Gia đình để làm gì?

1.
Chiến tranh Ukraine, công việc chồng mình bị ảnh hưởng, bận bịu hơn. Suốt hơn hai tuần, tối nào cũng phải mang việc về nhà. Vậy mà giờ đi ngủ của con, bao giờ cũng nghe thấy tiếng nói chuyện, tiếng cười khúc khích của hai ba con ở phòng kế bên. Bận gì thì bận, vẫn phải dành đủ thời gian cho con.

2.
Gần báo cáo cuối năm, công việc của mình cũng bận bịu hơn.

Chồng bận, mình bận.

Mình bâng quơ: “Mệt ghê, bây giờ trúng xổ số thì tốt.”

Chồng hỏi: “Trúng xổ số làm gì?”

Mình trả lời: “Để vợ chồng mình nghỉ việc luôn, đi chơi.”

Chồng bảo: “Thực ra anh nghĩ tốt nhất không nên trúng xổ số. Nếu không có áp lực tài chính, công việc khó một chút là anh sẽ dễ dàng bỏ việc. Bỏ việc rồi chưa chắc anh đã hạnh phúc hơn. Dễ bỏ cuộc lại làm hỏng cuộc đời. Như bây giờ, không có lựa chọn, khó, anh phải cố gắng vượt qua gây dựng sự bền bỉ.”

Mình đồng ý. Áp lực không hẳn là điều xấu, ở một mức độ nào đó, nó góp phần giúp con người mạnh mẽ hơn.

Mình cười: “Thôi được rồi, tiếp tục kế hoạch tài chính làm việc thêm mười một năm nữa thì nghỉ hưu vậy. Lúc đó thì nợ nhà trả hết, con cũng 18 tuổi vào đại học.”

Chồng mình nghĩ nghĩ rồi bảo: “Tính là mười lăm năm đi. Học đại học cũng tốn kém lắm. Đợi con học xong thì mình nghỉ hưu.”

Điều chồng mình nói cũng chẳng đặc biệt lớn lao gì, mà nghe xong mình cảm động suýt rớt nước mắt.

3.
Con gái khóc, nói không thích đi câu lạc bộ tiếng Tây Ban Nha nữa.

Mình gặng hỏi một hồi thì biết là do con không thích việc đánh máy tính. Vì không thích đánh máy tính (có lẽ do không quen), mà muốn bỏ luôn câu lạc bộ.

Thực sự mình khá bực vì điều này. Mình có thể mềm mỏng nhiều thứ nhưng điều mình tuyệt đối không thể chịu được việc chưa cố gắng đã bỏ cuộc.

Bực tức xả với chồng: “Tại sao con lại suốt ngày khóc lóc đòi bỏ cuộc như vậy! Em chú ý là không chỉ lần này mà gần như cái gì cũng vậy, điều đầu tiên con làm là khóc và đòi bỏ cuộc. Trong cuộc đời em, gì em cũng có thể chịu được, chỉ không chịu được những kẻ bỏ cuộc!”

Đáp lại là một giọng rất bình tĩnh: “Ừ anh hiểu. Để anh xem có chương trình mạng nào dạy trẻ em tập đánh máy không.” Rồi nói thêm: “Nhiều khi con mình cảm thấy thoải mái hơn nếu có thời gian luyện tập một mình. Là do con sợ sai, muốn phải hoàn hảo, nên cảm thấy áp lực khi chưa được thuần thạo. Ví dụ như việc học bơi, lúc đầu khi chưa thuần thạo con cũng khóc bảo không muốn đi, nên anh mới thường xuyên đưa con đi tập riêng hàng tuần để con có thời gian tự luyện tập, khi thành thạo rồi thì con mới tự tin hơn khi lên lớp. Cái quan trọng vẫn là giúp con nâng cao sự tự tin.”

Mình lại cảm động hai giây. Tự cảm thấy hổ thẹn với sự nóng giận thiếu kiên nhẫn của bản thân.

4.
Cuối tuần, cả nhà ngồi tô tô vẽ vẽ.

Mình hỏi: “Anna, con nghĩ xem gia đình để làm gì?” (“What do you think family is for?”)

Con: “Con không biết.”

Mình: “Con cứ đoán đi.”

Con: “Có phải để chăm sóc con không?”

Mình tủm tỉm hỏi lại: “Vậy con nghĩ có gia đình là để chăm sóc con?”

Chồng liền nhảy vào: “Anh thấy trả lời thế cũng không có sai.”

Mình liếc chồng: “Đó là câu trả lời của con, còn câu trả lời của anh thì sao?”

Chồng nghĩ nghĩ rồi bảo: “Gia đình vốn là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế gia đình tồn tại là để gắn kết và yêu thương nhau. Cha yêu mẹ, mẹ yêu cha, và đứa con là kết quả của tình yêu đó.”

Hỏi thêm mới biết đây là điều ảnh đang đọc trong cuốn sách về chủ đề Tôn Giáo khó nhằn của ảnh.
=> Đây là một người thích đọc sách và làm theo sách.

5.

Mình thích cái cảm giác như vậy trong mối quan hệ, cảm giác mình luôn học hỏi được nhiều điều từ đối phương, cảm giác người mình yêu là một người trưởng thành và có trách nhiệm, là một người thường xuyên khiến mình phải rung rinh vì những lời ảnh nói, những điều ảnh làm.

Bao nhiêu năm rồi vẫn không hề thay đổi, khi cuộc sống dễ dàng, khi cuộc sống khó khăn. Càng ở lâu bên nhau thì mình càng thấy, người này khiến mình cảm phục rất nhiều.

❤️

—-
P/S Ảnh: Tắm xong, ba sấy tóc, con đọc sách.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!