Thời trang và hàng hiệu

1.Khi còn ở độ tuổi học sinh sinh viên, mình đã từng rất dị ứng với đồ hiệu, vì mình không thích đánh giá người khác dựa trên vẻ bề ngoài, quần áo họ mặc, và càng không thích xu hướng dùng đồ hiệu để thể hiện đẳng cấp sự sang chảnh của bản thân. Mình dị ứng tới mức hoàn toàn không thu nhận bất kỳ một thông tin gì luôn về lãnh vực này. Người ta có nói tới Gucci hay Chanel thì mình đã từng tự hào rằng mình chẳng biết đó là củ khoai gì.

15 năm trôi qua, mình vẫn trung thành với lý tưởng:
1) không đánh giá người khác qua vẻ ngoài, và
2) không dùng đồ hiệu để sống ảo khoe khoang sự giàu có.

Tuy nhiên, có một sự thay đổi về mặt nhận thức. Mình nhận ra không có gì đáng tự hào về “sự thiếu hiểu biết”. Trên thực tế, trong bất kỳ lãnh vực gì, đặc biệt trong lãnh vực bản thân có sự kiêng kỵ và cái nhìn tiêu cực, mình càng phải tìm hiểu nhiều hơn để có cái nhìn toàn diện. Và mình nên dùng sự hiểu biết này để giúp bản thân có cách ứng xử hợp lý trong giao tiếp xã hội hàng ngày.

Vì thế, trong những năm gần đây mình có sự quan tâm nhiều hơn về lãnh vực thời trang. Mình thích dành thời gian đi mua sắm, đi ngắm nghía, tìm hiểu thêm về các nhãn hàng. Một phần do thu nhập cao hơn, không còn phải lo lắng nhiều về chuyện chi ly tính toán tiết kiệm. Một phần mình bắt đầu hình thành nhận thức, thời trang là nghệ thuật, là một trong những cách để con người ta hướng tới cái đẹp, để bộc lộ nội tâm tính cách, để quan tâm chăm sóc bản thân, chứ không chỉ đơn thuần là sự khoe mẽ. Một phần khác mình muốn nâng cao hiểu biết trong những khía cạnh còn mù mờ. Dù sao đi nữa đó cũng là một ngành công nghiệp lớn đang vận hành của thế giới.

—-

2. Nói tới việc ăn mặc, mua sắm, nhãn hiệu, mình có những quan điểm rất rõ ràng:

✔️ Không mua những thứ không phù hợp với túi tiền: Mình nghĩ việc mua đồ đắt hơn khi mình kiếm được nhiều tiền hơn là một điều tự nhiên. Vì cái gì đắt hơn cũng có lý do, nếu không chất lượng thì về kiểu dáng. Thu nhập cao hơn, nhu cầu đòi hỏi cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không a dùa a tòng biến nhãn hàng thành đồ trang sức cho sự khoe mẽ.

✔️ Không để quần áo nhãn hàng trở thành danh tính của mình, cũng không dùng nó để đánh giá người khác: Nếu mình bắt đầu nghĩ mình sang hơn hẳn nhờ mặc đồ hiệu ABC XYZ, nghĩ người ta sẽ trầm trồ ngưỡng mộ mình thế nào, thì đó là dấu hiệu khá nguy hiểm của việc gắn nhãn mác với danh tính của bản thân. Có lẽ là lúc cần tự hỏi tại sao mình không tự tin về nội dung con người mình, mà phải dùng nhãn mác để nâng cao giá trị? Và nếu ai đó đánh giá bạn dựa trên đồ bạn mặc trên người, thì người đó cũng cần phải xem lại giá trị của bản thân mình.

✔️ Ăn mặc và nói chuyện về quần áo nhãn hàng phù hợp với ngữ cảnh và người đối diện: Mình rất chú ý cân nhắc việc mình gặp gỡ với ai, mình đi đâu làm gì, để ăn mặc cho phù hợp. Ví dụ khi gặp bạn bè, mình không thích trưng diện quá đà. Mình muốn gặp bạn vì mình quan tâm tới bạn, mình muốn tập trung vào câu chuyện với bạn, bản thân mình cảm thấy ăn mặc trưng diện nhiều lúc tạo nên sự xao nhãng không cần thiết. Nhưng khi đi với chồng mình ăn chơi các buổi cuối tuần, mình thích trưng diện, vì mình biết chồng mình không quan trọng chuyện ăn mặc xấu đẹp, nên mình có thể thoải mái thể hiện theo ý thích.

—-

3. Trong phần này, mình xin chia sẻ với mọi người một chút về các nhãn mác thời trang ở thị trường Anh Quốc từ thấp tới cao. Chú ý mức giá mình đưa ra cho mỗi đề mục dưới đây chỉ là áng chừng trung bình cho trang phục mặc ra đường hàng ngày, một số từ kinh nghiệm, một số từ tìm hiểu nhanh trên mạng. Việc phân chia nhóm dựa trên kim tự tháp các nhãn hiệu (pyramid of fashion brands/ fashion pyramid).

✔️ Mass market – High street/ Fast fashion brands: Thị trường đại trà, nhãn mác thời trang nhanh.

Primark, H&M, Top Shop, New Look, Zara, Mango, Miss Selfridge, Uniqlo, GAP, Bershka, Superdry, Stradivarius, C&A, Forever 21, Fat Face, Joules, The White Stuff… £10 – £60 (300k – 1.8tr)

Đây là nhóm các nhãn mác đại trà dành cho đại số đông dân số. Trong nhóm này cũng chia ra thành các nhãn mác với giá thấp hơn chất lượng thấp hơn một chút như là Primark và H&M, và các nhãn mác với giá thành cao hơn một chút với chất lượng tốt hơn vì dụ Joules, Fat Face…

Khi mình còn là sinh viên và mới ra trường, mình mua rất nhiều đồ của Primark và H&M, trung bình tầm £10 tới £20 một món (300k – 600k). Khi đi làm một vài năm bắt đầu chuyển sang đồ có chất lượng hơn chút trung bình £40 – £50 (1.2tr – 1.5tr).

✔ High-end high street/ mid-market brands: Nhãn mác thời trang cho người có thu nhập cao hơn một chút.

-Hobbs, Phase Eight, Coast, French Connection, Jigsaw, Cos, Massimo Dutti, & Other Stories… £70 – £200 (2.1tr – 6tr)

-Reiss, Karen Millen, AllSaints, Whistles, Reformation, Ted Baker, Libby London… £160 – £350 (4.8tr – 13.5tr)

Đây là nhóm các nhãn mác bắt đầu đắt hơn trung bình. Trong nhóm này cũng chia ra làm nhóm rẻ hơn như là Hobbs, Phase Eight… và nhóm với giá cả nhỉnh hơn là Reiss, Karen Millen… Theo mình quan sát thì nhiều người Luân Đôn đi làm được 5, 7 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính (chừng 27, 28 tuổi trở lên) bắt đầu sử dụng nhiều những nhãn mác này.

✔ Premium brands/Accessible luxury brands: Từ nhóm này trở lên có lẽ có thể gọi là đồ hiệu, nhưng vẫn là phục vụ thị trường những người giàu có tầm trung.

-Premium: Kate Spade, Michael Kors, L.K. Bennet, Guess, Calvin Klein, Hugo Boss, DKNY, Coach, Purla, Diesel… £250 – £500 (7.5tr – 15tr)

-Accessible luxury: Ralph Lauren, Max Mara, Paul Smith, Isabel Marant, Setlla McCartney, Le Perla… £250 – £2000 (7.5tr – 60tr)

✔Aspirational/supreme luxury brands: Đây là nhóm đồ hiệu có lịch sử lâu đời, đắt và nổi tiếng nhất thế giới, và sử dụng nhiều bởi người nổi tiếng và các triệu phú tỷ phú.

-Aspirational: Prada, YSL, Gucci, Dolce Gabbana, Brioni Armani, Emenegildo Zegna, LV. Fendi… £1000 – £4000 (30tr – 120tr)

-Supreme: Hermes, Chanel, Dior, Bottega Veneta, Loro Piana, Versace… £1000 – £10,000 (30tr – 300tr)

—-

4. Mình cảm thấy trước làm chủ một món đồ của nhãn hàng nào đó, tìm hiểu về lịch sử của nhãn hàng cũng là một cái thú.

Có những bài viết phân tích khá hay trên mạng về các nhãn hiệu, lý do thành công và thất bại. Ví dụ, L.K. Bennet bắt đầu đi xuống từ năm 2012, dù có khách hàng nổi tiếng như là Dutchess of Cambridge (vợ hoàng tử William) và cựu thủ tướng Anh Theresa May, những năm gần đây thường xuyên phải bán hạ giá, vì sản phẩm làm ra không có gì đặc biệt hơn những nhãn mác có giá thành rẻ hơn như là Reiss, Karen Millen… Hay lý do vì sao hàng hiệu lại đắt, không đơn giản vì chất lượng tốt, số lượng hạn chế, gắn với tên tuổi của nhà thiết kế nổi tiếng, mà còn có góp phần bởi chi phí quảng cáo, quảng bá nhãn mác mặt hàng…

Giờ thay vì nhìn nhãn mác như một hiện tượng phù phiếm của xã hội, mình nhìn nó từ con mắt của một người thích tìm hiểu, một người muốn có kiến thức, và điều này giúp mình có một cái nhìn khách quan và cân bằng hơn rất nhiều.

🍀


P/S:
👉Giới thiệu về mình cho bạn đọc mới của blog: https://www.chuyencuangan.com/gioi-thieu/
👉Nguồn ảnh: Pixabay

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!