Ba chị em mình được nuôi dạy thế nào?

Đợt trước mình viết bài giới thiệu về hai cô em gái, đã có một số bạn hỏi rằng ba mẹ mình có bí quyết gì mà cả ba chị em tài chính ngân hàng nhà mình, người viết lách, người làm nghệ thuật, đều đạt được những thành công nhất định.

Thực ra nuôi dạy chị em mình được đến như thế này, không chỉ có công của ba mẹ mình, mà còn có công sức rất lớn của ông bà nội và bà ngoại.

Từ khi lên hai tuổi, mình và cô hai đã đến ở với ông bà nội để ba mẹ mình có cơ hội làm ăn phát triển. Cô út sau này tầm sáu, bảy tuổi cũng chuyển tới ở với ông bà. Ban ngày mẹ đến dạy học nấu nướng, nhưng việc chơi đùa ngủ nghỉ đưa đón đi học phần lớn là do ông bà nội lo cho. Sau này đi học trên phố, buổi trưa chị em mình thường về ăn cơm và ngủ trưa với bà ngoại. Mình nghĩ điều này chắc không có gì xa lạ với nhiều gia đình ở Việt Nam.

Mình cảm thấy rất may mắn là đại gia đình mình rất đoàn kết và thống nhất trong việc nuôi dạy con cái, hay ít nhất trong mắt bọn mình, những điều ba mẹ và ông bà răn dạy và định hướng cho bọn mình đều rất nhất quán. Giờ ngồi nhìn lại tuổi thơ và ngẫm cho tới điểm hiện tại, mình đúc kết được một số điều như sau.

—-

1. Nghiêm khắc rèn luyện đạo đức

Một điều mà mình vô cùng biết ơn đó chính là sự nghiêm khắc của gia đình trong việc rèn luyện đạo đức cho chị em mình. Đạo đức là cái nền móng căn bản của một con người, người không có đạo đức thì đừng nói tới thành công to lớn vĩ đại gì, làm một con người thôi cũng còn chật vật vất vả.

Từ những điều rất đơn giản như là lễ phép với người lớn, giúp đỡ người gặp khó khăn, nhường nhịn đối xử tốt với anh chị em trong gia đình, nhặt được của rơi trả lại người mất… tới những bài học khó hơn như là không nói dối, không nói tục chửi bậy, không ăn cắp ăn trộm, dám làm dám chịu, không đổ lỗi cho người khác, làm sai phải xin lỗi…

Con đường trưởng thành thì không tránh được những lần vấp ngã, những lần đi sai đường. Và mỗi lần như thế, ông bà và ba mẹ mình đều ở ngay cạnh bên, ngay lập tức uốn nắn hướng dẫn mình dũng cảm đứng lên, dũng cảm nhận lỗi và hướng tới con đường đúng đắn ở phía trước.

Những tháng ngày thơ ấu đó đã tạo nên con người bọn mình bây giờ, những con người có lập trường vững vàng, những con người biết suy nghĩ, biết cân nhắc giới hạn đúng sai, những con người luôn dũng cảm bước về phía trước.

—-

2. Răn đe nhưng không đánh đập chửi rủa

Hai mươi, ba mươi năm về trước, việc đánh con chửi con ở Việt Nam là rất đỗi bình thường, nhưng gia đình mình lại hoàn toàn kiêng kị.

Mình có bị mắng không? Có chứ! Những lúc lười không học bài, có bị mẹ mắng. Những lúc không nghe lời, có bị mẹ mắng. Những lúc dùng tiền ăn sáng mua đồ vớ vẩn, có bị ông tặc lưỡi nhắc nhở. Nhưng cả tuổi thơ của chị em mình chưa từng nghe một lời chửi rủa, và tuyệt nhiên chưa bao giờ bị đánh.

Người mình phục nhất trong gia đình về vấn đề này là ba mình. Ba mình là một người nóng tính, sinh ra đã ít kiên nhẫn và dễ nổi nóng hơn người khác, và ba biết rõ điều đó. Chính vì thế, khi không vừa lòng chuyện gì với ba chị em mình, ba không nói trực tiếp với bọn mình, mà ba chọn cách nói qua mẹ. Vì điều mà ba ghét nhất chính là quát tháo nổi nóng với ba chị em tụi mình.

Giờ đây khi nhớ về tuổi thơ, mình chỉ nhớ về những lần ba hào phóng cho mình tiền tiêu vặt, những lần ba đưa đi chơi, chứ tuyệt nhiên không có những lời quát tháo mắng mỏ.

Chửi rủa đánh đập không dạy con tốt hơn, mà chỉ để lại những vết sẹo không thể xóa mờ.

—-

3. Không ngừng tạo cơ hội

Nhà mình ở ngoại ô thành phố. Cấp một học trường tiểu học gần nhà. Mẹ mình lúc đó là giáo viên tiểu học tại trường. Ngay từ trước khi bọn mình đi học, mẹ đã bắt đầu dạy mình học chữ. Tới khi bọn mình vào trường, mẹ luôn ngày ngày uốn nắn dạy học. Và đây chính là cơ hội đầu tiên mẹ trao cho bọn mình. Mẹ không biết ba chị em có năng khiếu học hành hay không, mẹ không biết bọn mình có thể nắm bắt cơ hội này không, nhưng mẹ biết tầm quan trọng của giáo dục, và điều duy nhất mẹ có thể làm là cho những đứa con, đó là tạo cơ hội.

Phần lớn những đứa trẻ tốt nghiệp trường tiểu học này đều theo tiếp lên cấp hai cấp ba gần nhà. Lần thứ hai mẹ tạo cơ hội chính là khi mẹ quyết định đăng ký bọn mình vào trường chuyên trên phố thay vì đi theo lối mòn. Nào là xa nhà đi lại khó khăn, nào là trái tuyến khó xin vào, nào là tỉ lệ cạnh tranh cao, nào là không quen biết ai… Mẹ mặc kệ hết tất cả bôn ba tìm hiểu và thế là mình đã đỗ vào trường chuyên từ cấp hai. Tới lượt hai em mình cũng đều vào những trường tốt trên phố (vì lúc đó trường chuyên không tuyển thêm học sinh cấp hai nữa), và khi lên tới cấp ba đều đỗ vào trường chuyên của thành phố.

Khi mình vào cấp ba năm 2003, việc đi du học ở Hải Phòng vẫn là một thứ rất mới mẻ chứ không phổ biến như bây giờ. Lúc đó vẫn còn nghe phong phanh những trường hợp lừa đảo, đóng một đống tiền mà không bao giờ đặt chân lên máy bay, hay tới nơi rồi mới vỡ lẽ là trường không tồn tại. Thêm vào đó chi phí du học đối với mức sống trung bình là một điều không tưởng. Nhà mình lúc đó thuộc dạng làm ăn khá nhưng không phải là quá giàu có gì. Tuy nhiên, khi nghe mình nói ra nguyện vọng muốn đi du học, ba mẹ mình đã gạt đi hết những nỗi lo lắng trong lòng, gom góp tiền bạc trong nhà để cho mình cái cơ hội đó, chẳng cần biết liệu đó có phải là một đầu tư có lãi. Rồi đến lượt cô hai, cô ba, lúc đó gia đình làm ăn khó khăn hơn, nhưng ba mẹ vẫn xoay sở hết sức để tiếp tục cho con mình cơ hội. Cô hai rốt cuộc chọn ở lại Việt Nam còn cô út nối chân chị cả ra nước ngoài.

—-

4. Hết lòng ủng hộ

Đối với các sở thích, các trò chơi, chưa một điều gì mình hỏi mà ông mình nói “Không”.

Bắt đầu từ sở thích sưu tập truyện tranh. Nếu nhà người ta cấm con đọc truyện tranh, ông mình cho mình tiền hàng tuần để mua truyện rồi lục đục đóng kệ sách khắp nhà để cháu mình sưu tập truyện. Tới thời điểm mình đi du học, trong nhà có tới bốn kệ sách với hơn ngàn cuốn truyện. Có lẽ đó là khi trí tưởng tượng và khả năng nghệ thuật của bọn mình bắt đầu đâm chồi. Ông là người hướng dẫn bọn mình những nét vẽ đầu tiên. Và khi là những đứa con nít mười ba, mười bốn tuổi, bọn mình đã từng vẽ những cuốn truyện tranh đầu tiên của riêng mình.

Ông luôn tạo điều kiện cho tất cả các trò đùa nghịch, kể cả những cái trò không tưởng nhất. Căng bạt lắp bóng đèn trên sân thượng dưới ban công để tạo ra một không gian ấm cúng cho lũ cháu chơi nhà. Đục trần nhà lắp xích đu vì lũ cháu muốn ngồi xích đu trong phòng ngủ. Hăm hở tìm kiếm các vật liệu lạ để làm ngôi nhà búp bê do cháu mình vừa thiết kế. Đánh mắt làm ngơ khi lũ cháu vác đệm vào nhà vệ sinh làm nhà, hay trải đệm trên cầu thang làm cầu tụt…

Quan điểm của ông là: tuổi thơ chỉ có một, hãy thỏa sức chơi đùa và khám phá.

Mẹ mình cũng rất là giống ông. Con muốn gì, dù có “lạ lùng khác người” thế nào, cũng hết lòng ủng hộ. Cô hai thích mua lò đúc búp bê chứ gì, mẹ dọn luôn cho cả cái tầng ba làm “xưởng”. Vì sao cô hai có thời gian làm búp bê, tất nhiên một phần cũng nhờ công mẹ trông cháu giùm. Rồi làm sao mình có thời gian viết hết cuốn truyện, cũng là nhờ mẹ bay gần nửa vòng trái đất từ Việt Nam sang Anh giúp trông cháu, giúp nấu những món ăn ngon bồi bổ.

Sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình chính là một bước đệm quan trọng để những ước mơ bay cao bay xa và một ngày không xa biến thành hiện thực.

—-

5. Không đặt kỳ vọng

Đã có bao giờ mẹ mình nói: “Con cần phải đạt điểm mười” hay không? Chưa từng.

Đã có bao giờ mẹ mình nói: “Con cần phải vào trường đại học tốt”? Chưa từng.

Đã có bao giờ mẹ mình nói: “Con cần phải trở thành một người thành đạt”? Chưa từng.

Từ bé tới lớn, tất nhiên cũng có những lúc mình cảm thấy áp lực, nhưng phần lớn đó là những áp lực mình tự đặt lên cho bản thân. Vì mình được cho cơ hội tốt, mình cảm thấy mình cần phải nắm bắt, hoặc vì mình được đặt trong môi trường toàn người giỏi, mình cảm thấy cần phải cố gắng hơn. Trên thực tế, chưa một ai trong gia đình mình nói, hay thể hiện bất kỳ một thái độ áp đặt nào.

Thay vì áp đặt và kỳ vọng, họ tự hào.

Bọn mình biết rõ bất kể bọn mình làm điều gì cũng đều khiến mọi người trong gia đình tự hào. Họ thể hiện sự tự hào rất rõ ràng, bằng lời khen ngợi, bằng thái độ, và bằng những lời kể với hàng xóm họ hàng người thân. Họ chưa từng so sánh bọn mình với ai. Thay vì nói con nhà người ta thế này thế kia, tất cả những gì bọn mình nghe được, nhìn thấy được, đó là: “Con nhà mình là tuyệt nhất!”

Khi không bị đè nặng với cái gánh nặng “kỳ vọng”, những đứa trẻ như mình sẽ được tự do, được thỏa sức tung bay, được cố gắng hết sức mình và được phép thất bại.

Chúng sẽ sống cho mong muốn của chúng, thay vì sống cho mong muốn của người khác.

Chúng sẽ được tự do sống cuộc đời của riêng mình.

—-

6. Kết

Có một điều mình không thể phủ nhận là yếu tố gen di truyền. Ông nội mình ngày xưa cũng đã làm tới chức Phó Giám Đốc trong một cơ quan nhà nước. Ba mình và các bác các chú đều học giỏi, có người đi du học, có người vào đội tuyển Toán thi quốc gia đạt giải. Mẹ mình thì khéo tay, giỏi việc may vá. Từ hồi đi học mẹ đã nhận may vá để kiếm tiền tự nuôi bản thân. Mẹ bảo, nếu được làm lại, có cơ hội thích hợp, mẹ sẽ chọn mở tiệm may mặc thay vì làm nhà giáo. Cô hai nhà mình chắc chắn là người nhận được cái gen khéo tay nhiều nhất từ mẹ.

Tuy nhiên dù gen tốt tới đâu mà không có sự dạy dỗ uốn nắn, không được trao cho những cơ hội, và đặc biệt là không biết nắm lấy cơ hội của mình thì cũng không thể nào tiến xa được trên bước đường đời. Bọn mình rất biết ơn những gì đã nhận được từ ông bà ba mẹ, và trong mỗi bước đi đều luôn cố gắng phấn đấu hết sức mình.

Có lẽ điều mình biết ơn nhất chính là:

Ông bà ba mẹ đã cho mình cảm nhận rõ, mình là đứa trẻ được yêu thương, một đứa trẻ được yêu thương vô điều kiện.

Và những đứa trẻ được yêu thương thì bao giờ cũng sẽ sống tốt.

❤️

—————

P/S Ảnh: Ảnh chụp từ tháng 10 năm ngoái mình và cô út về chơi Việt Nam. Ăn uống chơi bời nhiều thế mà giờ tìm lại không có cái ảnh nào chụp riêng ba chị em, đành phải cắt ra từ ảnh nhóm. Lần sau về nhất định phải làm một tấm chụp ba chị em.

P/S Link:
👉Link tới bài viết về hai cô em gái:
https://www.chuyencuangan.com/co-hai-nha-minh-co-pho-phong-ngan-hang-song-het-minh-voi-dam-me-sang-tao-nghe-thuat/

Cô út nhà mình: Không “sợ” và “ngại”, cây bút trẻ kiếm ngàn đô trên diễn đàn thế giới

👉Link tới giới thiệu về cuốn truyện sắp ra lò của mình: http://www.chuyencuangan.com/dau-yeu-cambridge-gioi-thieu-sach/

👉Link tới giới thiệu về mình cho bạn đọc mới của blog: https://www.chuyencuangan.com/gioi-thieu/

—-

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!