Chia sẻ kinh nghiệm xin việc

3 tháng xin việc.
Hơn 20 chục lần bấm nút gửi CV qua Linkedin và eFinancialCareers.
Nói chuyện với gần chục công ty tuyển dụng (recruitment agent/ headhunter).
Làm 3 bài test.
Phỏng vấn 10 cuộc với 4 công ty.

Cuối cùng mình đã có job offer! 🎉
Đặc biệt là từ công ty mà mình thích nhất.

Mình xin chia sẻ một số điều mình cảm thấy hữu ích qua đợt xin việc lần này:

1.
Khi mọi thứ cảm thấy khó khăn, thì càng phải kiên trì không nản lòng, không để sự tự tin của bản thân bị lung lạc. Một điều mình làm để củng cố tinh thần của bản thân, đồng thời để chuẩn bị cho phỏng vấn, là gõ ra file Word những điều sau:
(i) điều gì tạo cho mình hứng thú trong công việc
(ii) điểm mạnh điểm yếu của bản thân, bao gồm:
•những feedback tích cực mà mình nhận được từ đồng nghiệp, từ cấp trên, và
•những feedback về các mặt cần phát triển và mình đã thực hiện tới đâu để khắc phục những điều này
(iii) kinh nghiệm chủ đạo của bản thân là gì

Hiểu rõ những điều trên giúp mình dễ dàng nhận ra liệu mình có nên đăng ký công việc này không. Khi đã quyết định đây là công việc mình muốn đăng ký, thì mình lại viết ra tiếp cho mỗi công việc:
•tại sao mình muốn công việc này, ngành này, công ty này
•những thành quả mình đạt được liên quan tới công việc mà mình muốn ứng tuyển
•tại sao mình là ứng cử viên tốt nhất

2.
Một điểm rất quan trọng của đăng ký xin việc là phải chỉnh sửa CV cho phù hợp với mỗi công việc. Hiếm khi nào một CV có thể phù hợp hết với tất cả các công việc, vì dù cùng một vị trí, nhưng mỗi công ty sẽ yêu cầu những trách nhiệm khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của công ty. Vì thế mình cần phải thay đổi CV đưa vào những từ khoá của job description.

3.
Một câu hỏi rất thường gặp trong phỏng vấn là: “Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình và kinh nghiệm trước đây của bạn.” Để chuẩn bị cho câu hỏi này, mình thường suy nghĩ kỹ và viết ra giấy cho mỗi giai đoạn công việc, điều gì mình muốn nhà tuyển dụng biết về mình. Mình tránh lan man tản mạn mà chỉ liệt ra những ý chính liên quan nhất, khiến mình thể hiện rõ nhất tại sao mình là một ứng cử viên phù hợp. Hãy đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng và tự hỏi nếu mình là nhà tuyển dụng điều gì sẽ khiến mình có hứng thú với ứng cử viên này. Kể cả khi phỏng vấn không bị hỏi câu này thì vẫn nên chuẩn bị như trên, vì nó giúp mình vạch rõ trong đầu ý chính cần làm nổi bật khi chỉnh sửa CV.

4.
Để các nhà tuyển dụng/recruitment agent/headhunter chú ý, mình không chỉ nộp CV rồi ngồi đợi mà mình gửi email cho họ và cũng nhắn tin riêng trên Linkedin để họ chú ý. Trong giai đoạn chuẩn bị tích cực nhất mình trả tiền cho tài khoản Linkedin để có thể sử dụng chức năng nhắn tin. Khi nhắn tin và gửi email, mình thường vào thẳng vấn đề và làm nổi trội những điểm mạnh kinh nghiệm phù hợp của bản thân ngay trong nội dung chính của email, cố dùng key words như trong job description, và tránh dài dòng tản mạn. Nếu nhà tuyển dụng/recruitment agent/headhunter chia sẻ số điện thoại trên Linkedin thì mình cũng nhắn tin hoặc whatsapp cho họ luôn.

5.
Khi được gọi đi phỏng vấn, mình tìm hiểu nhiều về công ty, chủ yếu là google tin tức, đọc báo cáo tài chính, sau đó lược thông tin tóm tắt lại thành các phần để đọc lại dễ nhớ, ví dụ, thông tin tài chính lợi nhuận năm rồi bao nhiêu, giá cổ phiếu thế nào, các đề án mới là gì, chiến lược phát triển là gì, văn hoá thế nào. Mình cũng sử dụng app Glassdoor để đọc thêm review, xem thông tin về lương bổng từ mọi người khác về công ty.

6.
Ngoài việc chuẩn bị cho các câu hỏi phỏng vấn thường gặp, mình cũng chuẩn bị câu hỏi để hỏi lại ban tuyển dụng. Mình không đặt câu hỏi máy móc mà tự hỏi bản thân, sau khi đã tìm hiểu công ty như vậy, sau khi đã nghĩ kỹ về các yêu cầu của công việc, có điều gì mình thực sự muốn biết thêm để giúp mình hiểu rõ nhất liệu đây có phải là một công việc một môi trường phù hợp với mình không. Mình thích câu hỏi “Điều gì anh/chị thích nhất về công ty và công việc hiện tại.” (“What do you like the most about your current job/company?”) Vì nghe câu trả lời, mình sẽ phần nào biết được về môi trường của công ty. Ngoài ra mình hay kết bằng câu hỏi “Trong cuộc phỏng vấn vừa rồi, có chỗ nào khiến anh/chị chưa hài lòng và muốn khai thác thêm không?” (“During our conversation, is there anything that you still have reservation and would like to explore a bit more?”) Vì thường khi nghe câu hỏi này có thể người tuyển dụng sẽ cho mình cơ hội để thể hiện rõ hơn các phần mà họ chưa chắc chắn.

7.
Mình thường dành nhiều thời gian hơn nghe podcast và tin tức về ngành và công ty mà mình đăng ký. Điều này giúp mình cảm thấy sẵn sàng hơn về mặt tâm lý. Mình cũng ghi lại thông tin vào một cuốn sổ tay nhỏ để tiện cho việc ghi nhớ và đọc lại. Ngoài ra, mình cũng nghe nhiều podcast, TED talks truyền cảm hứng để củng cố tâm lý. Mình đã giới thiệu về Tim Kellerj lần trước và sẽ đăng thêm một số link hữu ích khác trong những bài tới.

8.
Và một điều vô vô cùng quan trọng trong giai đoạn xin việc áp lực, đó là ăn khỏe, ngủ đủ giấc, tập thể dục thể thao, uống nhiều nước, để tăng cường khả năng thích ứng phục hồi. Link bài viết chi tiết hơn về chủ đề này ở đây: link.

Hi vọng những chia sẻ trên phần nào có ích cho những bạn đang trải qua chặng đường này. Chúc các bạn sớm tìm được công việc mình mơ ước. Và nếu bạn không biết công việc mơ ước của mình là gì, thì cứ tìm một công việc tận dụng được nhiều nhất điểm mạnh và khiến bạn cảm thấy hào hứng khi nghĩ tới. Càng làm thì bạn sẽ càng biết rõ hơn, về bản thân mình, về công việc mình muốn làm, và nó cũng sẽ mở ra nhiều cánh cửa cho các cơ hội ở phía trước.

—-
P/S: Nếu mọi người ngạc nhiên sao hôm trước mới bảo xin việc hôm nay đã được việc rồi, thì mình xin nhấn mạnh, mình xin việc mấy tháng nay rồi, nhưng đầu tuần trước mình mới chia sẻ lên page, và cuối tuần mới biết kết quả.

2 Replies to “Chia sẻ kinh nghiệm xin việc”

  1. Totally agree with what chi shared in this entry a 😀
    Finding a job is a “long and winding road” and requires lots of patience and self-esteem

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!