Không dỗ trẻ em bằng kẹo ngọt

1.

Hôm trước mình xem một bộ phim Hàn có cảnh đứa bé bị vấp ngã khóc hu hu, một người lớn liền chạy lại đưa cho đứa nhóc một cây kẹo. Phải nói đây là một cảnh thường thấy trong phim và cũng thường thấy ngoài đời.

Thực ra đây là một điều không nên làm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng dỗ trẻ bằng đồ ăn có thể dẫn tới “emotional eating” khi trẻ lớn lên, hay còn gọi là giải tỏa tâm lý bằng đồ ăn, dẫn tới béo phì và bệnh tâm lý rối loạn ăn uống như là “binge eating” (ăn vô độ) hoặc “bulimia” (ăn rồi ói ra).

Chắc mọi người đã nghe nói không nên “đánh chừa” như các cụ mình vẫn làm vì trẻ sẽ học thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tuy nhiên cũng không nên nói “Đừng khóc nữa” hay “Nín đi”, vì trẻ sẽ ngay lập tức nghĩ rằng ba mẹ không hiểu cảm giác của mình và càng bướng bỉnh hơn.

Khi yêu cầu con ngừng khóc như vậy, ba mẹ đã gián tiếp bảo với con là cảm giác của con không quan trọng. Nhiều đứa trẻ vì thế lớn lên không hiểu cảm xúc của bản thân, không biết cách kiểm soát và giải tỏa cảm xúc, về lâu về dài không thể hình thành và duy trì các mối quan hệ.

Một điều không nên làm nữa là đánh lạc hướng sự chú ý của con khỏi cảm giác tiêu cực thay vì đối mặt với nó. Ví dụ, khi con bực bội vì thử mãi mà vẫn không thể tự mặc quần áo được, hay cáu gắt vì không thích món ăn nào đó, đưa cho con một món đồ chơi để làm con quên đi cảm giác bực bội cáu gắt là đánh lạc hướng. Mặc dù đánh lạc hướng có thể khá hiệu quả trong việc dỗ con, nó tước đi cơ hội để con học cách nhận biết và điều chỉnh cảm xúc của bản thân.

2.

Vậy ba mẹ nên làm gì, nói gì khi con khóc lóc, cáu gắt, bực bội, giận dỗi?

Đầu tiên ba mẹ phải đảm bảo tâm trạng của bản thân ổn định không bực bội cáu gắt. Càng nóng nẩy thì càng khó để dạy con. Nếu thấy mình đang trong cơn nóng giận, tốt nhất chạy ra ngoài hít thở vài ba cái bình tĩnh trở lại đã rồi mới quay vào dạy con.

Khi đã sẵn sàng, ba mẹ có thể thử làm và nói những điều sau, cố gắng duy trì tông giọng thấp nhỏ nhẹ, nét mặt ôn hòa trong quá trình.

• Ôm con hoặc cầm lấy tay con nhẹ nhàng nói: “Ba/mẹ yêu con. Có ba/mẹ ở đây với con.” Một cái ôm, một cái nắm tay sẽ giúp ba mẹ kết nối với con, và giúp con bình tĩnh hơn.

• Đặt mình vào vị trí của con để cảm nhận, thể hiện sự thấu cảm qua lời nói và giúp con gọi tên cảm xúc: “Ba/mẹ hiểu là con đang rất buồn/ thất vọng/ sợ hãi/ lo lắng vì… Nếu ba/mẹ ở trong vị trí của con thì ba/mẹ cũng cảm thấy buồn/ thất vọng/ sợ hãi/ lo lắng như vậy.”

• Nếu không hiểu vì sao con khóc, bực bội, thì ba mẹ nên nói chuyện với con tới khi hiểu rõ lý do: “Ba/mẹ có thể thấy là có điều gì đó làm con khó chịu bực bội, nhưng mà ba/mẹ không biết là con cần gì. Con có thể giúp ba/mẹ hiểu được không?” Nếu con không thể nói cụ thể, thì ba mẹ có thể đoán: “Con bực bội có phải là vì…”

• Sau đó cùng con tìm cách giải quyết vấn đề: “Mình cùng nhau tìm cách giải quyết cho vấn đề này nhé.” Tuy nhiên, ba/mẹ tuyệt đối không nên làm hộ con, nếu có thể nên hỏi và gợi ý để con ra phương án và tự giải quyết, ví dụ, nếu con nói là con đói/mệt, thì ba mẹ có thể hỏi: “Con nghĩ là con cần phải làm gì để giúp con hết đói/mệt?

• Nếu con cố làm một cái gì đó mà mãi không được tạo ra sự bực bội, thì có thể bảo con: “Mình hãy nghỉ ngơi một chút rồi thử lại sau nhé.” Đây là cách dạy cho con biết thi thoảng cách tốt nhất là dừng tay, lấy lại cân bằng và thử lại sau.

• Và trong nhiều tình huống, đơn giản cái con cần trước hết là một cái ôm một cái nắm tay trong yên lặng, để con khóc ra hết sự sợ hãi hay là vượt qua cái đau, rồi sau đó mới là quá trình gọi tên cảm xúc và giải quyết vấn đề.

3.

Tất nhiên không phải tình huống nào cũng giống tình huống nào, và nhiều khi ba mẹ có thể phải thử nhiều lần mới thấy được hiệu quả. Tuy nhiên, nếu ba mẹ kiên trì, dần dần sự thấu cảm với con sẽ trở thành bản năng, và ba mẹ sẽ thấy rõ được sự tiến triển về mặt cảm xúc trong mối quan hệ với con của mình. Ba mẹ sẽ thấy gần và hiểu con hơn. Con cũng sẽ thấy gần gũi gắn kết với ba mẹ hơn.

Mọi người có thể đọc thêm càng bài viết trước mình viết về chủ đề này trong tình huống cụ thể ở link dưới đây:

• Giúp con vượt qua cảm xúc giận dỗi: Facebook| Web:

• Ví dụ về việc cho con một không gian an toàn để khóc: Facebook | Web


👉 Link tới các bài viết khác về chủ đề dạy con
👉 Link tới giới thiệu về mình cho bạn đọc mới của blog.
👉 Link tới Instagram của mình.
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” của mình về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki | Shopee 1 | Shopee 2

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!