Anna – Gần 3 tuổi

1.   Một buổi tối tắm rửa xong, mẹ đưa Anna vào phòng ngủ thay quần áo. Quần áo của em đã được sắp sẵn trên giường.

Mẹ nhìn em cười hỏi: “Con có tự mặc quần được không?”

Em tự tin trả lời mẹ: “Yes, Mummy.” (“Được, mẹ ạ.”).

Nói rồi em ngồi xuống, từ tốn kéo quần trong quần ngoài mặc vào theo đúng thứ tự.

Xong mẹ hỏi tiếp: “Giờ con tự đeo tất được chứ?”

Em lại gật đầu: “Yes.” (“Được ạ!”)

Em nhanh nhẹn cầm chiếc tất xỏ vào bàn chân nhỏ xíu, rồi ngẩng đầu nhìn mẹ: “I’m a big girl.” (“Con là một cô gái lớn rồi.”)

Mẹ sững sờ nhìn em…

Ôi, cô bé ba tuổi của tôi!

Quả thực, không còn là một em bé, chẳng mấy chốc mà đã lớn rồi…

2. Không biết từ bao giờ, cô bé đã bắt đầu muốn được lớn.

Một buổi tối cô bé tần ngần đứng nhìn ba cắt tóc cho mẹ.

Được một lúc, cô bé lên tiếng: “I want to cut mummy’s hair.” (“Con muốn cắt tóc cho mẹ.”)

Ba lắc đầu bảo: “When you grow up, you can do it.” (“Khi nào con lớn, con có thể làm.”)

Cô bé liền với tay ba: “I’m big like this.” (“Như thế này là con lớn lắm rồi mà.”)

Ba phì cười: “No, you need to be bigger.” (“Không, con phải lớn hơn cơ.”)

Cô bé đứng thẳng người lên, nhìn xuống chân mình: “I’m bigger already.” (“Con lớn hơn rồi ba ơi.”)

Ba vẫn lắc đầu: “No, you need to be as big as Mummy, then you can do it.” (“Không, con cần phải lớn giống mẹ, thì con có thể cắt tóc cho mẹ.”)

Cô bé liền nhón chân, nhanh nhảu nói luôn: “I’m already as big as Granny and Grandad.” (“Con lớn bằng ông bà nội rồi đây này.”)

Ôi, cô bé của tôi! Cô lớn lắm rồi, nhưng chưa thể bằng ông bà nội được.

3. Một buổi tối, hai mẹ con nằm ôm nhau đi ngủ. Cô bé hôn hít mẹ, rồi tình cảm ôm lấy mặt mẹ. Cảm nhận được bàn tay nhỏ nhắn trên khuôn mặt mà mẹ thấy thật ấm áp trong lòng.

Cô bé thủ thỉ: “I’m three in May.” (“Tháng năm con sẽ ba tuổi.”)

Mẹ gật đầu: “Phải rồi.”

“After three, I’m four.” (“Sau ba tuổi, thì con sẽ lên bốn.”)

“Đúng rồi.”

“After four, I’m five.” (“Sau bốn tuổi, thì con sẽ năm tuổi.”)

“Đúng rồi.” Mẹ lại cười gật đầu, tự hỏi không biết cô bé có thể nghĩ mình lớn tới đâu.

Nhưng cô bé không lập lại câu đếm, mà bỗng đưa tay sờ lên khuyên tai của mẹ. Cô bé bảo: “When I get older, I can get one like this. And it will not hurt then.” (“Khi mà con lớn hơn, con sẽ có thể đeo một cái giống như thế này. Và khi đó, nó sẽ không đau.”)

Một lần nữa cô bé làm mẹ sững sờ. Mẹ chưa bao giờ nói tới chuyện đeo khuyên tai, hay đeo khuyên tai sẽ bị đau với cô bé, vậy mà cô bé đã học biết được rồi.

4. Nhưng cũng có lúc, cô bé người lớn của tôi rất hài hước.

Một lần ba đưa cô bé đi vệ sinh.

Cô bé bảo ba: “When I’m bigger, I will stand up to pee.” (“Khi nào con lớn hơn, con sẽ đứng tè.”)

Ba đứng hình nhìn cô bé hai giây rồi bật cười. (Ai bảo ba đi vệ sinh không đóng cửa mà để cô bé chạy quanh quan sát cơ.)

Ba bảo: “No, Mummy never stands up to pee. You will be like Mummy.” (“Không, mẹ có bao giờ đứng tè đâu. Con sẽ giống như mẹ.”)

Cô bé nghiêm túc nghĩ một phút, xong ngẩng đầu nhìn ba bảo: “When I’m like Daddy, I will stand up to pee.” (“Vậy khi nào con giống ba, con sẽ đứng tè.”)

Cô bé chắc hẳn nghĩ, khi con lớn lên, sẽ có lúc con giống mẹ, sẽ có lúc con giống ba.

Cái này không sai, nhưng tiếc là không phải trong việc đi tè.

5. Vẫn chuyện đi vệ sinh, một lần cô bé ngồi bô đi tiểu.

Ba đang dọn dẹp trong bếp thì bỗng nghe thấy tiếng cô bé vang lại từ nhà vệ sinh.

“They are talking.” (“Chúng đang nói kìa.”)

Ba nghe thấy liền chạy vào. Không thấy ai ở quanh, cũng chẳng thấy đồ chơi nào, chỉ có cô bé ngồi trên bô.

Ba ngạc nhiên hỏi: “Who are talking?” (“Ai đang nói cơ?”)

Cô bé ngẩng đầu nhìn ba thản nhiên trả lời: “My fart.” (“Rắm của con.”)

Ba cố nín cười, hỏi tiếp: “What are they saying?” (“Chúng nói gì?”)

Cô bé bảo: “Daddy, go to school.” (“Chúng bảo ba phải đi học đi.”)

Thật không biết từ đâu ra.

6. Lần khác, ba cõng cô bé từ dưới nhà lên gác.

Trong lúc cõng, vô tình ba đánh rắm. Ba bảo: “I’m sorry I farted.” (“Xin lỗi con nhé, ba đánh rắm.”)

Cô bé ở trên lưng ba nhe răng: “It is ok. I will fart in the morning.” (“Không sao. Sáng mai con sẽ đánh rắm.”)

Ba đánh rắm, con cũng sẽ đánh rắm. Vậy là hoà. Quả là một cô bé rất hiểu chuyện.

7. Khi hai ba con đi lên gác, có hôm cõng nhưng phần lớn là cô bé tự bước đi. Cô bé lên xuống cầu thang nhanh thoăn thoắt. Một lần, cô bé không đi một bậc mà đòi bước hai bật một lúc. Tất nhiên, đôi chân bé tí vẫn chưa đủ dài để đi hai bậc một cách dễ dàng. Cô bé loay hoay một lúc thì cũng bước được.

Xong, cô bé rất tự hào, liền nhìn ba bảo: “Daddy, when you are small like me, you can also do two steps like this.” (“Ba ơi, khi nào ba bé như con, thì ba cũng có thể bước hai bước thế này này.”)

Phải rồi, con lớn được thì tất nhiên ba cũng phải nhỏ được.

8. Cô bé ba tuổi của tôi…

Nhí nha nhí nhố liến thoắng luôn mồm.
Vẫn ham chơi không chịu đi ngủ mỗi tối.
Vẫn dậy đêm, không ngứa ngáy, thì lại khát nước.
Vẫn khóc nhè khi ba mẹ bảo không được vẽ bậy lên tường, hay mỗi khi bị vấp ngã.
Vẫn nhì nhèo không chịu dậy đi học.
Vẫn đòi mẹ ôm mỗi khi đi ngủ.
Vẫn đòi ba chơi cùng chạy quanh nhà mệt phờ hơi tai.
Vẫn ương bướng không chịu nghe theo ngay khi ba mẹ bảo làm cái này cái kia.

Nhưng cũng cô bé ba tuổi này…

Ôm lấy cổ mẹ và nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ!”
Hôn chi chít lên mặt, lên mắt, lên mũi, lên mồm mẹ đều đều mỗi tối mỗi sáng.
Nhăn nhó xoa xoa chân mẹ khi mẹ bị ngã đau.
Chạy nhào ra mở cửa chào mẹ khi mẹ đi làm về.
Nụ cười toe toét như ánh sáng mặt trời làm mẹ hết cả buồn phiền mệt mỏi.

9. Và một ngày nọ đi bơi, cô bé tò mò nhìn vào lớp học bơi.

Nghe ba bảo: “Lớp bơi này là dành cho các anh chị lớn. Khi nào con lớn, thì sẽ được học.”, cô bé phụng phịu dỗi hờn: “Con lớn rồi mà.”

Tối đấy về nhà, cô bé khăng khăng không dùng bỉm buổi đêm.

Kể từ đó trở đi, cô bé đã không còn cần dùng bỉm nữa.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!