Chia sẻ kinh nghiệm giúp bé làm quen với nhà trẻ

Trong bài viết này mình xin chia sẻ một số điều về nhà trẻ ở Anh Quốc (phần 1, 2, 3, 4) và kinh nghiệm giúp bé làm quen với nhà trẻ (phần 5) cho các cha mẹ nào quan tâm. Chú ý là những thông tin dưới đây dựa chủ yếu vào kinh nghiệm của bản thân mình ở một nhà trẻ nhất định, nhưng mà phần lớn là cũng áp dụng cho các nhà trẻ khác ở Anh Quốc.

1. Cô giáo

Lớp chia ra thành các cấp độ tuổi, lớp của Anna có chừng 15 bạn từ 1 tuổi rưỡi tới 2 tuổi rưỡi. Tỷ lệ cô giáo và trẻ là 1:3 (5 cô giáo trông 15 bé).

Mỗi bé đều có một cô giáo chính (gọi là key person) chịu trách nghiệm trông nom bé. Mặc dù tất cả các cô giáo khác đều sẽ quan tâm chăm sóc bé, nhưng cô giáo chính này là người mà bất kỳ vấn đề gì liên quan tới bé đều phải nắm rõ.

2. Giờ giấc

Mở cửa đón trẻ từ 7h sáng tới 6h30 tối.

Có 4 bữa ăn chính: 7h30 ăn sáng, 10h bữa nhẹ (hoa quả, bánh bích qui), 12h ăn trưa, 4h ăn chiều.

Ngủ trưa từ 12h30 tới 2h tùy theo mỗi bé.

Cuối ngày mỗi phụ huynh đều được phát cho tờ giấy ghi chép đầy đủ giờ giấc ăn ngủ thay bỉm và hoạt động vui chơi của bé.

3. Hoạt động của nhà trẻ

Buổi sáng thường có các hoạt động do các cô tổ chức và hướng dẫn cho các bé (gọi là messy play). Ví dụ: vẽ tranh tô màu, chơi với nước, chơi với bọt, chơi đất nặn…

Buổi chiều thì chơi tự do trong phòng nếu trời mưa, và ngoài vườn nếu thời tiết đẹp.

Trong phòng chia thành các góc chơi khác nhau theo nhóm hoạt động:
– Góc nhà cửa có đồ bếp núc để các bé chơi nấu ăn.
– Góc đọc sách có sách và tranh ảnh
– Góc âm nhạc có các loại nhạc cụ phổ biến như trống, lục lạc… và còn có các dụng cụ âm nhạc tự tạo như là bỏ các loại hạt vào chai nhựa.
– Góc ghép hình có các nhiều các đồ chơi ghép hình ở mức độ khó khác nhau giúp các bé hoạt động trí não và rèn luyện tính kiên trì
– Góc thiết kế xây dựng có các trò chơi như xếp đường tàu làm thành đường cho tàu chạy.

Ngoài vườn có cầu tụt, có xe đạp, có chơi cát, có đồi giả và đường hầm ở dưới, cũng có các đồ chơi như gạch làm bằng xốp để các bé chơi xây nhà.

Trước những dịp lễ có các hoạt động đặc biệt. Ví dụ vào dịp lễ Phục Sinh, nhà trẻ để các bé học làm bánh. Anna tự ngoáy các nguyên liệu rồi đổ vào khuôn. Các cô còn chụp lại ảnh dán vào giấy, ép plastic gấp thành quyển để đưa cho phụ huynh làm kỷ niệm.

4. Quan sát của mình

Trong quá trình Anna làm quen với nhà trẻ, mình thường ở lại cùng nhà trẻ cùng Anna, nên đã có dịp quan sát một số điều. Một lần trong lúc ngồi đợi ở tiền sảnh mình nghe thấy tiếng trẻ con khóc khá to. Em bé này chừng hai tuổi rưỡi, chống đối giãy giụa không muốn ra vườn chơi cùng các bạn. Cô giáo nhỏ nhẹ thuyết phục, cố dùng các điều thú vị ngoài vườn để hấp dẫn bé, nhưng bé kiên quyết không chịu, cứ thế khóc. Lúc đấy mình nghe thấy quản lý của nhà trẻ hỏi han cô giáo có chuyện gì mà ầm ĩ. Cô giáo giải thích sự tình là bé khóc không muốn ra vườn. Điều làm mình ấn tượng là quản lý hỏi tiếp: “Có lý do cụ thể gì vì sao bé không muốn ra vườn không?” Cô giáo giải thích là mấy ngày nay bé không được khỏe khó chịu trong người nên mới có hành động như vậy. Mình cảm thấy họ rất tôn trọng bé, muốn tìm hiểu nguyên nhân cho các hành động chống đối, thay vì áp đặt suy nghĩ của người lớn lên bé.

Mình cũng rất ấn tượng là trong vòng một tháng đầu Anna mới đến nhà trẻ, họ ghi lại rất chi tiết phản ứng của Anna như thế nào, bé chơi những thứ gì, nói những cái gì, vẫy tay với bạn nào. Có những chi tiết rất rất nhỏ thể hiện sự quan tâm quan sát của cô giáo với bé. Cô giáo chính của Anna còn cẩn thận thông báo với mình về lịch nghỉ của cô để đảm bảo mình biết rõ tình hình khi không ở đấy có cô giáo nào sẽ chăm sóc Anna.

Các cô cũng rất tích cực dậy các bé nói “Thank you” (“Cám ơn”), “Please” (giống kiểu “Cho con xin”, cách nói lễ phép trông tiếng Việt của mình). Giờ ăn cũng khuyến khích các bé tự xúc ăn. Tuy nhiên bé nào còn gặp khó khăn thì các cô cũng giúp hoặc là đút hoặc là giúp xúc đồ ăn vào thìa để bé tự đưa lên mồm. Từ hồi Anna đi nhà trẻ về, kỹ năng dùng thìa tiến bộ vượt trội. Giờ đã có thể xúc rất tốt.

Từ hồi đi nhà trẻ, Anna cũng biết hát nhiều bài hát thiếu nhi hơn. Các cô giáo luôn dành thời gian ngồi thành vòng tròn, hát và làm động tác cùng nhau.

Bất cứ một tai nạn nào dù là nhỏ nhất họ đều ngay lập tức gọi báo cho bố mẹ. Cuối buổi còn ghi lại thành hồ sơ giấy tờ cho bố mẹ ký. Ví dụ một lần Anna chơi bị ngã dưới cằm có một vết tím rất mờ, ngay lập tức mình nhận được điện báo.

5. Quá trình giúp Anna làm quen với nhà trẻ

Chắc các bậc cha mẹ nào lúc mới đầu đưa con đi nhà trẻ cũng đều phải trải qua giai đoạn đau tim giống mình. Anna đặc biệt rất bám mẹ. Lúc mới đầu bé khóc rất nhiều và mình phần lớn phải ở lại trong lớp cùng bé. Lúc đó mình thấy rất là xì chét, mỗi lần đi nhà trẻ không khác gì phải đi đánh trận, đến mức mình đã nghĩ dẹp nhà trẻ đi cho xong để bé ở nhà với mẹ cho tới khi đi học.

Nhưng mà cuối cùng nhờ kiên trì, sau 8 lần đến nhà trẻ, cũng đã bắt đầu có thể nói là gặt hái thành công. Đến giờ mình vẫn chưa thể tin nổi là em bé bám mẹ Anna đã có thể vui vẻ phấn khởi chơi ở nhà trẻ tới tận khi mẹ đón về. Mặc dù buổi sáng khi đưa Anna tới lớp, Anna vẫn còn mếu khi mẹ bảo là mẹ phải về, nhưng mà chỉ mất vài phút là Anna nín và bắt đầu vui chơi ăn uống. Thế nên các mẹ nào mà trong cảnh ngộ giống mình, cứ an tâm là đâu sẽ có đó.

Mình xin chia sẻ chi tiết dưới đây trải nghiệm của mình. Trong quá trình mình tự nhận ra là có một số cái nếu mình làm khác đi thì sẽ tốt hơn. Nhưng trước hết mình xin chia sẻ mình đã làm thế nào, rồi sẽ đúc kết bài học và đề ra phương án mà mình cho là tốt hơn.

a) Mình đã làm thế nào?
Anna ngày đầu tiên đến là trẻ là khi em được 21 tháng rưỡi. Làm quen ròng rã suốt gần 2 tháng cho tới khi em chính thức đi học cả ngày khi 23 tháng rưỡi.

  • Lần 1: Mẹ đưa em tới nhà trẻ chỉ 1 tiếng, mẹ ngồi cùng em dẫn em đi chơi các đồ chơi trong phòng. Cô giáo chính của em cũng ở bên, cố gắng nói chuyện và chơi cùng em. Nhưng mà em rất lạ người, mỗi lần cô muốn nói chuyện với em là em lại chạy ra bám lấy mẹ.
  • Lần 2 và 3: Cũng đến nhà trẻ 1 tiếng. Có mẹ ở bên thì em chơi rất vui. Thế là mẹ thử lén lút đi ra. Khi em nhận ra mẹ đi mất thì em vẫn vui vẻ chơi thêm vài phút. Nhưng mãi không thấy mẹ quay trở lại thì em bắt đầu khóc. Cô giáo cố dỗ em, tìm các trò chơi để đánh lạc hướng em, nhưng em không nín. Tất nhiên là em khóc nhưng không đến nỗi quá xì chét, chỉ là rấm rứt. Sau 15 phút thì mẹ quay lại.
  • Lần 4, 5, 6: Đến nhà trẻ 2 tiếng. Mẹ vào chơi với em trước rồi lại lén đi ra. Lần này mẹ đi ra 45 phút ngồi đợi ở dưới tiền sảnh. Em vẫn rấm rứt khóc, thi thoảng dừng khóc khi bị đánh lạc hướng, nhưng phần lớn thời gian là ngồi trong lòng cô mếu máo tâm trạng không vui vẻ gì. Tuy nhiên được cái khi mẹ vào một cái là em vui vẻ chơi ngay. Không có vẻ gì là hoảng sợ, thể hiện ra là ghét nhà trẻ hay rụt rè quá độ. Vì mẹ thấy tâm lý của em ổn định, nên mẹ mới yên tâm để thử tiếp 45 phút trong ba ngày như thế.
  • Lần 7: Đến nhà trẻ 2 tiếng. Mẹ quyết định chọn cách nói cho em biết là mẹ sẽ đi thay vì lén lút đi ra. Mẹ bảo em: “Mẹ đi ra ngoài, con ở đây chơi với cô và các bạn. Sau giờ ăn trưa mẹ sẽ quay lại đón con.” Em bật khóc ngay tắp tự khi mẹ nói câu này. Mẹ đứng ở bên ngoài ngó ngó xem. Mẹ thấy em ngồi trong lòng cô mếu máo, nhưng mỗi lần có gì lạ lạ vui vui (ví dụ: bạn nào đá bóng ở gần) là em xao nhãng khỏi việc mếu máo và nhìn ngó tò mò. Lần này em cũng ở với cô 45 phút, nhưng mà đã có chút tiến triển ít khóc hẳn hơn so hôm trước.
  • Lần 8: Đến nhà trẻ 3 tiếng. Sau khi mẹ bảo em là mẹ đi và sẽ đón em sau. Em bật khóc ngay như hôm trước. Nhưng mà khi cô tới gần em đưa tay lên cho cô bế. Xem ra em bắt đầu quen cô hơn. Và hôm đó, em vui vẻ hơn rất nhiều, chịu ăn, chịu chơi. Khi mẹ đến em đang ngồi ăn cùng các bạn rất vui vẻ.

Kể từ lần thứ 8 trở đi thì em đã có thể vui vẻ chơi sau khi mẹ đi. Sau đó số giờ cứ tăng dần lên thành 4 tiếng rồi 5 tiếng, cho tới khi em đi chính thức cả ngày. Theo lời các cô thì càng lúc em càng nín khóc nhanh hơn sau khi mẹ đi. Có một lần mẹ không đi ngay mà đứng ở cửa lén lút ngó vào. Đúng như cô nói, khi mẹ vừa ra khỏi cửa là em nín luôn. Cũng có một lần mẹ đưa em đến, khi mẹ bảo mẹ phải đi, trông mặt em hơi buồn buồn nhưng em không khóc. Bây giờ lần nào mẹ đến đón, em vẫn nhào ra mẹ, nhưng mặt mày rất vui vẻ hớn hở. Mẹ bảo chỉ cho mẹ xem con chơi những gì em liền chỉ chỏ quanh quanh.

b) Lỗi trong phương pháp của mình

Mình đã nghiệm ra một điều là lấn lá ở lại và lén lút bỏ đi không giúp cho bé. Trong những ngày đầu khi mình lấn lá ở lại quá nhiều, thực ra khiến bé bám mẹ càng nhiều hơn. Đúng là phải có giai đoạn giúp bé làm quen với môi trường trong nhà trẻ và cô giáo khi có mẹ ở bên cạnh. Nhưng sau đó mẹ càng không nỡ bỏ lại bé một mình thì quá trình giúp bé làm quen càng trở nên lâu hơn. Tất nhiên mỗi bé mỗi khác nên giai đoạn cần có mẹ ở bên cũng sẽ khác.

Khi mà mẹ lén lút bỏ đi như mình đã làm sẽ chỉ khiến bé hoang mang không biết chuyện gì đang xảy ra. Theo mình thấy thì tốt nhất vẫn là nên dặn dò bé rồi mới nên đi ra, để cho bé vững tâm là mẹ sẽ đến đón bé.

Một điều quan trọng nữa mà mình không cân nhắc từ đầu đó là hình thành thói quen nhất định. Trong 6 lần đầu đến nhà trẻ (thường là 1 tuần 2 lần), mình chọn lựa thời gian khá ngẫu nhiên, hôm thì buổi sáng, hôm thì buổi chiều tùy theo lịch rảnh của mình. Nhưng điều này không giúp bé tạo ra thói quen và khó làm quen hơn. Từ lần thứ 7 trở đi, mình chọn toàn bộ thời gian vào buổi sáng, cứ đúng quy trình thức dậy, thay quần áo đánh răng rửa mặt, ăn sáng rồi đi nhà trẻ.

Thực ra giờ ngẫm lại một phần vì sao 6 lần đầu lại khó khăn như vậy, một phần cũng là vì lúc đó Anna đang mọc răng, tâm trạng khó chịu và đặc biệt bám mẹ hơn bình thường. Nếu như có thể chọn, thì nên bắt đầu đi nhà trẻ khi các bé không ốm đau khó chịu gì.

c) Cách tốt nhất để giúp bé làm quen với nhà trẻ

Một trong những phương pháp được đề ra bởi Penny Tassoni (Nhà tư vấn về giáo dục) để giúp bé làm quen với cô giáo chính của mình như sau:

Bước 1: Để bé chơi các đồ chơi với cô giáo và mẹ ở cạnh. Sau đó mẹ bắt đầu dừng chơi và chỉ ngồi bên cạnh quan sát.

Bước 2: Để bé chơi các đồ chơi với cô giáo và mẹ ở cạnh. Sau đó mẹ dừng chơi vào bắt đầu di chuyển ra một chút nhặt cái gì đó lên ví dụ như là một cuốn tạp trí hay tờ báo.

Bước 3: Trẻ chơi với cô giáo. Mẹ đầu tiên là ở cạnh nhưng sau đó bắt đầu di chuyển ra khỏi tầm nhìn của bé, ví dụ như là lấy cái gì đó từ trong tủ.

Bước 4: Trẻ chơi với cô giáo. Mẹ đi ra khỏi phòng để lấy đồ gì đó, nhưng trước khi đi phải bảo bé mẹ chuẩn bị làm điều này và sẽ quay lại. Đi 1 phút và quay lại.

Bước 5: Giống như bước 4 nhưng mà tăng thời gian ra khỏi phòng là 20 phút. Dần dần, tăng thời gian cho tới khi trẻ có thể ở nhà trẻ cả buổi.

Lưu ý:

– Cần phải bình tĩnh tạm biệt bé, không được thể hiện xúc động, và nói cho bé biết là mẹ sẽ quay lại.

– Để cho bé cầm theo thú bông hay là đồ chơi yêu thích nào đó.

5. Kết luận

Mình hi vọng những chia sẻ của mình ở trên giúp ích cho các mẹ có con tới tuổi đi nhà trẻ. Mình đến giờ mỗi lần thấy con khóc vẫn còn đau tim lắm, nhưng mà mình biết con rất thích các hoạt động ở nhà trẻ và học hỏi được nhiều thứ nên mình cũng vững tâm hơn. Nếu mẹ nào có câu hỏi hay có điều gì mình viết chưa rõ ràng, các mẹ cứ nói cho mình biết, mình sẽ bổ sung thêm.

7. Hỏi đáp

* Mấy tuổi thì nên cho bé đi nhà trẻ?

Ngày nay trong một số trường hợp bố mẹ không có lựa chọn về độ tuổi gửi bé đi nhà trẻ do yêu cầu của công việc, nhưng nếu có lựa chọn (ví dụ có ông bà giúp chăm sóc cháu) thì nên gửi bé đi nhà trẻ ở tầm tuổi từ 2 tới 3 tuổi. Trước 2 tuổi, sự tương tác với bố mẹ vẫn là quan trọng nhất. Nhưng sau 2 tới 3 tuổi (tùy theo tính cách và sự phát triển của mỗi bé), các hoạt động ở nhà trẻ và sự tương tác với các bạn đồng trang lứa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bé.

* Các tiêu chí để chọn lựa nhà trẻ ở Anh Quốc

Khi lựa chọn nhà trẻ, mình cân nhắc những điều sau:
– Địa điểm: Gần nhà vẫn là tiện nhất, mình bắt đầu bằng việc Google tất các nhà trẻ ở quanh khu nhà mình.
– Kết quả của báo cáo Ofsted (1 = outstanding): Ofsted là cơ quan chính phủ đi kiểm tra các cơ sở trường học và họ đưa ra đánh giá về trường dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Tất cả các trường đều có báo cáo Ofsted ngoại trừ các trường rất mới và các báo cáo này thường có sẵn trên mạng, chỉ cần google là ra. Chú ý đọc các phần đặc biệt là những chỗ cần phải phát triển thêm để biết được chất lượng của nhà trẻ.
– Đi thăm trường: Quan trọng vẫn là phải đi thăm trường, quan sát học sinh, nói chuyện với giáo viên, tìm hiểu các hoạt động của trường, chú ý vào thăm khu vực nhà bếp xem họ chế biến đồ ăn có sạch sẽ không. Bản thân mình thích những nơi thông thoáng có vườn rộng rãi. Con mình cũng thích vườn, chơi ở vườn suốt.
– Đọc review trên mạng: Google review về trường của các mẹ khác. Thường trang mạng điện tử mumsnet cũng có nhiều thông tin hữu ích.

* Chi phí:
Tuỳ theo vùng miền, ở London thường đắt hơn các nơi khác. Trung bình ở London là từ 1500 tới 1700 bảng (43 tới 50 triệu VND) một tháng toàn thời gian. (Gần bằng một tháng lương sau thuế của một người trung bình)

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!