Du học và việc làm

Trong bài viết này mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm, bắt đầu từ bậc phổ thông, để giúp tăng cơ hội xin được việc làm sau khi đi du học ở Anh Quốc. Có nhiều người nghĩ rằng việc đi làm để năm cuối đại học hẵng lo. Thực ra điều này là hoàn toàn sai lầm. Nếu bắt đầu chuẩn bị ngay từ bậc phổ thông, cơ hội việc làm sẽ tăng lên rất đáng kể. 

Bài viết dựa vào kinh nghiệm của bản thân mình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp trong ngành, và chủ yếu tập trung vào ngành tài chính. Nhưng hầu hết các điểm đề ra dưới đây đều có thể áp dụng các ngành khác. 

1. Thời điểm đi du học:
• Đi du học từ bậc phổ thông giúp tăng cơ hội đáng kể vì:
– bạn thời gian để trau dồi ngôn ngữ và hoà nhập
– khả năng vào được các trường đại học hàng đầu cao hơn (đặc biệt là Cambridge và Oxford)
• Thường hết lớp 10 hoặc lớp 11 là thời điểm tốt. Tuy nhiên cần chú ý một số điều sau:
– Trường quốc tế (không có dân bản địa, phần lớn là dân châu Á, Nga, Trung Đông) không quan trọng tuổi tác lúc nhập học, nên muốn đi lúc hết lớp 10 hay 11 đều được.
– Nhiều trường bản địa chỉ nhận học sinh dưới 17 tuổi (tính bằng ngày tháng năm sinh) nhập học vào tháng 9. Thế nên là người có sinh trước tháng 9 nên đi sau khi học hết lớp 10. Còn nếu sinh sau tháng 9 nên đi sau khi học hết lớp 11.
• Tuy nhiên không nhất thiết là phải học phổ thông ở Anh mới vào được đại học tốt ở Anh. Nếu bạn có thành tích học tập phổ thông loại giỏi ở Việt Nam với nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế, đạt được điểm tiếng Anh ielts 6.5 trở lên, bạn vẫn có thể xin thẳng vào trường đại học tốt ở Anh.
• Đi du học ở bậc thạc sỹ khoá học 1 năm, thường rất khó có thể xin được việc làm vì sẽ không có đủ thời gian để thích ứng và xin việc trong lúc đi học. Tất nhiên là vẫn có thể (mình có một người bạn đã làm được), nhưng bạn phải nói tiếng Anh cực siêu, học cực chăm, cực giỏi, và đã có thành tích đại học cực tốt, tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá và có kinh nghiệm việc làm ở Việt Nam. Nếu muốn sang học thạc sỹ, có lẽ chọn khoá học ít nhất 2 năm sẽ giúp bạn có cơ hội xin việc tốt hơn.

2. Trường học:
• Trường đại học càng có danh tiếng thì càng dễ xin việc hơn. Đây là danh sách một số trường đại học nổi tiếng hàng đầu ở Anh:
– The University of Cambridge
– The University of Oxford
– Imperial College London
– London School of Economics and Political Science
– University College London
– King’s College London
– The University of Edinburgh
– The Universtiy of Bristol
– The University of Warwich
– Durham University
• Chú ý tuỳ từng môn học mà xếp hạng của các trường có thể khác nhau.

3. Ngành học:
• Để xin được công việc kiếm nhiều tiền nhất trong những ngành cạnh tranh nhất như là ngân hàng đầu tư (Investment Banking) thì cần phải học các ngành liên quan, ví dụ như là kinh tế, tài chính, ngân hàng.
• Tuy nhiên phần lớn các công việc trong ngành tài chính thực ra không đòi hỏi phải học đúng ngành. Bạn có thể học bất cứ môn gì cũng có thể xin được việc, mặc dù học đúng ngành sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn.

4. Điểm học:
• Phần lớn các công ty chỉ yêu cầu bằng khá trở lên (60% trở lên). Vì thế bạn không cần phải học quá xuất chúng mới xin được việc.
• Thực tế chỉ học không là không đủ. Thế nên thay vì học 24/24, bạn nên dành thời gian cho các hoạt động cần thiết khác (xem mục còn lại dưới đây).

5. Hoạt động ngoại khoá:
• Trong quá trình phỏng vấn xin việc, các nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn chứng minh các kỹ năng mềm (ví dụ khả năng lãnh đạo, khả năng làm việc nhóm, khả năng gia tiếp hiệu quả, khả năng quản lý đề án…) thông qua các ví dụ cụ thể. Vì thế nếu bạn tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá, đặc biệt là những hoạt động đòi hỏi giao tiếp với người khác, bạn sẽ có nhiều ví dụ hay để thể hiện trong các cuộc phỏng vấn.
• Một ví dụ đơn giản, nếu bạn chơi một môn thể thao nào đó, bạn có thể miêu tả bạn học cách quan sát, phối hợp và giao tiếp với các bạn trong đội thế nào để đảm bảo đạt được hiệu quả như ý muốn.
• Ngay từ bậc phổ thông, các trường luôn có các hoạt động ngoại khoá. Hãy lựa chọn hoạt động có tính đồng đội, để bạn có thể nâng cao các kỹ năng mềm của mình. Hãy xông xáo xung phong nhận các vị trí có trách nhiệm cao (ví dụ đội trưởng, đội phó) để càng có thêm cơ hội trau dồi.

6. Cách tận dụng các kỳ nghỉ:
Du học sinh muốn ở lại làm việc sau khi học thì phải xin được việc làm trước khi tốt nghiệp. Cách bạn sử dụng các kỳ nghỉ của mình từ những năm phổ thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

• Phổ thông:
– Bạn nên suy nghĩ bắt đầu các công việc tình nguyện cho tổ chức phi chính phủ, bệnh viện, trường học hoặc các việc bán thời gian phù hợp với lứa tuổi.
– Ở Anh có rất nhiều các cơ hội làm thêm thế này. Bạn có thể tìm kiếm thông tin trên mạng, tham khảo với các thầy cô giao ở trường, hoặc đơn giản lượn lờ ở trung tâm thành phố xem có nơi nào thông báo tuyển người hay không.
– Ví dụ SEALNet có rất nhiều đề án tình nguyện hay ở khắp các quốc gia. Tôi từng tham gia đề án về bảo vệ môi trường ở Hà Nội cùng các thành viên từ khắp mọi nơi trên thế giới.

• Năm nhất đại học:
– Các công ty thường có các chương trình việc làm cho sinh viên năm nhất kéo dài 1 tới 2 tuần vào kỳ nghỉ Phục Sinh (tháng 4) hoặc kỳ nghỉ hè. Đạt được vị trí trong các chương trình, bạn đã tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường của mình là 50%. Vì nếu bạn hoàn thành tốt chương trình, các công ty thường sẽ cho bạn thực tập tiếp 3 tháng mùa hè sau và sau đó là cho bạn công việc chính thức.
– Quá trình đăng ký thường bắt đầu từ tháng 9. Vì thế ngay sau khi vào nhập học, bạn nên bắt đầu tìm kiếm.
– Bạn có thể tìm kiếm các cơ hội thế này bằng cách lên trang web của các công ty, nói chuyện với văn phòng tư vấn định hướng nghề nghiệp của trường đại học, hoặc tham dự các buổi diễn thuyết của các công ty tổ chức ở trường đại học.
– Nếu không tìm được các chương trình thế này, bạn nên tiếp tục làm thêm và tham gia các hoạt động tình nguyện. Ví dụ SEALNet có rất nhiều đề án tình nguyện hay ở khắp các quốc gia. Mình từng tham gia đề án về bảo vệ môi trường ở Hà Nội cùng các thành viên từ khắp mọi nơi trên thế giới. 

• Năm hai đại học:
– Tìm được một vị trí thức tập 3 tháng mùa hè tăng cơ hội việc làm lên 70%. Các công ty thường nhận việc phần lớn các sinh viên thực tập.
– Cũng giống như chương trình cho sinh viên năm 1, bạn sẽ phải bắt đầu tìm kiếm từ tháng 9. Và nếu không có được cơ hội thế này thì tiếp tục làm thêm và làm tình nguyện.

• Năm cuối đại học:
– Khi mới bắt đầu vào năm học và thậm chí trước khi vào năm học, bạn đã phải bắt đầu cật lực kiếm việc.
– Hãy đăng ký nhiều như bạn có thể, và đừng nản lòng nếu bị từ chối.
– Khi bạn đã có được việc rồi, đây sẽ là mùa hè mà bạn có thể hưởng thụ một cách trọn vẹn nhất, mùa hè mà bạn có thể ăn chơi xả láng mà không cần lo nghĩ.

7. Các khoá học nâng cao kỹ năng mềm:
– Trường đại học có rất nhiều khoá học ngắn hạn giúp nâng cao kỹ năng mềm, tham gia vào các khoá học này sẽ giúp bạn tự tin hơn khi đi phỏng vấn xin việc.
– Có thể tìm trên trang web của trường hoặc văn phòng tư vấn định hướng nghề nghiệp.

8. Học hỏi từ người đi trước:
– Tất nhiên học hỏi từ người đi trước là không thể thiếu. Bạn có thể nói chuyện với các đàn anh đàn chị đã trải qua quá trình xin việc để học hỏi kinh nghiệm.
– Ngoài ra hội người Việt ở Anh (Vietpro) cũng tổ chức các hội thảo hàng năm để giúp sinh viên Việt Nam đang tìm kiếm việc làm.

Mình hy vọng bài viết này có thể phần nào giúp các bạn có những chuẩn bị thích hợp trong quá trình đi du học của mình. Nếu bạn có câu hỏi gì hay muốn mình chia sẻ gì thêm, xin hãy để lại lời nhắn trong phần comment.

***

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!