Ý nghĩa của công việc

1.

Dạo này mình đi xin việc. Bị từ chối tứa lưa.

Căn bản vì mình muốn chuyển ngành. Mình không muốn làm nhà nước nữa, giờ mình muốn chuyển ra tư nhân. Lý do chính là sau năm rồi làm ở ngân hàng startup, mình thích quá, mình muốn làm nhiều hơn dạng công ty nhỏ nhiều đề án đầu tư thú vị như vậy, chứ không muốn quay lại tổ chức lớn nữa. Tiếc là ngân hàng lại không ở Luân Đôn, nên mình không thể làm việc lâu dài.

Thực ra quyết định chuyển ngành vậy mình cũng lăn tăn lắm. Sự nghiệp trong nhà nước của mình đang tương đối thuận lợi. Mình biết rõ đường đi lối lại, cũng đã phát triển được mối quan hệ này kia. Giờ chuyển ngành, phải thụt lùi một bước để học hỏi nhiều thứ từ đầu.

Nhưng mình tự hỏi bản thân mình, có vị trí nào hiện tại trong các bộ nhà nước khiến mình cảm thấy hào hứng không? Có mảng chính sách nào khiến mình cảm thấy đặc biệt thú vị muốn gắn bó lâu dài không? Rất tiếc câu trả lời lại là không!

Rồi mình lại tự hỏi bản thân mình, điều mình thực sự tiếc nuối là gì? Sự ổn định? Sự quen thuộc? Danh tiếng của tổ chức?

Rốt cuộc thì cũng không đủ lý do chính đáng để níu chân mình lại.

2.

Trong thời gian này, mình dành nhiều thời gian để nghe podcast, nghe TED talk, suy ngẫm về hướng đi phía trước.

Trong một podcast, mục sư người Mỹ Tim Keller có nói rằng công việc vốn là một phần tốt đẹp của tạo hóa. Tất cả công việc đều có giá trị và đáng được trân trọng như nhau, không có công việc nào đáng trân trọng hơn công việc nào. Bản thân Chúa đã làm công việc chân tay để tạo ra loài người, tạo ra thế giới. Adam và Eve, những con người Chúa tạo ra trước tiên, là những người làm vườn. Chúa Giê-xu, con của Chúa, phiên bản người của Đức Chúa Trời trên trái đất, không phải là một… CEO, mà là một người thợ mộc. Hiểu rõ rằng công việc nào cũng đáng quý và có giá trị ngang hàng nhau, giúp mình gạt bỏ được sự lo lắng về thứ bậc, gạt bỏ được những suy nghĩ phù phiếm về danh tiếng.

Tim Keller cũng nói nếu muốn tìm kiếm đam mê, chỉ cần hai yếu tố:
1) công việc tạo ra lợi ích cho cộng đồng, tạo ra lợi ích cho người xung quanh và
2) công việc tận dụng được khả năng, sở trường, sở thích của bản thân, vì đó là God’s calling, tiếng gọi của Chúa, là món quà mà Chúa trao cho mỗi người.

Tuy nhiên một điều vô cùng quan trọng để đạt được sự thỏa mãn trong công việc đó là hiểu rõ động cơ làm việc của mình là gì. Nếu tất cả những điều mình làm là để chứng tỏ bản thân, để người khác công nhận, để định giá trị cho mình, thì đổi lại sẽ chỉ có áp lực, dằn vặt và thất vọng. Không thành công nào có thể đủ để lấp đầy khoảng trống bên trong ấy.

Trong bộ phim “Xe lửa” (“Chariots of Fire”), bộ phim của Anh đạt giải Quả Cầu Vàng phát hành năm 1981 về câu chuyện có thật của hai vận động viên Olympic người Anh, nhân vật Abrahams khiến người xem cảm nhận rõ được sự tức tối dằn vặt trên con đường chạy của anh, trong khi Liddell, anh luôn chạy với sự thỏa mãn hạnh phúc trên gương mặt. Sự khác nhau là Abrahams chạy để chứng tỏ bản thân, còn Liddell chạy vì “when I run, I feel His pleasure” (“Khi tôi chạy, tôi cảm nhận được sự khoái lạc của Chúa.”). Liddell không chạy vì bản thân mình, anh chạy vì mục đích cao hơn, vì anh tin đó là God’s calling, là tiếng gọi của Chúa. Anh chạy vì Chúa.

3.

Đọc đến đây, chắc có bạn đọc sẽ nghĩ, làm thế nào để biết rằng đó là God’s calling, là điều Chúa muốn cho cuộc sống của mình.

Thực ra thì không ai có thể biết chắc chắn. Khi quyết định tới New York để bắt đầu nhà thờ Redeemer, Tim Keller cũng không chắc chắn đó có phải là điều Chúa muốn không. Nhưng ông cứ làm thôi, vì ông tin vào Đức Chúa Trời và sự dẫn dắt của Chúa.

Bản thân mình cũng như vậy, không chắc chắn là tương lai sẽ dẫn tới đâu, nhưng mình lắng nghe và cân nhắc, suy ngẫm kỹ về lý do thúc đẩy lựa chọn của mình. Nếu mình cảm thấy nó thuận với những điều chỉ ra trong Kinh Thánh, thì mình sẽ ra quyết định.

Điều tuyệt vời trong cuộc sống có Chúa đó là mình bớt sợ, bớt sợ lời ra tiếng vào, bớt sợ được mất thua thiệt, bớt sợ sự không chắc chắn của tương lai. Vì thế mà mình tự do hơn, tự do để ra quyết định, tự do làm điều muốn làm, thích làm.

Trước đây có bạn đọc đã hỏi mình là Chúa dẫn đường mình như thế nào, thì hôm nay mình xin chia sẻ một chút như vậy. Chúa dẫn đường trong trường hợp của mình không phải là nằm mơ nghe thấy tiếng Chúa, mà là một quá trình học hỏi và trưởng thành, mình “nghe” thấy tiếng Chúa qua Kinh Thánh, qua bài giảng dạy, qua việc lắng nghe nói chuyện với mọi người xung quanh. Mình nghe rất nhiều podcast của mục sư Tim Keller, từ những năm còn ngồi ghế nhà trường, mình đặc biệt cảm thấy hữu ích trong những lúc cuộc sống khó khăn, những lúc mình phải trải qua áp lực bất an. Đây là link podcast, mọi người cũng có thể tìm Tim Keller trên YouTube nhé. Tim Keller cũng có rất nhiều sách hay, ví dụ một vài cuốn là “The reason for God”, “The meaning of marriage” và “Hope in Times of Fear”.

—-

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!