Review book: Totto-chan bên cửa sổ (Kuroyanagi Tetsuko, 1973)

Người dịch: Trương Thuỳ Lan

Kuroyanagi Tetsuko là nhà văn thiếu nhỉ, đồng thời là một diễn viên và người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng tại Nhật Bản. Bà là người sáng lập ra quỹ Totto Foundation, đào tạo các diễn viên điếc một cách chuyên nghiệp, nhằm hiện thực hoá ý tưởng mang hát kịch đến với người điếc của bà. Năm 1984, bà được bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc và là người châu Á đầu tiên ở vị trí này. Kuroyanagi quyên góp được hơn 20 triệu đô la cho các chương trình của UNICEF mà bà có tham gia hoạt động qua các chiến dịch quyên góp trên truyền hình.

“Totto-chan bên cửa sổ” là cuốn hồi ký của Kuroyanagi về những năm học tại trường tiểu học Tomoe dưới sự dìu dắt của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku vào thời điểm chiến tranh thế giới thứ II sắp kết thúc. Totto-chan là một cô bé tò mò hiếu động, gây ra rất nhiều chuyện “náo động” tại trường học, náo động tới mức cô bé đã bị đuổi học dù mới chỉ học lớp một. Mẹ đưa Totto-chan tới một trường tiểu học mới tên là Tomoe. Trường Tomoe không giống như các trường bình thường, trường là sáu toa tàu điện nối đuôi nhau, học sinh toàn trường chỉ có 50 người, mỗi lớp chừng 10 người. Cách dạy học ở Tomoe rất khác với cách dạy truyền thống, tập trung vào mỗi đứa trẻ thay vì áp đặt đại trà. Các bạn học sinh ở trường Tomoe được chọn chỗ ngồi và chọn môn mình thích cho mỗi buổi học. Đây cũng là trường học đầu tiên mang môn thể dục nhịp điệu vào Nhật Bản và vẫn để học sinh học tiếng Anh trong khi toàn nước Nhật đang tẩy chay tiếng Anh vì cuộc chiến tranh. Trường là tâm huyết của thầy Kobayashi sau một thời gian dài nghiên cứu cách dạy học trên toàn thế giới.

Mình biết tới cuốn sách từ hồi còn ngồi ghế phổ thông nhưng chưa có cơ hội đọc. Mình mừng là cuối cùng đã có thời gian hoàn thành cuốn sách. Sách viết dưới con mắt của Totto-chan một cô bé học sinh tiểu học, nên cách viết rất trong sáng đơn giản và dễ thương. Truyện có nhiều các chương ngắn, mỗi chương nói về một điều mà Totto-chan trải qua và quan sát được. Phần cuối sách tác giả thêm phần kết khá thú vị tiết lộ về cuộc sống về sau của các bạn học sinh trường Tomoe sau khi rời trường. Đặc biệt vì đây là một câu chuyện thật nên mọi diễn biến có nhiều ý nghĩa hơn. Nhiều mẩu chuyện khiến mình cảm thấy thật cảm động, càng thấm thía hơn sự tương tác của người lớn ảnh hưởng to lớn thế nào đối với một đứa trẻ. Tác giả đã thừa nhận rằng cuộc đời mình đã khác, đã mặc định là “một đứa trẻ hư”, nếu như không vào học trường Tomoe, không được thầy Kobayashi hướng cho rằng “Em là một đứa trẻ ngoan”.

Tóm lại đây là một cuốn sách thú vị về phương pháp dạy học, khiến người đọc phải suy ngẫm.

Link mua sách: Tiki | Shopee |
Link tới các review khác của blog: Review

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!