Chuyện cái tên

1. Một buổi tối rất là yên bình, con ngủ rồi, chồng liền mở cửa đi vào, vừa vào tới nơi đã ngay lập tức kêu lên như là khám phá ra châu Mỹ: “Anh phát hiện ra chuyện em làm rồi nhé!”, không quên kèm theo vài tiếng tặc lưỡi: “Thật là quá nghịch ngợm!

Mình giả vờ nai tơ, mở to mắt chớp chớp nhìn chồng như người trong sạch vô tội nhất quả đất: “Em làm chuyện gì?”
Chồng không trả lời mà liên tục lắc đầu chẹp chẹp: “Quá nghịch ngợm! Quá nghịch ngợm!”

Mình vẫn một mực khăng khăng chối bay chối biến: “Em có làm gì đâu?”
Chồng liền đưa cái điện thoại ra: “Không làm thì đây là cái gì?”

Hi hi, chả là chồng lưu số điện thoại của vợ trong máy là “My Cutie” (“Dễ thương của anh”). Buổi chiều, vợ mượn máy của chồng để lướt web gì đấy, nhìn thấy liền lên hứng trêu chồng tự đổi tên mình thành “Little Shit”. (Từ này nghĩa đen là “Cục *** nhỏ”, nhưng mà hay dùng để chửi kiểu như là “Thằng khốn/ Con khốn”, không phải là quá bậy nhưng mà cũng không mấy mỹ miều.)

Vậy là chồng nằm hì hục đổi lại thành “Little Bean” (“Hạt đậu nhỏ”, nickname mà chồng hay gọi mình). Xong nghĩ thế nào lại đổi thành “Em yêu Ngan”.

Lúc đánh từ “yêu” vào máy, chồng hí hửng tự hào: “Em thấy không anh giỏi tiếng Việt chưa, biết từ “yêu” có dấu mũ trên chữ “ê”.”

Dạ, anh rất giỏi, chỉ có điều anh quên cái dấu mũ trên chữ “â” tên của em. 😂

2. Vẫn chuyện gọi tên, trong hai vợ chồng thì chồng lại là người quan tâm tới mấy chuyện gọi tên tình cảm hơn. Trong điện thoại, mình có thói quen đánh đầy đủ cả tên cả họ của mọi người khi lưu số, tên chồng cũng không phải ngoại lệ. Một ngày nọ, chồng vô tình phát hiện ra thì vô cùng không hài lòng, nằng nặc đòi vợ đổi. Cuối cùng, mình phải đổi thành “My Simon” (“Simon của em”) thì chồng mới không hạch sách nữa.😆

3. Tên của mình ở bên này là thuộc dạng khó gọi, khó đọc, khó viết. Thậm chí đến cả chồng cũng chưa từng đọc tên mình đúng, mặc dù đã cố gắng luyện tập rất nhiều. Đó là vì trong tiếng Anh không có vần “Ng” mà cũng chẳng có chữ “â”.

Phần lớn mọi người khi nhìn thấy tên mình trên giấy sẽ há mồm một vài giây (vì ngỡ ngàng, mà cũng có thể vì kinh ngạc) trước khi sướng lên “Nờ Gan”. Có người không thể chấp nhận nổi tên mình, trong đầu tự động chuyển thành “Megan”, một cái tên tiếng Anh nhìn có vẻ tương tự.

Vì những rắc rối này, mà mình bảo mọi người gọi mình là “Nan”, còn trên giấy tờ thường bỏ hết dấu má mũ mã thành “Ngan”.🦆

4. Có lần mình bảo chồng: “Hay là em đổi sang tên tiếng Anh nào đó cho nó dễ gọi nhé?”
Chồng nguầy nguậy lắc đầu: “Không đừng! Tên em nghe rất hay, đừng đổi gì cả?”
Mình: “Đến anh cũng biết gọi thế nào đâu mà biết hay?”
Chồng: “Dù anh không biết gọi thế nào cho chuẩn, nhưng anh biết tên em nghe rất hay. Không đổi! Không đổi!”

Chồng đã yêu cầu vậy thì thôi không đổi nữa. Vậy là vẫn trung thành với cái tên “Ngân – Ngan – Nan”.

5. Họ mình trước khi lấy chồng là họ Nguyễn. Hồi đi học có lần nhà trường tạo tên và mật khẩu cho học sinh để đăng nhập vào máy tính. Khổ nỗi họ không lấy hết cả tên cả họ mà chỉ lấy tên cộng ba từ đầu của họ cùng một loại số đằng sau. Vậy là tên đăng nhập của mình là “NganNgu” cộng thêm một loạt số đằng sau. Buồn một hồi!😞

6. Trước khi lấy chồng, chẳng ai dám gọi họ của mình vì quá dài và quá khó. Sau khi lấy chồng, đổi sang họ chồng, mọi người như chết đuối vớ được cọc, cuối cùng thì cũng dám sướng họ mình lên.

Đi khám bác sỹ ngồi đợi, khi bác sỹ ra gọi người khác, bác sỹ gọi cả họ cả tên người bệnh. Nhưng chỉ riêng mình thì lúc nào cũng được gọi đàng hoàng đĩnh đạc là Bà (Mrs), vì cái tội bác sỹ không gọi được tên “Ngân” của mình, bác sỹ chỉ dám gọi tên họ. Ở bên này khi gọi tên họ không có tên trước thì luôn phải lịch sự thêm chữ “Bà” vào. 

Vậy là đi đâu cũng được làm “Bà”. Không biết nên sướng hay nên buồn!

7. Đấy, cái tên mình tưởng là đơn giản ở Việt Nam mà sang đây thật lắm rắc rối. Đấy là chưa kể đến suốt cả sáu năm đi học, vô khối người tưởng tên mình là “Thị” vì do thứ tự tên bên mình khác bên Anh. Giấy tờ suốt ngày thấy ghi “Gửi bạn Thị Nguyễn”. Gọi tên thế thì ai mà biết ai là ai. Khổ lắm!

Thế là cuối cùng khi mình có con, mình quyết định đặt tên con là “Anna” cho con đỡ phải khổ như mình. Về Việt Nam thì gọi là An cũng được. Việt cũng gọi được và Anh cũng gọi được. Đỡ rắc rối.

8. Trên đây là mấy dòng lảm nhảm của mình về chuyện cái tên. Bạn nào mà có chuyện vui vui về cái tên như thế thì chia sẻ với mình nhé. 😀


Ảnh: Nhân tiện nhắc chuyện hồi đi học lại thêm dạo này hay tưởng nhớ về ngày xưa, xin post cái ảnh lúc tốt nghiệp đại học. Chụp được có một cái ảnh duy nhất đứng một mình mà mắt nhắm tịt.

0 Replies to “Chuyện cái tên”

    1. Ha ha, ừ nhỉ, em nói thì chị cũng thấy hơi giống đấy. Chắc 20 năm nữa trông cũng khác lắm đâu. LOL!

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!