Luyện cho cô bé con Anna 5 tuổi ngủ phòng riêng

1. Trong việc dạy con, mình tự thấy mình là người cứng rắn, ví dụ:

Khi con khóc ăn vạ không muốn đeo giày dép đi ra ngoài cùng ba mẹ, mình sẽ không nhảy vào làm hộ mà sẽ kiên trì tới cùng chờ con tự đeo tự làm rồi mới đi ra ngoài.

Khi con than mệt đòi bế chỉ sau 10 phút đi dạo quanh phố, mình sẽ không bế bồng mà bảo: “Mẹ xin lỗi Anna nhé, con bây giờ là cô gái lớn rồi mẹ không thể bế con được nữa. Nếu con mệt thì mình có thể nghỉ chân một vài phút rồi đi tiếp.”

Khi con ngủ dậy buổi sáng không chịu chui ra khỏi chăn, mình không mặc quần áo hộ con, mà sẽ bày đủ trò từ giả vờ nhại giọng làm bạn thỏ hay giả vờ tìm ra một bí mật hay ho gì đó để con tò mò mở mắt chui ra khỏi giường, rồi từ đó mà tự thân vận động thay quần áo.

Đêm hôm qua, đang nằm ngủ, mình chợt lơ mơ cảm thấy có chuyển động bên cạnh mình, sau một loạt tiếng chân bịch bịch, mình nghe thấy tiếng khóc rấm rứt của cô con gái nhỏ từ phòng kế bên.

Cái điều vợ chồng mình lo sợ từ khi bắt đầu tập cho con ngủ riêng hình như đang xảy ra.

2. Từ khi con còn bé xíu, mình đã luôn băn khoăn về việc ngủ chung ngủ riêng. Phần lớn mọi người ở châu Âu đều cho con ngủ phòng riêng từ khi 6 tháng tuổi. Việc ngủ chung thường bị cho là thói quen xấu và không nhiều bậc cha mẹ có thể nói ra với bạn bè là con mình tới gần một tuổi mà vẫn còn ngủ chung giường.

Mình lúc đầu cũng cảm thấy áp lực luyện cho con ngủ riêng, nhưng thử một vài lần mà thấy con khóc quá, thương con, lại chuyển con về phòng mình. Thời điểm này, mình dành rất nhiều thời gian tìm hiểu kỹ càng lý do vì sao lại có văn hóa ngủ riêng đó, việc ngủ riêng ngủ chung có lợi có hại gì.

Đây thường là các mình làm khi cần phải ra quyết định gì đó trong cách nuôi dạy con. Dù mình cứng rắn, mình không phải là người áp đặt một cách phi lý cứng nhắc, đặc biệt càng không phải là người làm điều gì đó vì mọi người quanh mình vẫn đang làm.

Mình muốn phân tích rõ điểm lợi, điểm hại, cân nhắc ảnh hưởng tới tâm lý tính cách của con và hoàn cảnh của riêng mình. Mình đặc biệt có hứng thú với các luận điểm dựa trên các kết quả nghiên cứu, vì dù sao việc gì cũng vậy thường mỗi người một quan điểm, nhưng số liệu sẽ không thể nói dối.

Mình đã viết một bài viết chia sẻ cụ thể về những điều mình cân nhắc cho việc này (link mình để cuối bài), nhưng tóm lại mình quyết định điều phù hợp nhất cho gia đình mình là để con ngủ chung tới khi dừng bú ti mẹ ở 2 tuổi, sau đó chuyển ra giường ngủ riêng ở bên cạnh giường của bố mẹ và chờ cho tới lúc con đủ lớn để chuyển ra ngủ hẳn phòng riêng.

3. Một tháng trước, khi con tròn 5 tuổi rưỡi, vợ chồng mình nhận thấy thời điểm đã chín muồi.    

Nói với con về chuyện mua giường ngủ riêng, con hào hứng hưởng ứng. Vợ chồng mình để con tự chọn một chiếc giường tầng, bên trên là giường, bên dưới có bốn tấm gỗ bốn bên quây thành một ngôi nhà nho nhỏ xinh xinh.

Những ngày đầu tiên, cứ tầm 8 rưỡi tối, hai vợ chồng thay phiên đưa con đi ngủ, đọc sách kể chuyện rồi tắt đèn nằm dưới sàn cạnh giường của con chờ tới con ngủ rồi đi ra. Có hôm con ngủ bên tầng trên, có hôm con ngủ trong ngôi nhà tầng dưới, đêm nào con cũng ngủ qua đêm không có vấn đề gì, tuy nhiên luôn muốn ba mẹ kế bên mình cho tới khi ngủ hẳn.

Vợ chồng bàn với nhau bước tiếp theo là phải luyện làm sao để con tự đi ngủ được mà không cần ba mẹ nằm kế bên.

4. Cơ hội đến nhanh hơn mình nghĩ.

Một vài hôm sau, khi mình đưa con đi ngủ, con hỏi mình: “Mẹ ơi, khi nào con có thể mua cái lồng cho con chuột hamster của con?”

Mình đã hứa để con mua một chú chuột hamster sau Giáng Sinh nếu con có thể tiết kiệm đủ tiền và ba mẹ sẽ mua cái lồng làm quà Giáng Sinh. Tới thời điểm này con đã tiết kiệm đủ.

Mình mỉm cười bảo: “Nếu Anna có thể tự ngủ trong lúc ba mẹ ở dưới nhà trong vòng một tuần, thì mình sẽ có thể chọn lồng để mua này. Con biết đấy khi con đã có con vật nuôi của riêng mình, con sẽ là một cô gái lớn rồi, sẽ tự chăm sóc thú nuôi. Để là một cô gái lớn thì con cũng cần phải tự ngủ nữa, vì đó là chuyện một cô gái lớn thường làm. Vậy con có muốn thử không?”

Con gái nhanh lẹ gật đầu kéo chăn lên sẵn sàng tự đi ngủ, không quên quay sang mẹ nói rất nghiêm túc: “Mẹ nhớ xuống nhà bảo ba điều đó nhé, để ba biết ngày mai còn tập với con.”

Mình thật không giấu nổi một nụ cười. Quả thật, cô gái 5 tuổi rưỡi của tôi đã lớn lắm rồi.

luyện con ngủ phòng riêng

5. Vậy là tới thời điểm đêm hôm qua gần đúng một tuần cô con gái tập tự ngủ. Mình vẫn thiết nghĩ hẳn có một đêm nào đó sẽ nghe thấy tiếng khóc thút thít, và quả thật đêm qua điều đó đã xảy ra.

Vì chồng đã nhảy ra khỏi giường để xử lý tình huống, mình không thức dậy cùng mà năm chờ. Chừng năm phút sau mình nghe thấy tiếng bước chân vào rồi tiếng người luồn vào giường.

Đoán chồng đã dỗ được con nín và đi ngủ lại, mình mắt vẫn còn nhắm lơ mơ quay ra, tay quờ quạng nói lời cảm ơn: “Cảm ơn anh nhé.”

Nhưng vừa dứt lời thì nghe tiếng thút thít vang lên sau lưng, sau đó là cái chân be bé cọ vào người mình.

Mình giật mình ngạc nhiên: “Ủa con cũng ở đây à?”

Chồng giọng mệt mỏi: “Ừ, con bảo bị đau chân. Giờ 4 giờ sáng rồi.”

Hai suy nghĩ vụt lóe lên trong đầu mình:

Chẳng phải là đang muốn con tập ngủ riêng? Nếu cứ ngủ dậy khóc rồi sang ngủ chung với ba mẹ, chẳng may sau này tạo thành thói quen đó thì sao?

Còn chuyện mua cái lồng thì sao, mình đã nói mình sẽ mua nếu con có thể tự ngủ. Nếu mình không mua, con sẽ rất buồn và thất vọng. Nếu mình mua, thì con sẽ học được rằng điều nó làm vốn chẳng liên quan gì tới kết quả, kiểu gì ba mẹ cũng sẽ mua thôi chẳng cần phải cố gắng làm gì.

Trong vòng vài giây, nhớ lại sự hối hận của mình ngày hôm trước khi đã không cương quyết hơn và cũng biết chồng đã mệt lắm rồi, mình quyết định bây giờ tới phiên mình phải “ra tay”.

6. Nghĩ rồi, mình nhẹ trở người quay lại đặt tay lên vai con thì thầm: “Anna yêu của mẹ, chân con đau à?”

Con thút thít gật đầu.

Mình thì thầm tiếp: “Để mẹ đưa con về giường của con, rồi sẽ nằm cạnh bên con xoa chân cho con nhé?”

Cô con gái mếu máo lắc lắc đầu: “Không, con muốn ngủ ở đây cơ.”

Mình tiếp tục: “Con còn nhớ chuyện mua cái lồng cho con hamster không, con đã cố gắng làm rất tốt gần một tuần nay rồi, chỉ còn một ngày nữa là tròn một tuần mình sẽ có thể mua cái lồng. Hay là mình cố gắng thêm một chút con nhỉ?”

Dường như điều này ngay lập tức làm cô gái thay đổi suy nghĩ, cô bé con mở mắt nhìn mình suy nghĩ một chút, rồi gật gật đầu.

Mình cầm tay con chui ra khỏi chăn, rồi hai mẹ con đi vào phòng của con. Mình sắp xếp chuyển chăn của con từ giường tầng trên xuống căn nhà nhỏ bên dưới vì không gian bên dưới ấm cúng và tối hơn dễ chìm lại vào giấc ngủ.

Khi hai mẹ con đã nằm chui rúc trong căn nhà nhỏ xíu ấm cúng ôm nhau rồi, cô con gái thì thầm bảo mẹ: “Mẹ ơi, lúc mình mua cái lồng, mình nhớ phải mua thêm mấy thứ đồ rải ra làm giường cho hamster nữa.”

Mình gật gật xoa đầu cô con gái nhỏ: “Ừ, chắc chắn rồi con. Bây giờ con cố ngủ đi, rồi cuối tuần mẹ con mình sẽ chọn đồ nhé.”

Cô con gái không nói gì thêm.

Chờ thêm một vài phút để biết là con đã ổn rồi, mình liền thơm lên trán con và nhẹ nhàng lên tiếng: “Giờ mẹ quay trở lại phòng của mẹ để đi ngủ tiếp, con nằm ngủ ngon nhé.”

Thấy con chỉ nhẹ gật gật đầu không phản đối gì, mình không khỏi mừng thầm vì sự dễ dàng này.

Sau đó quả thật cô con gái ngủ một lèo tới sáng. Còn ông ba và bà mẹ ở phòng kế bên mới là hai người bị mất giấc, nằm lăn qua lăn lại trằn trọc không ngủ tiếp được, tới sáng hôm sau phải nốc một đống trà và cà phê cho nó tỉnh người.

7. Mình nghĩ tới giờ mình có thể chính thức kết luận việc tập cho con ra ngủ riêng đã chính thức thành công. Giờ mỗi tối rất là nhàn. Sau khi tắm rửa đọc truyện, chỉ cần thơm con chúc ngủ ngon là con có thể tự đi vào giấc ngủ.

Vì hôm trước nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc, hôm nay trong phần cuối này mình xin trả lời một số câu bạn đọc đã hỏi và có thể hỏi.

Nếu mình chưa trả lời hết mọi khía cạnh, mình sẵn sàng nhận thêm các câu hỏi khác nhé. Bất kể là bình luận câu hỏi, góp ý, hay ý kiến trái chiều mình cũng đều rất trân trọng. Mình quả thực rất biết ơn mọi người đã dành thời gian đọc và để lại lời nhắn cho mình.

• Nếu bạn hỏi mình vì sao mình muốn tập cho con ngủ riêng ở 5 tuổi rưỡi?

Đó là vì mình muốn con có cảm giác là mình đã là một cô gái lớn rồi và có không gian riêng cho bản thân mình và tăng cảm giác tự lập.

• Bạn hỏi mình có gì đâu mà phải làm căng chuyện con khóc qua ngủ cùng một đêm, chẳng phải có thêm thời gian với ba mẹ thật là quý giá?

Đúng là có thể ngủ cùng nhau cũng rất là quý giá, nhưng nếu đã quyết định tập ngủ riêng, thì cần phải tôn trọng cái quyết định đó. Mình muốn con học được rằng nếu mình đã ra quyết định làm cái gì, mình nên cố gắng tới cùng và không bỏ cuộc. Có lẽ sau này sẽ là mình nài nỉ để được con cho ngủ chung, nhưng tại giai đoạn này, cái quan trọng hơn là việc tập không bỏ cuộc.

• Bạn bảo mình sao mình cứ làm quá mọi chuyện lên như thế?

Đơn giản là bản thân mình là một con người luôn cố gắng tới cùng và không bỏ cuộc, và mình thấy điều này giúp mình rất nhiều trong mỗi giai đoạn của cuộc đời mình. Mình không muốn áp đặt lên con mình cách sống của mình, nhưng ít nhất mình cũng muốn trong khả năng của mình truyền đạt lại một chút điều đó cho con. Con học được và trở thành một người có kỷ luật, có kiên trì, có cố gắng thì điều đó sẽ giúp ích cho cuộc đời của con. Và mình tin rằng tính cách và thói quen của mỗi con người chính là dần được uốn nắn hình thành từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày như vậy.

• Bạn hỏi mình không phải chỉ yêu thương con là đủ sao, tại sao phải cứng rắn?

Yêu thương đúng là điều quan trọng nhất. Và cũng chính vì yêu thương con nên mình mới muốn dạy cho con những đức tính và thói quen sẽ giúp cuộc sống của con sau này dễ dàng hơn.

Mình là người cứng rắn, nhưng không có nghĩa mình thể hiện sự cứng rắn qua mắng mỏ quát tháo hay hà khắc. Sự thật là mình chưa từng bao giờ quát con một lần. Mình có thể nghiêm giọng nhắc nhở khi thấy con làm gì đó không đúng, nhưng trong mỗi tình huống mình đều phải quan sát cảm giác, suy nghĩ, thể trạng của con, trước khi lựa chọn một phương pháp dạy dỗ nào đó.

Ví dụ hôm trước con mệt ăn vạ vào buổi tối không muốn đi tắm. Anh ba giục cả buổi vẫn không thấy tác dụng gì. Con vẫn ngồi mếu máo trên sàn không chịu cởi quần áo.

Mình chắc chắn không có chuyện sẽ cởi quần áo giùm con.

Mình bảo: “Con gái, mẹ có bí mật này muốn chỉ cho con. Nhưng con không được nói cho ba biết.”

À ha, ngay lập tức nhận được phản hồi. Đôi mắt cô gái đang mệt mỏi mếu máo liền sáng lên: “Gì hả mẹ?”

Mình giả vờ thần bí: “Giờ con phải tắm trước đã rồi sau đó nhân lúc tới lượt ba tắm, mẹ sẽ đưa con xuống nhà để chỉ cho con xem, nhưng mình phải nhanh lẹ để ba không phát hiện ra.”

Quả nhiên cô gái vô cùng thích thú với trò “xem đồ bí mật” này. Ngay lập tức tự động cởi quần cởi áo xung phong đi tắm, lại còn vừa tự làm vừa mủm mỉm cười tỏ vẻ bí mật với anh ba. Vậy là không khí gia đình từ nặng nề chán nản, chuyển sang vui vẻ nghịch ngợm cười đùa.

(Và cái bí mật của mình đơn thuần là cho con xem cái đống truyện tranh của mình được giấu kín sâu bên trong kệ sách.)

• Câu hỏi cuối cùng: Mình nghĩ thế nào khi có thể bị cho là dở hơi?

Câu trả lời là: Mình cũng nghĩ mình dở hơi thế nên không có gì để bao biện :D.  

Thậm chí còn có cả bằng chứng.

Thường những người bị cho là “dở hơi” là những người có suy nghĩ khác với số đông, hay nói cách khác là bị số đông cho là bất thường.

Hôm trước mình làm một bài trắc nhiệm tâm lý ở chỗ làm cùng với một đội các đồng nghiệp khác. Trong khi phần lớn mọi người được xếp vào nhóm tính cách “Observer” (“Người quan sát”), “Coordinator” (“Người phối hợp”) và “Supporter” (“Người ủng hộ”).

Riêng một mình đứng trong nhóm tính cách “Creative Reformer” (“Người cải cách sáng tạo”).

Thế là đủ biết mình khác người thế nào rồi nhé. 😀

Thực ra trên đời này không có một khuôn mẫu cho việc dạy con vì mỗi đứa trẻ lại rất khác nhau và mỗi người cha người mẹ cũng là những cá thể riêng biệt với hoàn cảnh khác nhau. Mình luôn cân nhắc kỹ càng hoàn cảnh của mình và tính cách phản ứng của con mình để ra phương án cho phù hợp.


Mình hi vọng bài viết trên hữu ích cho bạn nào có quan tâm tới chủ đề dạy con. Dưới đây là một số link liên quan:

👉 Link giới thiệu về mình cho những bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua sách “Dấu yêu Cambridge” của mình về truyện tình yêu tình bạn tại trường đại học Cambridge (Anh Quốc) nơi mình từng theo học: Tiki | NXB Kim Đồng | Shopee Miền Nam| Shopee Miền Bắc
👉 Link tới sách trên Goodreads: Goodreads

Ngân Jones @chuyencuangan

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!