Một vài điều quan sát về cuộc sống ở Luân Đôn

Hiện mình đang rảnh rỗi chút (vì vậy mà mới ra bài tèng tèng), mình lên hứng tổng kết hỗn lộn một số thứ mình quan sát được về cuộc sống ở Luân Đôn sau 7 năm sống ở đây, chia sẻ vui với mọi người nhé.

1. Văn bằng đại học không nhất thiết phải liên quan tới ngành học sau này. Điển hình em mình học Tâm Lý sau này ra làm Ngân Hàng. Trong ngành Kiểm Toán của mình, hỗn lộn thập cẩm các ngành học không mấy liên quan như là Lịch Sử, Ngôn Ngữ, Địa Lý, Chính Trị. Ra trường họ huấn luyện hết lại từ đầu.

2. Không cần học đại học cũng có thể kiếm việc được ở các ngân hàng và công ty kiểm toán lớn, vì họ có chương trình riêng dành cho học sinh tốt nghiệp cấp ba. Năm mình bắt đầu vào làm ở công ty kiểm toán của mình (23 tuổi), có một cậu kém mình một tuổi mà đã làm tới chức đội trưởng vì cậu ấy không học đại học mà đi làm luôn sau cấp ba. Rồi thêm một, hai năm nữa, khi mình vẫn lẹt đẹt chưa học xong bằng kiểm toán thì cậu ấy đã lên chức quản lý ở tuổi 24. Theo cái đà tiền học ngày một đắt đỏ hơn, ở Anh có khả năng là sẽ nhiều người bỏ không học đại học nữa.

3. Trung bình ở Luân Đôn, trong ngành tài chính, lương tháng khởi điểm lúc mới ra trường là tầm từ £2,500 (90 triệu) trước thuế. Sau thuế thì là £2,000 (60 triệu). Tiền thuê nhà (một phòng trong căn hộ chung với người khác) trung bình là tầm £800, tiền điện nước thuế nhà £100, tiền đi lại £200, tiền ăn £300, thêm các chi phí khác, nếu rất tích kiệm chắc còn dư được £400 (12 triệu). Sau đó lương tháng sau thuế sẽ tăng lên từ £2,000 tới £3,000 sau 3 tới 4 năm, và tới £4,000 hoặc £4,500 sau 7 tới 10 năm đi làm. Có thể sẽ không tăng thêm được nữa tuỳ ngành nghề cụ thể. Chú ý thuế thu nhập lên tới 40% và 45%, rồi còn phải đóng bảo hiểm xã hội và lương hưu nên trước và sau thuế có thể rất khác.

4. Ở trung tâm Luân Đôn, giá căn hộ hai phòng ngủ trung bình là £450,000, nếu là khu đẹp nhà mới xây có thể lên tới £750,000, và khu đắt đỏ nhất là South Kensington có thể lên tới hơn triệu bảng. Một người bình bình mà muốn mua được nhà thường thường, không có sự trợ giúp của người thân thì phải đợi ít nhất 7 tới 10 năm mới tích kiệm đủ tiền đặt cọc và lương đủ cao để vay ngân hàng. Nếu có hai vợ chồng chung vốn chung lương vào thì mất 5 tới 7 năm để mua nhà. Tuy nhiên dần ra vòng ngoài Luân Đôn thì giá nhà sẽ rẻ hơn nhiều. Chính vì thế nhiều cặp vợ chồng khi có con cái sẽ chuyển ra ngoại ô, không chỉ vì không khí trong lành trường học tốt mà một trong số lý do chính là giá cả nhà cửa rẻ hơn hẳn. Cùng một số tiền trong trung tâm Luân Đôn là một căn hộ hai phòng ngủ chật hẹp, viền ngoài trung tâm thì sẽ là một căn nhà 3 tới 4 phòng ngủ với vườn tược xung quanh.

5. Ngành ngân hàng hiện vẫn là ngành hot kiếm được nhiều tiền, đặc biệt trading hoặc M&A banking. Các traders và M&A bankers có thể kiếm tới hàng triệu bảng một năm. Nhưng làm việc thì cũng tối mắt tối mũi tới 10 hay 12 giờ đêm là chuyện thường.

6. Luân Đôn vẫn có rất nhiều người không nhà cửa. Ngay dọc con đường đi làm hàng ngày của mình, đi bộ có 10 phút thôi mà có tới trên dưới chục người vô gia cư nằm lay lắt trên vỉa hè.

7. Rất nhiều người Anh công sở thường tiêu khoảng £3 (90k VND) tới £5 (150k VND), thậm chí có thể hơn, cho bữa sáng bao gồm trà cà phê. Vậy là không chỉ người Việt Nam mới ăn sáng bên ngoài nhé.

8. Tình dục và hẹn hò thường đi đôi với nhau, ngay từ những lần hẹn hò đầu tiên, và thậm chí ngay cả khi đôi bạn trẻ còn chưa chắc chắn có muốn hẹn hò thêm không. Tuy nhiên, những người theo tôn giáo nhất định thì sẽ dè dặt trong chuyện tình dục hơn, và sẽ muốn giữ gìn tình dục cho hôn nhân.

9. Đạo chính ở Anh là Tin Lành. Nhiều người Anh cho rằng họ theo đạo Tin Lành vì bố mẹ họ đi nhà thờ hoặc họ từng đi nhà thờ khi họ bé và bây giờ thi thoảng vẫn đi nhà thờ. Nhưng thực ra không phải cứ đi nhà thờ là người theo đạo Tin Lành. Phải tin vào chúa Giê-su, tin rằng chúa Giê-su là chúa cứu thế, sinh ra để gánh tội lỗi của loài người bằng cái chết trên thập tự giá, thì mới là người có đức tin. Vì vậy phần lớn người Anh gốc Anh hay “nghĩ” là mình theo tôn giáo, nhưng không phải ai cũng có đức tin.

10. Nhiều người cho rằng ông bà ở Tây là rất nhàn hạ, không giống ông bà ở Việt Nam vất vả chăm cháu. Thực ra không hẳn là vậy. Trong mười mẹ mình quen thì sẽ có ít nhất 8 mẹ là có ông bà giúp trông cháu ít nhất 2 tới 3 buổi một tuần. Chỉ khi là ông bà ở xa thì mới không giúp đỡ được gì thôi. Tuy nhiên có lẽ điều khác nhất là khi nhờ ông bà trông, các bố mẹ thường vô cùng biết ơn với sự giúp đỡ này, chứ không cho đấy là điều hiển nhiên hay đấy là nhiệm vụ của ông bà.

Trên đây là 10 điều ngẫu hứng mình điểm ra. Nếu ai có câu hỏi gì cụ thể cứ đánh vào phần bình luận, mình sẽ thêm vào nhé.

*Chú ý là quan sát này phản ánh qua những trải nghiệm và hiểu biết của bản thân chứ không qua thống kê số liệu gì gì cả.

—–

0 Replies to “Một vài điều quan sát về cuộc sống ở Luân Đôn”

    1. Là thuê một phòng trong căn hộ chung đó bạn chứ không phải là cả căn hộ. £800 là thuê được trong trung tâm zone 1 hoặc 2 của London rồi. Mình vừa thêm chi tiết cho nó rõ hơn.

    1. Chị thấy 9 triệu khởi điểm ở VN chắc là tốt phải không em? Vì giá cả ở VN mọi thứ cũng rẻ hơn, nên lương lậu cũng ít hơn. Chị nhớ em gái chị lúc mới ra trường làm ở Vietinbank, lương có 3 triệu một tháng.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!