Giúp con vượt qua cảm xúc giận dỗi

Hôm nay con gái bị ba mắng.

Mọi chuyện bắt đầu từ việc mình bị say xe muốn yên lặng nằm nghỉ trên ghế. Con gái ngồi ghế kế bên ăn ngũ cốc liên tục đạp chiếc ghế tạo ra âm thanh. Mình bảo lần đầu: “Mẹ mệt lắm cần chút yên tĩnh, con đừng đạp ghế nữa nhé.” thì con không nghe. Mình bảo lần hai thì con coi đó làm trò chơi càng đạp mạnh hơn. Mình tiếp tục nhẹ nhàng bảo con, nhưng con càng làm ngược lại.

Khi mình mệt quá chưa biết xử trí tiếp thế nào thì chồng bước từ phòng bếp vào, giọng rất nghiêm: “Anna, mẹ đang mệt, mẹ đã bảo con không đạp ghế nữa mà. Con cần phải nghe lời mẹ nói chứ.”

Chồng mình vốn là người rất nhẹ nhàng, đối với con có một sự nhẫn nại đặc biệt. Chồng luôn cố gắng hiểu cảm giác và suy nghĩ của con trong những tình huống khác nhau để cư xử cho phù hợp. Nếu hành động ngỗ nghịch của con xuất phát từ việc con mệt hay đói, chồng thường nhẹ nhàng hơn vì biết cái nguyên nhân sâu xa là cái sự mệt và đói kia chứ không phải là cố ý ngỗ nghịch. Trong những tình huống mệt đói này, có mắng mỏ cũng chỉ làm tình huống xấu thêm, chứ con không có sức lực và tinh thần để tiếp nhận sự dạy dỗ của cha mẹ.

Tuy nhiên, trong những tình huống mà con đơn thuần là ương bướng cố tình làm trái ý người lớn để thử giới hạn của hành vi, chồng thường rất nghiêm. Không tới mức độ quát nhưng sẽ nghiêm giọng chỉ cho con biết hành động của con trong tình huống đó là không đúng, cho con biết đó là điều nghiêm túc mà con cần phải lắng nghe và cân nhắc.

Con gái bị mắng thì oà khóc rồi giận dỗi chạy lên phòng. Hai vợ chồng mình bàn nhau, thống nhất là trong trường hợp này cả hai sẽ không lên phòng dỗ dành con mà để con có thời gian tự bình tĩnh lại và nhìn nhận hành động của mình. Hai vợ chồng vì thế coi như bình thường, tiếp tục làm các hoạt động trong ngày.

Con ở trong phòng rấm rứt khóc. Khóc chừng 10 phút không thấy ai lên dỗ mình thì bắt đầu mon men đi xuống nhà, vẫn vừa đi vừa khóc nhằm gây sự chú ý của ba mẹ. Khi thấy ba mẹ ngồi trong phòng khách thì lấp ló ở cửa, vừa khóc lóc vừa đẩy đẩy cửa tạo sự chú ý.

Lúc này mình liền vẫy vẫy tay bảo: “Nếu con muốn mẹ ôm thì vào đây ngồi lòng mẹ.” Mình muốn cho con biết là dù ba mẹ mắng con nhưng ba mẹ yêu con và vẫn ở đây đợi con.

Con thấy nhận được sự chú ý thì liền chạy lại lên gác. Xong không thấy ai chạy theo lại đi xuống lấp ló ở cửa.

Cứ như thế một vài lần, cuối cùng mình quyết định đã đến lúc nói chuyện nghiêm túc hơn, nên cất lời bảo:

“Anna, con đừng chạy lên gác làm gì nữa vì ba mẹ sẽ không chạy theo dỗ con. Mẹ biết là con đang cảm thấy không vui vì bị mắng, con muốn sự chú ý của ba mẹ. Không ai là thích bị mắng cả.”

Trước tiên mình muốn gọi tên cho con biết cảm xúc hiện tại của bản thân là gì, vì sao con lại hành động như vậy, cũng đồng thời muốn cho con biết mình hiểu cảm xúc của con, sau đó mới đi vào phân tích tiếp về tình huống đã xảy ra:

“Tuy nhiên con phải biết là lý do con bị mắng là do con hành động không đúng. Có phải khi con mệt, ba mẹ sẽ chăm sóc con, giúp con bớt mệt có phải không? Thế nên khi mẹ mệt, con cũng nên quan tâm, và giúp mẹ bớt mệt. Đúng là có nhiều lúc chúng ta có thể đùa, nhưng khi người khác mệt mỏi thì chúng ta không nên đùa quá chớn.”

Rồi sau đó mình giải thích thêm về việc mắng:

“Ba mẹ bảo cho con biết điều gì đúng điều gì sai vì ba mẹ quan tâm tới con. Ba mẹ nói với con như vậy cũng là vì ba mẹ yêu con và muốn hướng dẫn cho con biết đúng sai phải trái. Có nhiều đứa trẻ ngoài kia không được ba mẹ chúng quan tâm, không ai nói cho chúng biết thế nào là đúng và thế nào là sai, và vì thế mà chúng lớn lên đi sai đường, ném cuộc đời qua cửa sổ.”

Mình cũng phân tích về việc giận dỗi:

“Con khóc lóc giận dỗi như vậy chỉ phí phạm thời giờ của con thôi. Đáng ra con có thể dành thời gian chơi đùa vui vẻ thay vì ngồi khóc. Một ngày trôi qua rất nhanh, chẳng mấy chốc mà mặt trời lặn bây giờ sẽ không còn thời gian chơi nữa.”

Và cuối cùng nhấn mạnh lại việc mình yêu con, và chuyện này không có ảnh hưởng gì tới tình yêu của mình cho con:

“Mẹ muốn con biết rằng ba mẹ yêu con. Giờ ba mẹ sẽ không chạy theo con dỗ dành con. Nhưng mà mẹ luôn ở đây sẵn sàng để ôm con vào lòng.”

Mình là người tin vào sức mạnh của đối thoại, và việc dạy dỗ hàng ngày qua những cuộc đối thoại có chiều sâu với con. Phần lớn thời gian khi mình nói chuyện với con, dù con có thể không hiểu hết, nhưng đều có sự tiếp nhận và quan tâm tới những lời mình nói. Mình thường gắng chọn thời điểm phù hợp khi con có hứng thú lắng nghe. Lần này, con khá tò mò về việc tại sao một số đứa trẻ lớn lên không nghe lời bố mẹ lại đi sai đường, vậy là mình lại giải thích thêm một chút về điều đó, lấy thêm một số ví dụ. Và khi con hỏi vậy mình biết mình đã lấy được sự chú ý của con và con đã bắt đầu vượt qua được cảm xúc giận dỗi của bản thân.

Mình biết có người sẽ nói con mình chắc thuộc dạng dễ bảo, chứ có những đứa trẻ khác chẳng kiên nhẫn nghe hết lời cha mẹ. Mình thừa nhận tính cách mỗi đứa trẻ mỗi khác, cách dạy dỗ đối thoại vì thế cần sự linh hoạt biến đổi cho phù hợp. Tuy nhiên mình nghĩ việc một đứa trẻ có dễ bảo hay không có phần nhiều do cha mẹ có dành thời gian quan tâm bảo ban chúng từ tấm bé hay không.

Dạy dỗ trẻ không phải là bộ môn khoa học chính xác, và cha mẹ không phải người hoàn hảo nên sẽ có lúc đúng có lúc sai, phương pháp dạy dỗ có lúc hiệu quả có lúc không hiệu quả. Tuy nhiên có một số điều mình luôn cố gắng thực hiện đó là:

• Mình luôn quan tâm chú ý để có thể giúp con nhận biết các ứng xử đúng từ sớm, trước khi một hành vi nhỏ phát triển thành thói quen xấu. Điều này khiến việc dạy con bớt vất vả hơn rất nhiều. Ví dụ đơn giản là việc ăn vạ mè nheo đòi hỏi, ngay từ khi con hơn 1 tuổi, gần 2 tuổi, mình đã dạy con khóc lóc đòi hỏi không có tác dụng, và nhờ thế nào mà con mình tuyệt nhiên không có chuyện ăn vạ.

• Mình đặc biệt chú ý quan tâm tới cảm xúc và cách suy nghĩ của con để đảm bảo cách dạy dỗ của mình phù hợp, không mang tính áp đặt. Ví dụ, mình chú ý một hành động gì đó của con mà mình không hiểu rõ lý do, mình sẽ tìm cách khuyến khích con nói cho mình biết, và đặt mình vào hoàn cảnh và tính cách của con trước khi đưa ra lời khuyên hay lời dạy bảo.

• Mình cố gắng dành nhiều thời gian nói chuyện với con hàng ngày. Mình nhận thấy con mình thường cởi mở hơn vào buổi tối trước khi đi ngủ, nên mình sẽ dành nhiều thời gian nằm xuống tâm sự với con vào khoảng thời gian đó. Và trong những buổi nói chuyện này, không chỉ nói về các điều con đã làm hàng ngày, mà còn nói về suy nghĩ và cảm xúc.

• Mình thường thử một phương pháp dạy dỗ mà mình cho là phù hợp với hoàn cảnh. Tuy nhiên nếu phương pháp không thành công, mình sẽ suy nghĩ, đọc thêm, tìm hiểu thêm, để xem có cách nào khác hiệu quả hơn, chứ nhất quyết không bao giờ bỏ cuộc.

• Và mình sẽ thảo luận với chồng để đảm bảo hai vợ chồng thống nhất và nhất quán.

Dạy con là một con đường dài, và chắc chắn có lúc con đường này sẽ không hề dễ dàng gì. Tuy nhiên mình tin nếu mình dành đủ thời gian chủ động suy nghĩ về cách dạy dỗ sao cho phù hợp, không ngừng quan tâm trò chuyện làm bạn với con, dành cho con sự yêu thương và tôn trọng, thì con đường đó sẽ luôn nở đầy hoa đẹp.

🌸

——
P/S: Ảnh hai ba con ngồi chơi dán giấy làm đồ thủ công. Đây là hoạt động thường nhật. Anh ba dành rất nhiều thời gian hàng ngày để chơi với con và dạy con học.

👉Link tới các bài dạy con khác: Dạy con
👉Link tới giới thiệu về mình cho bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!