11 điều mình đã làm trong năm 2020 để định hướng và phát triển sự nghiệp

Hôm trước mình lên Linkedin đăng quảng cáo tuyển dụng cho một vị trí trong đội của mình, nhân tiện nhấn vào cái Profile mốc meo cả năm rồi chưa đụng tới. Vừa lướt xuống liền nhìn thấy con số “1 năm 5 tháng” bên dưới dòng chức danh ở trên cùng.

Chợt giật mình. Mới thế mà đã làm ở Bộ mình gần năm rưỡi.

Nhìn lại một năm rưỡi này, cảm thấy dài thật dài, mà nhanh cũng thật nhanh. Là một năm vô cùng bận rộn và… bất thường, chủ yếu vì hai yếu tố: nước Anh rời khỏi khối châu Âu và Covid lan tràn hơn 9 tháng.

Nền kinh tế đối diện với khủng hoảng, nhiều chính sách được ban hành hơn, nhiều tổ chức được tạo ra để cứu trợ kinh tế, tài chính của Bộ bị ảnh hưởng, công việc của mình vì thế mà trở nên bận rộn và khó khăn hơn bình thường.

Mình biết những lúc bận rộn và khó khăn là những học hỏi được nhiều nhất, nên mình không những không ca thán, mà còn thầm cảm ơn những cơ hội đã tới tay.

Tuy nhiên trong bài viết này mình sẽ không đi sâu vào công việc tài chính số má, mà muốn chia sẻ với các bạn đọc về những việc mình đã tranh thủ chèn vào giữa những ngày bận rộn để song song định hướng và phát triển sự nghiệp về lâu về dài của mình.

11 điều mình đã làm trong năm 2020 để định hướng và phát triển sự nghiệp

1. Career planning – Lên kế hoạch sự nghiệp

Mình bắt đầu công việc hiện tại từ tháng 8 năm ngoái. Trước đó thực ra mình chưa bao giờ nghĩ tới sự nghiệp lâu dài. Mình làm đơn giản vì ba lý do: một là thích, hai là có cái để học hỏi và ba là có cái để đóng góp.

Nếu còn thích, còn có cái để học hỏi, và còn có thể đóng góp, thì còn muốn làm thêm nữa. Lúc đó cấp trên từng hỏi: “Mày có muốn lên chức không?”, mình đã trả lời: “Tao cũng chẳng quan tâm lắm.”

Rồi mình lên chức vào cái tháng 8 năm ngoái đó. Đột nhiên có một sự thay đổi trong suy nghĩ của mình. Mình nhận ra mình có thể làm được nhiều hơn nữa. Mình bắt đầu ngồi suy nghĩ cụ thể hơn về định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Nhờ có kinh nghiệm 6 năm việc làm từ trước trong các tổ chức khác nhau, các ngành nghề cũng có tính đa dạng, mình biết rõ hơn về điểm mạnh của bản thân, biết rõ cái mình muốn là gì, và vì thế mà bắt đầu có thể hình thành rõ ràng hơn hướng đi cho tương lai.

Cụ thể mình biết tiền không tạo động lực cho mình mà cảm giác được đóng góp cho xã hội mới là điều mình khao khát. Mình muốn làm việc trong cơ quan nhà nước trung ương và mình muốn tiếp tục xây dựng sự nghiệp trong ngành tài chính. Cụ thể hơn nữa, mình đặt cho bản thân mục tiêu 5 năm nữa giành vị trí Phó Giám Đốc, và 10 năm nữa giành vị trí Giám Đốc.

Mình đã tìm hiểu về con đường thăng tiến của các Giám Đốc và Phó Giám Đốc trong cơ quan nhà nước, và nhận thấy tiến độ thời gian đặt ra là khả thi.

Sau khi suy nghĩ cân nhắc và lên kế hoạch, mình không giấu ở trong đầu, mà mình thảo luận với Giám Đốc và Phó Giám Đốc của mình. Mình muốn cấp trên biết rõ ý định của mình để có thể nhận được sự uốn nắn, chỉ dẫn và bảo ban đúng hướng.


2. Career talks – Lắng nghe người khác chia sẻ về sự nghiệp của họ

Trong thời gian ở chỗ làm, mình rất chịu khó nghe ngóng và đăng ký vào các network khác nhau, ví dụ như là network hội phụ nữ, network của người từ nhóm thiểu số, network của nhân viên nhà nước cấp độ quản lý…

Và từ những network này và cũng như các kênh thông tin chung chung của Bộ, mình nhận được nhiều thông tin về các buổi nói chuyện định hướng sự nghiệp. Thông thường mỗi buổi nói chuyện sẽ có chừng 4 tới 5 năm các cán bộ cấp cao, ví dụ như Phó Giám Đốc, Giám Đốc, Thư Ký Bộ, Bộ Trưởng, tham dự và chia sẻ về con đường phát triển sự nghiệp của họ.

Mình rất thích lắng nghe những chia sẻ như vậy. Mỗi con người, mỗi câu chuyện khác nhau, và nó giúp mình nhận ra không có một con đường thành công nhất định. Và sau mỗi buổi chia sẻ như vậy, mình không chỉ được truyền cảm hứng mà còn đúc kết được nhiều điều hữu ích để ghi lại cho bản thân.


3. Objective setting and Performance monitoring – Đặt mục tiêu và theo dõi tiến độ

Nếu ở phần 1 mình đã nhắc tới việc lên kế hoạch cho 5 năm, 10 năm, thì ở phần này là đặt mục tiêu cụ thể cho những điều mình muốn đạt được trong năm tới đây để tới gần hơn cái kế hoạch 5 năm, 10 năm kia.

Mình thường cố đặt mục tiêu để mỗi năm sẽ đạt được điều gì đó cao hơn, chứ không chỉ lặp lại cái đã làm từ năm trước. Mình đã xác định, tới một khi mà mình nhận thấy không có gì có thể thêm vào cho kinh nghiệm và kỹ năng của mình ngoài số năm tăng lên, thì khi đó là lúc mình cần tìm kiếm một cơ hội mới để đẩy xa bản thân hơn.

Đặt mục tiêu xong, mình cũng theo dõi tiến độ. Cứ ba tháng một lần, mình lại nhìn vào mục tiêu để xem mình đã đạt được những gì, có gì cần phải thay đổi không. Mục tiêu và tiến độ đều được thảo luận với cấp trên trực tiếp của mình.


4. Feedback – Chủ động xin nhận xét từ người khác

Một điều mình cố gắng làm nhiều hơn đó là xin nhận xét (feedback) từ các đồng nghiệp sau khi hoàn thành một công việc gì đó. Mình cố gắng xin nhận xét từ các nhóm đồng nghiệp khác nhau để có cái nhìn đa dạng hơn, bao gồm cấp trên, bằng cấp, cấp dưới, đồng nghiệp trong nhóm tài chính, đồng nghiệp trong nhóm chính sách, và thậm chí là đồng nghiệp từ tổ chức khác mà mình có cơ hội làm việc cùng.

Mình cũng gắng xin kỹ năng cho những kỹ năng cụ thể nhất định mà mình muốn phát triển. Ví dụ, mình muốn nâng khả năng phát biểu trong các cuộc họp cấp cao. Tháng 8 năm ngoái mình có cơ hội phát biểu như vậy, và ngay sau khi cuộc họp kết thúc, mình liền gặp cấp trên của mình (cũng có mặt trong cuộc họp đó) để xin nhận xét đánh giá về cách phát biểu, về tác phong của mình trong cuộc họp.


5. Exposure to senior staff – Tìm cơ hội để tiếp xúc với cán bộ cấp cao

Trong công việc, mình luôn đặc biệt tìm kiếm cơ hội để tiếp xúc với cán bộ cấp cao, vì nếu mình muốn lên tới vị trí đó thì trước tiên mình cần phải biết ở vị trí đó sẽ cần phải làm gì, có những mối quan tâm nào và phong cách làm việc ra sao.

Mình không chỉ tìm kiếm cơ hội tiếp xúc với Giám Đốc của mình, mà còn tìm kiếm cơ hội tiếp xúc với cấp trên của Giám Đốc, đó là bác Thư Ký Bộ. Vì nếu có một ngày mình muốn vào vị trí Giám Đốc thì mình cần phải biết rõ cách làm việc với bác Thư Ký Bộ như thế nào.

Hè vừa rồi, khi mình lãnh trách nhiệm chuẩn bị tài liệu cho Giám Đốc mình và bác Thư Ký Bộ đi phát biểu tại cuộc họp cấp cao, đáng ra mình không cần phải có mặt trong cuộc họp chuẩn bị ngày hôm trước, nhưng mình cũng vẫn tranh chòi xin được tham gia ké một chân. Dù cả buổi không nói năng gì, nhưng chỉ quan sát các cấp trên nói chuyện với nhau, mình cảm thấy học hỏi được rất nhiều điều.

Có thể đọc một bài mình viết về một cơ hội tiếp xúc với bác Thư Ký Bộ (bài trước mình gọi bác là Bộ Trưởng vì chưa biết dịch thế nào cho chuẩn) ở đây: Tổng kết 6 tháng báo cáo cuối năm

Còn đây là bài viết về bác Thư Ký của Bộ trước mình làm: Một lần gặp bộ trưởng và bài học từ vị nữ giám đốc


6. People management and leadership – Học quản lý và lãnh đạo nhân sự

Năm vừa rồi mình cũng dành rất nhiều thời gian để học hỏi về quản lý và lãnh đạo nhân sự. Dưới mình có 9 người, 4 người mình quản lý trực tiếp (hiện 3 người, 1 người nữa sẽ vào đội vào tháng 2 này), 5 người cấp dưới nữa mình không quản lý trực tiếp (công việc mình đang tuyển dụng là một trong những vị trí cấp dưới này).

Nếu ở công việc trước, dù quản lý trực tiếp 2 người, mình vẫn hay tham trực tiếp vào làm cái này cái kia, ví dụ như là lấy excel ra dựng model hay là tải thông tin vào hệ thống. Thì đến cấp độ này, mình phải học không nhúng tay trực tiếp vào bất kỳ cái gì, mà phải để đội làm còn mình quản lý.

Một người có tính cách kiểm soát cao độ và làm việc nhanh như mình cảm thấy điều này lúc đầu có chút khó khăn:

  • Thứ nhất, cái mình có thể làm trong vài giờ, người khác có thể mất tới vài ngày, nhưng mình sẽ không được phép làm thay cho họ, mà mình cần phải hướng dẫn cho họ để đến một lúc nào đó họ có thể đạt được điều đó tương tương với tốc độ của mình.
  • Thứ hai, mình phải học tin tưởng vào đội của mình, nhưng đồng thời biết cách xây dựng hệ thống để có thể giảm thiểu rủi ro từ lỗi sai, từ những điều chưa được cân nhắc.

Và cao hơn quản lý đó là học làm người lãnh đạo. Chỉ hướng dẫn đội làm cái này cái kia thôi thì chưa đủ, mình cần phải tạo ra một tinh thần đoàn kết, đưa ra hướng đi rõ ràng đặc biệt trong những lúc khó khăn và giúp mọi người đồng chí hướng bước về phía trước.

Mình cũng cần tạo ra một môi trường làm việc tích cực trong đó mỗi thành viên đều cảm thấy thoải mái để nêu ra ý kiến, để phát triển, và sẵn lòng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Để làm được điều đó mình cần phải lắng nghe mỗi thành viên của đội, hiểu được khả năng của họ, hiểu được điều gì tạo động lực cho họ, điều gì họ muốn đạt được trong công việc, và từ đó tạo ra cơ hội cho họ vươn lên phát triển.


7. Senior staff recruitment – Tham gia vào tuyển… cấp trên

Nội trong một năm rưỡi vừa rồi, mình đã tham gia tuyển dụng 7 lần, và một lần trong số đó để tuyển cấp trên, chức Phó Giám Đốc. Nếu những lần tuyển dụng khác hoặc là do mình phải làm vì đó là người trong đội của mình, hoặc là do đội kế bên mời vào ban tuyển dụng, thì đợt tuyển Phó Giám Đốc kia là do mình tự đăng ký tình nguyện tham gia.

Mình biết rất rõ nếu muốn một ngày vào vị trí đó, mình cần biết quá trình tuyển dụng như thế nào. Vì thế cứ có cơ hội là mình ngay lập tức đăng ký, dù đó có nghĩa là mình sẽ phải làm việc muộn hơn một chút.

Nhờ có tham gia vào ban tuyển dụng như vậy mình nhìn thấy được điều mà ban tuyển dụng tìm kiếm ở vị trí đó, và từ đó mình dần cho những điều này vào kế hoạch phát triển bản thân của mình.


8. Personality test – Làm trắc nghiệm tính cách

Cách đây mấy năm mình đã từng làm trắc nghiệm Myers-brigss. Mấy tuần trước mình lại có cơ hội làm thêm một trắc nghiệm tính cách nữa gọi là Colour-Personality Test thông qua một buổi đào tạo tại chỗ làm.

Dù những trắc nghiệm này có thể không đúng 100%, vẫn là một cơ hội tốt để nhìn lại về tính cách, về thói quen, về phong cách làm việc của bản thân. Có thể nói đây là bước đầu tiên của phát triển bản thân, đó là nhận biết bản thân đang ở đâu. Vì chỉ có biết mình đang ở đâu thì mới có thể tìm đúng đường để tiến tới nơi mình muốn đến.


9. Training on soft skills – Đào tạo kỹ năng mềm

Càng lên cao thì càng thấy rõ kỹ năng mềm là vô cùng quan trọng, cách mình phát biểu trong các cuộc họp, cách mình trình bày đề án, cách mình giao tiếp với đồng nghiệp…

Dù rất bận rộn với công việc hàng ngày, mình vẫn luôn cố gắng đăng ký vào các khóa đào tạo ở chỗ làm. Có lúc là đào tạo về kỹ năng quản lý, có lúc là đào tạo về kỹ năng truyền tải thông điệp gây nhiều tranh cãi, có lúc là đào tạo về kỹ năng đàm phán. Nếu ở chỗ làm không có tổ chức, mình cũng xem thêm các khóa ở các tổ chức bên ngoài.


10. Coaching – Tham gia huấn luyện

Năm nay mình may mắn tham gia vào chương trình đào tạo Accelerate của Bộ dành cho cấp bậc quản lý từ nhóm người thiểu số, và nhờ đó có cơ hội tiếp cận coaching miễn phí.

Coaching là hình thức huấn luyện trực tiếp để giúp cá nhân giả quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Chi phí cho các buổi huyến luyện thường khá là đắt từ 10 triệu tới 30 triệu một giờ tùy theo kinh nghiệm của nhà huấn luyện.

Trong danh sách các nhà huấn luyện (coach), có rất nhiều người đã từng làm cán bộ cấp cao của nhà nước trước kia, và coach mình chọn đã từng làm tới chức Tổng Giám Đốc của một bộ nhà nước (cao hơn chức Giám Đốc một bậc).

Trong những buổi huấn luyện, mình thường đưa ra vấn đề của mình, ví dụ còn lo lắng hồi hộp khi phát biểu trước các cán bộ cấp cao. Coach sẽ hỏi các câu hỏi để mình suy nghĩ tìm ra nguyên căn và từ đó giúp mình tìm ra phướng án giải quyết thích hợp. Mình cảm thấy đã học hỏi được rất nhiều từ những buổi huấn luyện này.


11. Mentoring – Tìm cố vấn cho mình và đi cố vấn cho người khác

Mentoring (cố vấn) khác với coaching đã kể ở trên. Mentor thường đóng vai trò thuyết giảng về những khía cạnh nghề nghiệp. Trong năm vừa rồi mình đã tìm được hai mentor, một mentor là thông qua chương trình kết nối ở chỗ làm, một mentor là do Giám Đốc của mình giới thiệu cho.

Cả hai mentor đều giữ chức vị Phó Giám Đốc, với tính cách rất khác nhau, kinh nghiệm khác nhau, và giúp mình có cái nhìn đa dạng hơn về việc phát triển nghề nghiệp. Khi tới những buổi mentoring, mình sẽ trao đổi về định hướng nghề nghiệp, và làm thế nào để chuẩn bị cho bước kế tiếp.

Trong năm rồi, mình cũng nhận làm mentor cho nhân viên cấp dưới thông qua chương trình kết nối của Bộ. Đây không chỉ là cách mình giúp đỡ lại người khác mà cũng là cách mình học cách phát triển và hướng dẫn người khác.

Trong các buổi nói chuyện với mentee của mình, mình thảo luận về bước kế tiếp của bạn, bao gồm các ngành nghề bạn ấy có thể đăng ký, cho bạn ấy lời khuyên về chuẩn bị đăng ký phỏng vấn. Nếu bạn ấy có vấn đề cụ thể nào, mình cũng sẽ sẵn sàng thảo luận và góp ý.


Mình hi vọng những chia sẻ trên sẽ hữu ích cho các bạn cũng đang tiến bước trên con đường phát triển sự nghiệp như mình.

Bình thường mình rất chú ý sử dụng tiếng Việt đồng bộ, nhưng mình nhận thấy một số từ ngữ tiếng Anh đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam như là feedback, coaching và mentoring, nên những từ này mình xin phép được sử dụng tiếng Anh trong bài viết.

Nếu bạn có câu hỏi gì hay muốn mình chia sẻ thêm về khía cạnh cụ thể nào cứ việc để lại lời nhắn cho mình trong phần bình luận dưới bàn viết nhé.

Mình thường dựa vào tương tác để xác định xem các bạn đọc thích mình chia sẻ về chủ đề gì, thế nên nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích và muốn nghe thêm từ mình, hãy để mình biết bằng cách bấm nút thích (like), chia sẻ (share) và bình luận nhé.

Nếu bạn muốn copy và đăng lại bài viết của mình xin hãy thảo luận với mình trước. Mình xin cảm ơn sự quan tâm của mọi người.

Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác chia sẻ về chuyện việc làm ở đây:
Chuyện việc làm


👉 Link giới thiệu về mình cho những bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua sách “Dấu yêu Cambridge” của mình về truyện tình yêu tình bạn tại trường đại học Cambridge (Anh Quốc) nơi mình từng theo học: Tiki | NXB Kim Đồng | Shopee Miền Nam| Shopee Miền Bắc
👉 Link tới sách trên Goodreads: Goodreads

Ngân Jones @chuyencuangan

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!