính: các bước để bắt đầu”

  1. Chào chị Ngân, chia sẻ này hữu rất hữu ích ạ. Chị cho em xin template chị nhé!

  2. Hi em chào chị,

    Cảm ơn c rất nhiều vì bài chia sẻ về chủ đề thú vị và thiết thực.

    Em hiện là sv năm cuối, sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mặc dù e có ghi chép lại chi tiêu cá nhân nhưng chưa phân loại và quản lý chi tiết như chị nên e thấy chưa hiệu quả. Em rất mong c có thể chia sẻ Template quản lý TC để e có thể tham khảo trong việc quản lý tài chính cá nhân cũng như Gia đình ạ.

    Em cảm ơn chị và chúc chị một ngày tốt lành! ^^

    1. Chào em, cảm ơn lời nhắn của em. Chị đã gửi email cho em rồi đó. Hiện chị chưa làm xong template về chi tiêu, nhưng đã chia sẻ cho em template về financial planning.

  3. Hi chị Ngân, em được biết đến blog của chị từ một bài viết của chị Lily of the Valley từ lâu nhưng đến nay mới có cơ hội nghiền ngẫm ạ. Các bài chia sẻ của chị rất hữu ích và em cũng mong chị có thể chia sẻ cho em template để em tham khảo trong việc quản lý tài chính cá nhân và gia đình ạ.
    Em cảm ơn chị nhiều và chúc chị một ngày nhiều niềm vui.

    1. Hi em, chị rất cảm ơn em đã để lại lời nhắn cho chị nhé. Chị rất là vui đọc tin nhắn của em. Chúc em một tuần vui.

  4. Em chào chị Ngân ạ. Trước hết em cảm ơn chị rất nhiều vì những bài viết rất hay về cả công việc và cuộc sống. Em đã học được từ chị nhiều điều rất quý giá. Em mong sẽ nhận được template từ chị để thực hành quản lý tài chính cá nhân ạ. Chúc chị một ngày tốt lành!

  5. Em chào chị Ngân ạ. Rất may mắn khi được đọc những bài viết rất hay của chị. Em mong sẽ nhận được template từ chị để thực hành quản lý tài chính cá nhân ạ. Chúc chị một ngày tốt lành

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!