Trò chuyện với con

1.

Con gái: “Mẹ với ba đang nói gì thế?”

Mẹ: “Mẹ đang bảo ba là có một người này nói chuyện không được lịch sự lắm với mẹ. Nhưng vì mẹ không thân quen gì họ, có thể gọi đối với mẹ họ như là một người lạ, nên mẹ quyết định lờ điều đó đi.”

Con gái: “Tại sao ạ?”

Mẹ: “Vì họ là người lạ, người mà mẹ có lẽ chẳng bao giờ gặp lại nữa, nên mẹ quyết định không để những lời của người lạ làm ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Tuy nhiên, con nên nhớ là nếu những người thân yêu của con ví dụ như ba mẹ hay bạn thân của con ở trường, nếu ai nói gì khiến con phải suy nghĩ phải để tâm, con nên nói cho họ biết cảm nhận của con. Vì thành thật là cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ bền vững và thân thiết.”

2.

Nói về việc đi ra ngoài chơi.

Ba: “Ai muốn đi ra ngoài đi dạo một vòng nào?”

Mẹ giơ tay: “Tui!”

Ba cũng giơ tay: “Tui!”

Con gái lắc đầu: “Con không muốn ra ngoài đâu, con muốn ở nhà cơ.”

Ba: “Nào, ở đây chúng ta có ba người, hai người bỏ phiếu ra ngoài, một người bỏ phiếu không. Hai trên ba là hơn một nửa. Vậy chúng ta sẽ quyết định theo số đông. Đó là chúng ta sẽ ra ngoài đi dạo.”

Con gái xịu mặt.

Ba tiếp: “Con biết đây gọi là gì không? Khi chúng ta bỏ phiếu và chúng ta làm theo quyết định của số đông, đó gọi là chế độ dân chủ (democracy).”

3.

Học về ngôi thứ thứ tự trong gia đình.

Ba: “Con có biết khi nào thì ba sẽ trở thành ông ngoại không?”

Con: “Khi ba lớn tuổi hơn.”

Ba: “Cái đó cũng là một phần nhưng không phải nguyên nhân chính. Ba trở thành ông ngoại khi mà con có em bé và trở thành mẹ. Lúc đó mẹ sẽ trở thành bà ngoại.”

Con gái nhăn nhó: “Con không muốn có em bé đâu.”

Mẹ liền chen vào: “Không sao đâu, con không cần phải có em bé nếu con không muốn. Cơ thể của con, quyết định của con. Ba mẹ không cần phải trở thành ông bà.”

Con gái vẫn nhăn: “Con chẳng muốn có con tí nào. Mẹ có em bé ấy chứ con chẳng muốn.”

Mẹ cười: “Mẹ cũng không muốn có thêm em bé. Cơ thể của mẹ, quyết định của mẹ, và mẹ quyết định rằng mẹ có con là đủ rồi.”

Con suy nghĩ, suy nghĩ.

Mẹ hỏi thêm: “Con biết tại sao mẹ lại quyết định có con không?

Con gái lắc đầu: “Không, tại sao hả mẹ?”

Mẹ lại cười: “Mẹ có con để yêu thương con.”

4.

Nói về chuyện viết lách.

“Mẹ, bao giờ mẹ lại viết sách nữa?”

“Ừm… mẹ cũng chưa biết.”

“Con viết sách có được không?”

“Tất nhiên là được chứ.”

“Nhưng mà con chẳng biết viết gì.” Con gái xịu mặt.

Ba quay sang: “Con có thể viết chuyện dựa trên những điều xảy ra với con, ví dụ như chuyện trường lớp, chuyện con bị con khỉ cào vào tay… Con có thể kết hợp tất cả lại biến tấu nó thành một câu chuyện. Hoặc con có thể viết về những thứ con hoàn toàn tưởng tượng ra không có thật.”

Con gái nhanh nhảu: “Vậy câu chuyện của con sẽ bắt đầu bằng “Tôi thích viết truyện…””

Mẹ gật gù: “À, được đó, rất thú vị. Rồi sao nữa.”

Con tiếp tục ngẫu hứng sáng tác: “Tôi muốn viết trên điện thoại của tôi nhưng mà Simon không để cho tôi viết…”

Con gái sáng tác tới đây thì mẹ đã bắt đầu ngớ ra nhân vật “tôi” ở đây là ai. Chả là nhân vật “tôi” này mấy tháng gần đây hay bị sưng ngón tay, mỗi lần muốn viết lách gì là bị anh chồng (tức Simon) kêu ca cấm đoán đủ điều, và thêm cô con gái làm chân kiểm soát viên rất gắt gao. 😆

Rồi con gái viết tiếp nốt phần còn lại của câu chuyện:

“Khi mà Simon nhìn thấy Ngân ngồi ở bàn máy tính, anh ấy nói: “Em xuống khỏi ghế đi, để anh làm cho.”

Khi mà Simon nhìn thấy Ngân dùng điện thoại, anh ấy nói: “Hãy viết khi ngón tay em khỏe hơn”.” 😂

(Truyện này là thể loại chuyện có thật rồi, chứ không phải là truyện sáng tác nữa).

5.

Những đối thoại như trên thường rất hay xảy ra ở nhà mình. Mình và chồng chưa bao giờ coi con gái là một đứa trẻ con không hiểu chuyện.

Bất cứ khi nào con hỏi: “Ba mẹ vừa nói gì thế?”, là hoặc ba hoặc mẹ sẽ tường thuật lại cho con nội dung câu chuyện. Bất cứ chuyện gì, mình và chồng cũng đều nói với con như một người bạn và luôn tranh thủ sử dụng những tình huống đơn giản để dạy con những khái niệm lớn hơn. Con chưa hiểu gì và hỏi lại, thì tiếp tục giải thích thêm, cho dù chuyện có phức tạp trừu tượng thế nào. Có thể lấy ví dụ về những sự vật sự việc và con người gần gũi với con để giải thích cho con hiểu. Tất nhiên nếu con không có hứng thú biết thêm hỏi thêm, thì mình cũng không ép, lại tiếp tục đợi cơ hội lần sau để trò chuyện thêm nữa.

Đoạn đối thoại 4 ở trên về chuyện viết lách là một ví dụ về cách mình và chồng để ý tới lời con nói và tạo ra cổ vũ khuyến khích khi cần thiết. Mình và chồng luôn chú ý khi con nói “Con không biết phải làm thế nào”, “Con không làm được đâu”… để hội ý ý tưởng với con, để con biết rõ là không có điều gì là không thể làm được.

Đều là những điều tưởng như rất nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhưng ngày qua ngày, tháng qua tháng, nó sẽ dần tạo nên những tác động lớn tới sự hình thành suy nghĩ, tính cách, thói quen và cách tư duy của con.

—-

P/S 1: Bản gốc tiếng Anh của câu chuyện do Anna “sáng tác”:

“I like to write. I would like to write on my phone but Simon doesn’t let me.

When Simon sees Ngan on her computer, he says: “Get off your chair, I will do it for you.”

When Simon sees Ngan on her phone, he says: “Do it when your fingers are better.””

P/S 2:
👉Link tới giới thiệu về mình cho bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki | Shopee 1| Shopee 2

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!