2t8th – Những cuộc đối thoại ngộ nghĩnh

Mấy tháng trở lại đây, cô bé con của mẹ thay đổi một cách chóng mặt, dạn dĩ hơn, nói nhiều hơn, ngôn từ phong phú hơn, bày nhiều trò hơn. Ngày trước ông bà nội tới chơi, cô bé nói in ít thôi, còn đâu toàn gật với lắc. Giờ cô bé nói kiến thoắng liên hồi, rủ ông bà chơi trò giả vờ đi chợ, đi học, đi làm, và hát hò với ông bà. Còn phải hỏi, ông bà nội thích vô cùng.

Video: Đàn hát cùng ông bà nội

Ảnh: Chơi cùng hai bác

Cô bé đã dám thử ba thứ mà trước đây cô bé rất không thích, thậm chí còn sợ đến phát khóc. Đó là:

– Chơi tàu điện điều khiến từ xa;
– Chơi voi điện, bấm nút cho voi chạy và hát;
– Để ba sấy tóc cho, ba để nút thấp nhất và để rất xa tránh bị nóng. Trước khi sấy tóc, cô bé dặn ba: “Daddy, do it gently!” (“Ba ơi, làm nhẹ thôi nhé!”) Trong khi sấy tóc thì cô bé bảo: “Don’t do my face.” (“Đừng sấy vào mặt con.”)

Ảnh: Cô bé vô cùng yêu tàu chụp ảnh trên chiếc tàu gỗ ngay ngoài trạm tàu

Đầu tuần vừa rồi cô bé vừa đi học lại sau kỳ nghỉ đông 3 tuần. Một hai ngày đầu, cô bé còn hơi rơm rớm nước mắt, rụt rè quan sát. Đến cuối tuần các cô giáo đều bảo là cô bé đã cởi mở hơn hẳn, thoải mái chơi đùa, không còn sự e dè ban đầu. Hôm nay mẹ đến đón thấy đang chạy chơi mới mấy anh chị lớn, có vẻ vui lắm nhé.

Ảnh: Tập viết chữ ở lớp

Ảnh: Chơi cùng các bạn bé một chiều thứ bảy tại nhà

Việc ăn uống, việc đi vệ sinh, việc ngủ nghê, tất cả đều có tiến triển. Cô bé ăn nhiều hơn và ăn cân bằng hơn có rau có thịt.

Ảnh: Ăn sáng và suy ngẫm chuyện đời

Phần lớn là đã khô ráo, không cần bỉm ban ngày nữa. Suốt năm tháng trời, khi đi ị cô bé toàn bắt mẹ mặc bỉm cho. Vậy mà một tháng trở lại đây đã bắt đầu khăng khăng dùng bô và nhà xí, mặc dù vẫn còn bị táo bón. Chỉ thêm chút xíu nữa thôi là có thể cai luôn bỉm vào ban đêm. Dạo này ngủ tối cũng rất đều đặn, lên giường 7.45 hoặc 8h, cứ khoảng 15 phút là ngủ. Thi thoảng ngứa ngáy, đau bụng táo dậy đêm ỉ ôi, nhưng cũng có hôm ngủ một mạch tới khi mẹ đánh thức lúc 6.45 sáng.

Ảnh: Thử tai nghe mới mua cho chuyến đi chơi xa

Thật không thể tưởng tượng có một ngày mọi thứ lại có thể thay đổi tích cực tới vậy. Nhờ vậy mà ba mẹ cũng nhàn hạ hơn rất nhiều.

~~~

Sau đây là một số câu chuyện nho nhỏ của Anna.

1. Tuổi:

Mẹ hỏi: “Anna bao nhiêu tuổi rồi?”
Anna: “Ba tuổi.”
Mẹ: “Đâu, Anna mới hai tuổi thôi. Sinh nhật tới Anna mới ba tuổi. Thế đố Anna mẹ bao nhiêu tuổi?”
Anna ngẫm nghĩ đung đưa rồi bảo: “Con không biết.”
Mẹ: “Mẹ hai mươi chín tuổi.”
Cô bé liền quay ngay sang ba khoe: “Ba ơi, mẹ hai mươi chín tuổi đấy ba.”
Ba gật gù: “Vậy con đoán xem ba bao nhiêu tuổi?”
Anna tự tin: “Ba bảy tuổi.” 😂

Ảnh: Nhà thám hiểm ngắm chim

2. Nấc:

Anna bị nấc.

Mẹ: “Con bị nấc à?”
Anna: “Vâng.”
Mẹ: “Làm sao mà con bị nấc thế?”
Anna ngay lập tức trả lời: “Từ mẹ mà nó đến đấy.”

Thật bất ngờ với câu trả lời, mẹ cố nín cười hỏi lại: “Tại sao lại từ mẹ?”
Anna im lặng. Có vẻ không biết trả lời thế nào.
Mẹ liền đổi câu hỏi: “Thế từ chỗ nào của mẹ mà nó đến?”
Anna: “Mồm.”
Mẹ: “Mẹ đâu có bị nấc đâu. Làm sao mà nấc lại đến từ mồm của mẹ được?”
Anna: “Con nhìn thấy mẹ nấc lúc trước rồi.”

Mẹ (vẫn cố nín cười): “Vậy mình nên làm gì để hết bị nấc?”
“Ho.” Cô bé nhanh nhẩu trả lời, rồi lấy tay che miệng cố rặn ra vài tiếng ho.
Mẹ quan tâm: “Thật sao? Con có thấy tác dụng không?”
Anna gật đầu: “Có.”

Và kỳ lạ sao, cô bé thực sự hết nấc.

Ảnh: Ngôi sao vàng trên tóc

3. Đau bụng:

Cô bé bị đau bụng táo nhảy tưng tưng.

Ba ôm cô bé bảo: “Con phải cố đi vệ sinh thì nó mới hết đau bụng được.”

“Không! Không!” Cô bé lắc đầu nguẩy nguậy, rồi chỉ ngay vào hộp đồ chơi để trên kệ sách đối diện: “I need to play first. Maybe it will make my poo better.” (“Con cần phải chơi trước đã. Có thể nó sẽ khiến con bớt đau bụng.”) 😂

Ảnh: Một ngày đi chơi xem khủng long

4. “Mẹ ơi!”:

Một buổi đêm Anna đang ngủ thì bật dậy khóc thét lên: “Mummy! Mummy!”

Mẹ hốt hoảng bật dậy cùng: “Sao thế con?”

Cô bé vẫn khóc liên hồi liên tục gọi mẹ.

“Có phải con đau bụng không? Mẹ dẫn vào nhà vệ sinh nhé?”

Cô bé cầm tay đi theo mẹ vào nhà mẹ sinh, nhưng vẫn liền hồi khóc lóc gọi mẹ.

Vào tới nhà vệ sinh, cô bé lại không muốn ngồi bệ xí mà đi vòng ra ngay, vẫn tiếp tục khóc.

Mẹ hát, mẹ dỗ kiểu gì cũng không nín. Vẫn tiếp tục kêu: “Mummy! Mummy!”

Trong một phút giây như có đèn soi qua đầu, mình bỗng chợt nhận ra cô bé muốn gì.

Hoá ra không phải cô bé muốn “Mẹ” mà là con búp bê cô bé mang lên giường cùng trước khi đi ngủ. Con búp bê này cũng được gọi là “Mummy” vì nó trong bộ đồ chơi có mẹ và em bé.

Quả nhiên vừa lôi con búp bê dí vào tay là cô bé nín luôn lăn ra ngủ ngon lành như chưa có chuyện gì xảy ra, để lại người mẹ này vẫn còn ngồi hoang mang và cười sặc sụa mất 5, 10 phút giữa đêm.

Bài học: Một nhà chỉ nên có một người/ thứ được gọi là “Mẹ” để tránh tình huống hoang mang nửa đêm thế này.

Ảnh: “Mẹ ơi, đây là cái vòi voi của con!”, “Mẹ ơi! Con gọi điện cho ông nội.”

5. “Yêu”:

Và tất nhiên không thể kể thiếu vô vàn câu nói yêu mẹ bằng cả tiếng Anh, tiếng Việt, và lắm lúc lẫn lộn hai tiếng:

“I love you, mummy!”

“Yêu mẹ!”

“Mummy, I love you in the morning and in the night time.” (“Mẹ ơi, con yêu mẹ buổi sáng và buổi đêm.”)

“Mẹ ơi, I love you, mẹ ơi!”

— 12/01/2018 —

#2tuoi8thang

0 Replies to “2t8th – Những cuộc đối thoại ngộ nghĩnh”

  1. Anna càng lớn càng xinh em ạ, rất Anh quốc! Chị nói thật đấy! Yêu quá yêu quá <3

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!