Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư

Trong bài viết trước mình đã chia sẻ về những điều cần biết cho những người mới bắt đầu đầu tư chứng khoán. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ một số điều về quản lý rủi ro từ kinh nghiệm và những gì mình tìm hiểu được.

Thị trường chứng khoán từ trước tới cuối năm 2020 chưa bao giờ là chủ đề mình quan tâm. Một phần vì chưa được tiếp xúc hay nghe nói nhiều, một phần khác vì chồng mình làm trong ngân hàng, các hoạt động đầu tư của nhân viên ngân hàng vào thị trường chứng khoán đều bị kiểm tra rất nghiêm ngặt. Mỗi lần đầu tư vào cái gì là chồng mình phải được sự đồng ý của cấp trên, nhiều khi còn phải gửi sang bộ phận khác trong ngân hàng để xin phép. Mình thích đầu tư nhỏ lẻ, chỗ này một tí, chỗ kia một tí, nên cảm thấy cứ phải xin phép mãi rất là phiền phức.

Tuy nhiên tới hồi đầu năm nay, khi tìm hiểu về việc chuyển địa chỉ trang web để có tên miền đẹp, mình tình cờ đọc được các bài viết về chủ đề “Tự do tài chính, nghỉ hưu sớm” (tiếng Anh là FIRE = “Financial Independence, Retire Early“). Rất nhiều bloggers chia sẻ về cách họ đạt được tự do tài chính ở độ tuổi từ 30 tới 40 nhờ thu nhập thụ động từ đầu tư bất động sản, đầu tư vào thị trường chứng khoán và thu nhập từ trang blog của họ. Mình ngay lập tức bị thu hút vì nó cho mình một cái nhìn mới về việc kiếm tiền. Hoá ra không cần phải buôn bán, không cần phải làm ăn, không cần phải khởi nghiệp, vẫn có thể giúp những người làm công ăn lương thu nhập bình thường như mình kiếm đủ tiền để được tự do về mặt tài chính trước tuổi nghỉ hưu. Và thế giới đầu tư bắt đầu mở ra với mình từ đó.

Điều tiện lợi của thế giới kỹ thuật số tiên tiến ngày nay là mình không cần phải có nhiều vốn liếng để bắt đầu việc đầu tư. Mình hoàn toàn có thể bắt đầu với một khoản nhỏ từ £100 (~3tr VND). Chỉ cần mở tài khoản với một platform, bỏ £100 vào, bấm vài nút mua quỹ, mua cổ phiếu là đã có thể bắt đầu con đường đầu tư.

Chắc đọc tới đây có nhiều người sẽ nghĩ, không phải “chơi” cổ phiếu rủi ro lắm sao? Đã nghe biết bao những câu chuyện người này người kia tán gia bại sản vì “chơi” cổ phiếu?

Các bạn nào học kinh tế chắc sẽ biết câu: “There is no free lunch” – “Không có bữa ăn nào mà miễn phí“. Cái gì cũng có cái giá của nó, lời lãi cao thì độ rủi ro đi kèm cũng cao. Đó là lý do vì sao gửi tiết kiệm ngân hàng lại có lãi suất thấp nhất. Nếu đã muốn kiếm lời cao hơn, thì phải chấp nhận độ rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là cứ đầu tư là sẽ có khả năng mất sạch mất hết.

Sau đây là một số điều mình học được giúp mình đầu tư “an toàn” hơn:

1. Khoản tiết kiệm tối thiểu cần có

Cần phải đảm bảo trong tài khoản ngân hàng của mình có đủ tiền để trang trải chi tiêu cho ít nhất sáu tháng đề phòng trường hợp bị mất việc, đau ốm, và không có nguồn thu nhập nào. Điều này không có nghĩa là chỉ tiết kiệm và không đầu tư. Có thể trích ra một khoản từ thu nhập cho việc đầu tư, nhưng vẫn nên tập trung xây dựng một khoản tiết kiệm an toàn trước.

2. Đa dạng hóa đầu tư

Đầu tư vào nhiều lãnh vực khác nhau, trong mỗi lãnh vực lại đầu tư vào nhiều thứ khác nhau. Ví dụ, không nên chỉ đầu tư vào thị trường chứng khoán, mà cũng nên đầu tư vào thị trường bất động sản, thị trường vàng bạc đá quý, trái phiếu, các công ty khởi nghiệp (start-ups), peer to peer lending (dịch sang tiếng Việt là mô hình cho vay ngang hàng, lãi suất trung bình từ 6% tới 12%)…

  • Trong thị trường chứng khoán, tuyệt đối không chỉ dồn tiền vào một vài công ty, mà phải mua nhiều các công ty trong các thị trường khác nhau, và mở rộng ra các loại quỹ đầu tư như trong bài trước “Đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu” mình đã nhắc tới.
  • Khi đầu tư trong thị trường bất động sản, không nên chỉ mua ở một thành phố, cho thuê một loại dân cư. Cũng có thể kết hợp trực tiếp làm chủ nhà cho thuê và làm chủ nhà gián tiếp qua các platform.
  • Khi đầu tư vào các công ty start-ups, nên chọn đủ loại các công ty tech, bán buôn bán lẻ, vận chuyển… Đầu tư vào start-ups cần chú ý tìm hiểu những chương trình được nhà nước hỗ trợ và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
  • Khi tham gia vào peer to peer lending, thì nên sử dụng nhiều platform khác nhau, và mỗi platform thì nên đầu tư vào nhiều đề án khác nhau.

Tóm lại bỏ một ít tiền vào nhiều thứ sẽ an toàn hơn rất nhiều so với bỏ nhiều tiền chỉ vào một vài thứ. Trong những bài sau mình sẽ chia sẻ thêm về cách đầu tư nhỏ vào bất động sản, start-ups và peer to peer lending.

3. Tìm hiểu kỹ càng

Một điều vô cùng quan trọng với việc đầu tư đó là hiểu rõ nguyên tắc hoạt động của mảng đầu tư đó. Mình không nghĩ là người đầu tư cần phải là một chuyên gia tài chính, tuy nhiên, điều tối thiểu là phải hiểu lý do vì sao lợi nhuận lại cao và thấp hơn trung bình, hiểu những cái rủi ro có thể gặp phải, quyết định xem mình có chấp nhận được những rủi ro đó không, và mình sẽ làm thế nào để quản lý những rủi ro đó. Nếu rót tiền vào đầu tư vào một cái gì đó mà không tìm hiểu kỹ càng, thì chẳng khác nào đi đánh bạc, để mặc cho cái may rủi nó dẫn đường.

4. Thử nhỏ trước

Bước trên mình nói cần phải tìm hiểu kỹ càng, tuy nhiên, hoàn toàn có thể bắt đầu bằng việc thử những khoản nho nhỏ trước để phụ giúp quá trình tìm hiểu. Khi cảm thấy thoải mái hơn với mảng này, hiểu rõ nguyên lý hoạt động, thì có lựa chọn bỏ thêm vào hoặc rút hẳn ra.

5. Đầu tư với cái nhìn dài hạn

Investing (đầu tư) rất khác với trading. Trading là mua nhanh bán gọn, kiếm lời trước mắt, đòi hỏi thông thạo thị trường, có tính quyết đoán, kiếm lời nhanh, mà lỗ cũng nhanh. Còn investing (đầu tư) là có tính dài hạn. Mình cần phải nhìn vào xu hướng của thị trường, giá cả trong 10 năm, 20 năm, chứ không chỉ trong vài ngày hay vài tháng. Thị trường chứng khoán đúng là thường xuống rồi lại lên, nhưng không phải là lên đều cho tất cả các công ty. Nhiều công ty lên tới đỉnh điểm giá cổ phiếu, nhưng khi hết thời thì giá xuống không vực dậy được. Tuy nhiên có nhiều công ty hiện giá cổ phiếu hiện giờ có thể thấp, nhưng thực ra lại có tiềm năng phát triển trong nhiều năm tới.

Một khía cạnh khác của việc đầu tư dài hạn là khi mới đầu tư, đặc biệt khi còn trẻ tuổi, đừng vội nghĩ tới thu nhập lấy ra để chi tiêu. Trong giai đoạn đầu nên tập trung phát triển tăng vốn đầu tư. Vốn đầu tư rót vào càng nhiều thì càng nhanh chạm tới mức thu nhập cao. Khi chọn mua quỹ, mình chọn mua quỹ loại Accumulated thay vì quỹ Income vì những quỹ Accumulated sẽ tiếp tục bỏ lãi suất vào quỹ để đầu tư tiếp. Khi mua cổ phiếu cổ phần, lúc mới đầu, mình cũng không chủ động chọn các công ty phát nhiều lãi suất cổ phần cho cổ đông, mà chọn các công ty tập trung vào phát triển lớn mạnh.

Kết

Bên trên là những điều nho nhỏ mình tích lũy được trong giai đoạn tìm hiểu và thử nghiệm. Mình sẽ chia sẻ thêm cụ thể về các cách thức đầu tư khác nhau, và chia sẻ cụ thể về việc mình đầu tư vào những cái gì trong những bài viết tới. Nếu bạn muốn nhận thông báo cho bài viết mới thì hãy đăng ký ở phần “Để lại email để theo dõi blog”.

Phần đăng ký nằm ở cuối bài viết này dưới mục bình luận nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi bấm nút “đăng ký”, nếu bạn không nhận được email yêu cầu xác nhận từ blog, hãy thử kiểm tra thùng thư rác (junk mail). Nếu kiểm tra rồi mà vẫn không thấy gì thì cứ hỏi mình trong phần bình luận dưới bất kỳ bài viết nào.


Disclaimer

Chú ý mình không phải là chuyên gia tài chính, bài viết chủ yếu để chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân và thông tin tìm hiểu được cho mọi người tham khảo. Mình hi vọng là nó có ích cho những bạn nào có hứng thú với việc đầu tư, đặc biệt là đầu tư ở Anh Quốc.

Trên blog của mình có thể có link affiliate trong một số bài viết. Điều này có nghĩa là nếu bạn chọn đăng ký qua link của mình, mình có thể được một ít hoa hồng để trả phí duy trì blog, và bạn sẽ không mất gì cả. Chú ý là đây không phải là blog bán hàng, mình chia sẻ chủ yếu vì sở thích. Nếu có giới thiệu cái gì thì đó là vì mình có sử dụng, thấy hữu ích và muốn chia sẻ với mọi người.

Link tới các bài viết khác

Bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về chủ đề tài chính cá nhân ở link này: https://www.chuyencuangan.com/category/tai-chinh-ca-nhan/

Nếu bạn muốn online kiếm thêm chút tiền bỏ túi trong thời kỳ ở nhà tránh Covid thì có thể đọc thêm bài ở link này: https://www.chuyencuangan.com/kiem-them-chut-thu-nhap-online-voi-20-cogs/

Đây là link giới thiệu về mình cho các bạn đọc mới của blog: https://www.chuyencuangan.com/gioi-thieu/

Link kết nối với mình trên facebook ở đây: https://www.facebook.com/chuyencuangan/

Nguồn ảnh cover: Image by Gerd Altmann from Pixabay

Đừng quên đăng ký ở phần “Để lại email để theo dõi blog” để nhận thông báo khi có bài viết mới! Phần đăng ký nằm ở cuối bài viết này dưới mục bình luận nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi bấm nút “đăng ký”, nếu bạn không nhận được email yêu cầu xác nhận từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).

4 Replies to “Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư”

  1. Mình cũng quan tâm lĩnh vực này lắm nhưng kiến thức còn hạn chế nhiều.
    Mọi người lại hay nói CK ở VN bị bưng bít thông tin, vận hành không theo quy luật nên lại càng ì
    Mong nhận được nhiều chia sẻ và kinh nghiệm của Ngân về mảng đầu tư này nhé.

    1. Cảm ơn Sam để lại lời nhắn cho mình. Mình chắc chắn sẽ chia sẻ nhiều hơn. Sam thử vào các group trên fb xem, mình thấy có nhiều group đông đảo người chia sẻ kinh nghiệm lắm. Mình cũng hay thích vào các group để tìm hiểu. 🙂

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!