Làm thế nào để đạt IELTS Speaking 8.0 dù không có năng khiếu

Gần đây mình mới làm một Vlog về chủ đề học tiếng Anh nói, cụ thể là chia sẻ kinh nghiệm đạt IELTS Speaking 8.0 của mình. Mình xin đăng lại nội dung chia sẻ trong bài viết này cho bạn nào không có thời gian xem video.

Để cho các bạn thấy rõ cái độ không có một chút năng khiếu nào của mình, mình xin kể sơ qua một vài ví dụ trình độ nói tiếng Anh của mình.

Ngày xưa, hồi cấp ba mình lọt được vào lớp chuyên Anh, nhưng thi chuyên đâu có thi nói, mà mình lọt vào lớp cũng chót bảng thôi, mẹ mình bảo đi xem điểm cho con mà tí rớt tim, xem hết cả danh sách chả thấy tên con mình đâu, may quá xem đến cuối chót thì thấy tên con mình.

Đấy, mang tiếng học lớp chuyên Anh nhé, giữa ban ngày ban mặt, giờ tan học, đứng ngay giữa cổng trường cầm tờ giấy vẫy vẫy, hét tướng lên gọi cô giáo chủ nhiệm: “Cô ơi, cháu mang cái này ra hàng máy phắc cô nhé!” À, tức là hàng máy fax, fax. Xong sang Anh, đi học lớp tiếng Anh được ba tháng rồi mà vẫn “jellow” thay vì “yellow”. Đến bây giờ mang tiếng hơn 15 năm ở Anh rồi mà vẫn không phân biệt được “shit” hay “sheet” dù tập luyện tới trẹo cả lưỡi sái cả hàm. Bực cái làm đúng cái ngành kế toán, này nào đến chỗ làm cũng phải làm “spreadsheet”, thế là mỗi nhắc đến đều phải kéo dài hết công lực, hoặc là tránh hẳn nói từ khác như là “file”, “working paper”, “model”… Mắc mệt!

Có một sự thực phũ phàng mà phải chấp nhận thôi, đó là con người sinh ra vốn không công bằng, có người nghe một cái nhắc lại được ngay, âm thanh tuôn ra như chim bay bướm lượn. Có người chẳng han như mình đây, đã điếc đặc âm từ thì chớ, nghe mười lần như một chẳng hiểu người ta nói gì, khi nói ra, người ta còn tưởng mình nói tiếng Cam Thổ Mã Mường. Nhưng đây chính là lúc không nên để cái sự thiếu năng khiếu, thiếu công bằng từ trong bụng mẹ, nó cản bước chân mình.

Chắc giờ các bạn đang lẩm bẩm, cái chị này chỉ có nói điêu, ngu tiếng Anh thế làm gì có nước được IELTS 8.0. À, có khi giờ có bạn còn gọi mình bằng cô ấy nhỉ. Có vài bạn học sinh cấp ba ghé thăm blog của mình gọi mình bằng cô làm mình tí tụt huyết áp.

Thôi, giới thiệu dài dòng thế đủ rồi nhé, để mình đi thẳng vào vấn đề luôn nhé. Vậy làm thế nào mà một đứa ngu tiếng Anh như mình đạt được IELTS 8.0?

1. Kệ

Thứ nhất là KỆ.

Kệ cái gì? Đó là kệ vo ve tiếng nói người đời.

Mình ngày xưa ấy, hồi đó học lớp 11 Anh, có dịp giao lưu với lớp 10 Anh, mình hí hửng lớp, chót phọt ra cái câu tiếng Anh gì đấy. Đứa bạn cùng lớp đứng bên cạnh phang cho một câu rất phũ: “Thôi, mày đừng nói tiếng Anh nữa đi, nói như mày làm xấu mặt lớp Anh.”

Lúc đấy da mặt mình vẫn còn mỏng, mình xấu hổ im luôn, không dám ho he. Từ đấy nó trở thành cái mặc định trong đầu mình là mình nói dở, tốt nhất không nên nói. Vậy là đã dốt càng trở nên dốt hơn, nó trở thành cái vòng luẩn quẩn.

Chỉ đến khi da mặt mình nó dày hơn, mình kệ hết nhà chúng nó thì mình mới bắt đầu khá hơn được.

Vì thế lời khuyên đầu tiên cho những bạn kém năng khiếu như mình là:

Kệ!

Chúng nó nói gì thì kệ chúng nó,

Chúng nó cười gì thì kệ chúng nó,

Mình cứ thế mà bắn thôi.

Chê chứ gì, KỆ!

2. Thông

Thông trong “tinh thông”, tinh thông cách kiểm tra, tinh thông các mẫu câu hỏi thường gặp trong bài thi. Đi thi mà không chuẩn bị từ trước thì chẳng khác nào muốn ăn cơm mà không mua gạo mua nồi, kiểu đấy thì chỉ có chết đói.

Bây giờ sách vở có đầy, trong sách không đủ thì lên mạng google. Mình google thử cụm “common questions in IELTS speaking” ra cả một đống trang đây này.

Ví dụ: “Where is your hometown?”

Câu này giờ sang Anh người ta cũng hỏi nhiều đấy. Mình quê Hải Phòng, mình thường trả lời: “My hometown is called haiphong, which is between Hanoi and Halong bay.” Bên này ai cũng biết Hà Nội với vịnh Hạ Long, chả ai biết Hải Phòng ở đâu.

Nói chung cho mỗi câu hỏi cứ chuẩn bị vài ba câu nói là được rồi, cũng chẳng cần phải sâu sắc thông minh gì quá đâu. Hội thoại hàng ngày thôi, chứ có phải làm luận án tiến sỹ đâu mà cần chỉn chu cao siêu.

3. Luyện

Luyện! Luyện! Luyện!

Rất tiếc là không có đường tắt. Càng thiếu năng khiếu thì càng phải luyện nhiều hơn.

Các luyện tập mình thích nhất là đứng trước gương tự nói với mình. Chọn một câu hỏi hay chủ đề nào đó xong cứ nói luyên thuyên thôi. Nếu thích thì có thể viết sẵn câu hỏi ra một cái tờ bìa nho nhỏ, thi thoảng rảnh rỗi, ngồi một mình lại rút một tấm ra mà nói. Nếu có thể thì nên ghi âm lại để nghe xem cách nói chuyện của mình thế nào, có ổn không.

Mình xin được giới thiệu app luyện âm English Business Speech. App này thì ngày xưa mình không biết tới đâu, nhưng mà giờ sử dụng một vài bài thấy khá thích. App này không miễn phí, phải trả £7.99, do cô giáo dạy luyện âm của mình giới thiệu.

4. Vênh

Vênh trong “Vênh váo”. Thực ra là vênh váo thì cũng hơi quá, đúng hơn là “bình tĩnh tự tin”.

Cái phong thái bước phòng thi nó rất là quan trọng. Nếu mình lo lắng rụt rè, nó không chỉ ảnh hưởng tâm lý của bản thân mà còn ảnh hưởng tới sự đánh giá của người phỏng vấn đối với mình.

Vậy làm thế nào để tự tin? Nếu bạn đã làm đủ 3 điều trên: Kệ, Thông và Luyện thì tự khắc cái vênh nó sẽ tới.

À, dù vênh cũng không nên quên chào hỏi xã giao vài câu trước khi bắt đầu nhé.

Nếu mình tự tin thoải mái thể hiện mình cũng biết xã giao chào hỏi, người ta sẽ có thiện cảm hơn. Ngày đó mình bước vào phòng thi với tâm thế rất thoải mái, vào một cái là chào hỏi “How are you?” với người phỏng vấn, còn bình luận thêm vài câu về thời tiết: “It’s so hot today, I’m glad you have air-conditioner here.” Cái người ta kiểm tra ở đây là liệu mình có đủ trình độ để đối thoại hàng ngày bằng ngôn ngữ tiếng Anh hay không. Vì thế mình cứ nói chuyện bình thường với người phỏng vấn như một người lạ mới gặp muốn tìm hiểu thêm về mình mà thôi.

Tóm lại, khi bước chân vào phòng thi, bạn cứ ưỡn ngực ngửng đầu cằm nâng 45 độ từ mặt đất mà tiến, nhưng đừng quên lịch sự chào hỏi xã giao nhé!

5. Liều

Điều cuối cùng là “Liều”.

Liều là sao?

Liều tức là không biết mình có nói đúng thì không, vẫn nói. Không biết mình có nói đúng ngữ pháp không, vẫn nói. Không biết mình phát âm có chuẩn không, vẫn nói. Điều này áp dụng cho cả ở trong phòng thi và ngoài phòng thi.

Sự thực thì người Anh ấy, người ta chẳng quan tâm bạn có nói chuẩn chữ s ở cuối câu, hay nói thiếu chứ “a”, chữ “the” ở chỗ nào. Chỉ cần bạn có ý, nói đủ các từ quan trọng trong câu, người ta vẫn hiểu hết. Tất nhiên nói chuẩn được thì vẫn tốt hơn, nhưng nếu không nói chuẩn được, thì vẫn cứ liều mà nói, đừng để điều đó làm bạn rụt rè.

Đặc biệt trong phòng thi, bạn phải nói gì đó thì người ta mới chấm điểm cho bạn được. Nếu bị hỏi vào một câu chưa chuẩn bị, cứ liều mà nói thôi.

À nhưng chớ có áp dụng liều nếu không hiểu câu hỏi nhé. Trả lời trật đề chỉ có ăn con ngỗng. Trong trường hợp này nên từ tốn áp dụng ngay mẫu câu “Can you repeat the question please?”.

Kết

Tóm lại lời khuyên của mình cho mọi người là, dù có thiếu năng khiếu tới đâu thì vẫn có thể đạt được điểm IELTS cao, chỉ cần Kệ – Thông – Luyện – Vênh – Liều!

Mình hi vọng những chia sẻ này nâng cao tinh thần của bạn một chút.

Nếu có đứa nào nó mới chê giọng nói tiếng Anh của bạn, thì bạn cứ quất thẳng vào mặt chúng nó câu này: “KỆ chúng mày, tao đi THÔNG và LUYỆN đây, để tao có thể VÊNH và LIỀU!”

Cố lên nhá!


Mời mọi người đọc thêm các bài về việc học ngôn ngữ ở đây:

http://www.chuyencuangan.com/category/chuyen-hoc-tap/

Đừng quên để lại email để nhận thông báo khi có bài viết mới nhé! Bạn có thể đăng ký ở cuối bài viết này nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi đăng ký, nếu bạn không được email từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).


Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!