Review book: Lời chia tay đẹp nhất thế gian (Nor Hee Kyung, 2010)

Lời chia tay đẹp nhất thế gian” là một câu chuyện về Kim In Hee, một người mẹ, người vợ, người chị, người con dâu đã dành cả cuộc đời hi sinh cho những người thân của mình. Người chồng cộc cằn thô lỗ bận bịu với sự nghiệp chưa từng giây phút nào ngọt ngào với vợ của mình, người con gái đắm chìm trong chuyện tình yêu ngang trái làm người thứ ba xen vào gia đình của người khác mà không có thời gian cho mẹ, người con trai trượt đại học hai lần suốt ngày lêu lổng rượu chè hỗn hào với bố mẹ, người mẹ chồng tuổi già lú lẫn ngày ngày kêu gào làm loạn thậm chí thẳng tay đánh đập con dâu không thương tiếc, và người em trai cờ bạc rượu chè luôn mực đổ lỗi cho chị gái của mình… Có lẽ mỗi con người trong câu chuyện sẽ tiếp tục sống cái cuộc sống vô tâm vô trách nghiệm của mình, nếu như tin dữ về sức khỏe Kim In Hee không đột ngột giáng xuống như tiếng sét ngang tai. Bà bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, không còn có thể nào cứu chữa được.

Đột nhiên nhận ra người mẹ, người vợ, người chị của mình không còn ở trên cõi đời này bao lâu nữa, mỗi con người trong câu chuyện bắt đầu nhìn lại cách sống của mình, nhìn lại cái sự vô tâm sự vô trách nghiệm của mình mà quay đầu. Cái chết của Kim In Hee dù đau đớn nhưng lại cứu sống cuộc đời của năm con người thân thiết ở xung quanh bà.

Khi mới bắt đầu câu chuyện, mình thấy cách nhắc tới nhân vật trong truyện có chút hơi lạ lẫm. Nhân vật Kim In Hee được nhắc đến là “mẹ” thay vì “bà” hay “cô”, nhân vật bố được nhắc đến là “bố” thay vì “ông”, thường thấy trong cách kể ở ngôi thứ ba. Cách sử dụng tên gọi “mẹ” và “bố” khiến lúc đầu mình nghĩ câu chuyện được nhìn từ góc độ của người con, nhưng sau đó nhân vật người con cũng được nhắc đến từ ngôi kể thứ ba, thay vì là nhân vật “tôi”. Giọng kể chuyện lúc đầu mình cũng cảm thấy có chút hơi khô khan giống như đọc kịch bản vậy. Có lẽ điều này không lạ vì “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” vốn là kịch bản phim phát sóng đầu tiên năm 1996, và sau này được chuyển thể thành tiểu thuyết. Tuy nhiên, đọc tới chương 3, chương 4 thì mình bắt đầu bị cuốn vào câu chuyện. Nội dung cảm động khiến mình không còn để ý nhiều tới cách kể chuyện nữa.

Hình ảnh người phụ nữ trong câu chuyện thật và gần gũi tới đau lòng. Dù đây là một câu chuyện của tác giả Hàn Quốc, mình vẫn có thể hoàn toàn nhìn thấy bóng dáng của những người mẹ, người vợ Việt Nam trong nhân vật Kim In Hee. Sống cả đời hi sinh cho chồng cho con, nhưng những con người vô ơn vô tâm xung quanh cho đó là hiển nhiên. Bà sống cả một đời khổ cực cho đi tất cả những gì mình có, tiếc là bà chỉ được nhận lại trong những giây phút ngắn ngủi đau đớn cuối đời.

Đọc truyện mà thầm cảm ơn là mình vẫn còn cha còn mẹ còn người thân xung quanh để đối xử với họ tốt hơn, chứ không phải đợi tới lúc qua muộn rồi thì mới khóc lóc hối hận như những nhân vật trong truyện.

Truyện có rất nhiều đoạn cảm động. Từ chương 4, chương 5 trở đi là mình vừa đọc vừa khóc rồi, khi người chồng bất lực không làm gì được cho vợ mình, khi hai đứa con muốn có thêm thời gian để đền đáp cho mẹ mình, khi đứa em muốn được sống lương thiện, và khi người mẹ phải chia tay với chồng với những đứa con của mình.

Trong lúc hấp hối, người mẹ nói:

Yeon Soo à, mẹ yêu Yeon Soo nhiều lắm, con biết chứ?

Mình cảm thấy thật thấu hiểu cảm giác hơn bao giờ hết. Giống hệt lời mình vẫn nói với con mình hàng ngày. Và khi nói câu đó, cái cảm giác nó rất đặc biệt, một cảm giác yêu, cảm giác thương, rất rất nhiều, nhiều tới mức thắt chặt tim gan, tới mức không có ngôn từ nào có thể miêu tả nổi. Thế mới nói có làm mẹ mới hiểu được hết nỗi lòng của người mẹ.

Bà nói bà muốn được làm cho một ngôi mộ thay vì hỏa táng bởi vì…

… lúc trước mẹ tôi được hỏa táng… tro cốt được rải xuống sông Nam Hàn, lâu ngày chẳng còn nhớ đã rắc ở đâu nữa. Tôi đi đến chỗ này cũng khóc, đi đến chỗ kia cũng khóc… thật sự giống người điên… tôi không muốn mình và các con cũng như thế.

Đó là nỗi lo lắng sâu sắc của người ra đi dành cho những người ở lại…

Khi bà chia tay với người chồng, bà hỏi:

“Mình sẽ nhớ tôi chứ?”

Bố không thể nhìn vào mắt mẹ thêm nữa, ông chỉ biết gật đầu.

Mẹ lại hỏi tiếp.

“Khi nào? Và lúc nào?”

“… Tất cả.”

“Tất cả là khi nào?”

“Khi thắt cà vạt để đi làm mỗi sáng.”

“… Còn nữa không?”

“Khi ăn canh tương không ngon.”

“Và?”

“Khi ăn canh tương ngon.”

“Còn gì nữa?”

Mẹ hỏi, bố trả lời, hai người dần dần tìm được tiếng nói của mình. Bố không nhìn mẹ, những lời nói được thốt lên lần lượt như tháo từng chiếc then cài trong lòng.

“Khi uống rượu, khi tỉnh rượu, khi nhìn vào chỗ ngủ, khi muốn nghe cằn nhằn, khi mẹ già lên cơn lẩn thẩn vô lý, khi Yeon Soo về nhà chồng, khi Jeong Soo đi học đại học, khi thằng bé tốt nghiệp, khi đến Tết, khi nặn bạnh Songpyon ngày Trung thu, khi ốm đau, khi cô đơn…”

Đọc được đến chương gần cuối thì mẹ mình bước vào nhà. Mẹ nhìn thấy mình nước mắt đầm đìa thì trợn mắt: “Ơ mày làm sao thế con?”

Mình vẫn sụt sịt: “Đọc sách cảm động thì khóc chứ sao nữa mẹ.”

Mẹ thay đôi dép trong nhà cằn nhằn: “Còn tưởng mày bị ai đánh.” (Xì, ai mà đánh được con mẹ.) Xong mẹ bảo: “Thôi, nhổ tóc bạc cho mẹ đi.”

Mình nhoẻn cười, gấp cuốn sách đặt lại trên bàn, ngồi thẳng người lên rồi vỗ vỗ tay lên ghế: “Rồi, mẹ lại đây ngồi đi.”

Cả buổi vừa ngồi đọc vừa khóc, trong đầu mình đã nghĩ, sao mẹ không mau về để mình nhổ tóc sâu ấy nhỉ.

<3

Link mua sách: Tiki | Shopee |
Link tới các review khác của blog: Review

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!