Luân Đôn nơi em tìm thấy anh – Chương 2: Hội thảo cuối tuần

Nhà thờ thỉnh thoảng lại tổ chức một đợt hội thảo cuối tuần hai ngày hai đêm ở vùng ngoại ô Luân Đôn. Đây là dịp để tìm hiểu và thảo luận thêm về kinh thánh, nhưng cũng là để các thành viên biết nhau hơn. Tan giờ làm, tôi vội vã nhảy lên tàu điện ngầm để kịp giờ hẹn với nhóm ở ga tàu Paddington.

Ed và Simon đã đến sớm từ trước, đang đứng nói chuyện với Ying. Ying là cô gái người Hồng Kông nhỏ nhắn với mái tóc dài ngang lưng. Ying cũng tốt nghiệp Cambridge cùng thời gian với tôi, ngành toán học. Với kết quả học tập xuất sắc, cô được nhận vào làm ở một ngân hàng lớn. Ying rất thân thiện dễ gần, và không kém phần hiểu biết. Tôi thấy Ying hơn tôi một bậc ở sự thông minh khéo léo trong giao tiếp. Có nhiều từ lóng, câu chuyện đùa tôi vẫn chưa hiểu hết được nên đôi lúc còn cảm thấy ngại ngùng.

Không lâu sau các thành viên khác có mặt đầy đủ. Mọi người kéo nhau lên tàu. Sau cuộc đi bộ lần trước, tôi cảm thấy Simon cũng dễ nói chuyện, nên cố tình ngồi cạnh anh.

– Anh thích đọc sách à? – Tôi hỏi khi thấy anh lấy ra từ ba lô cái kindle.

– Ừ, thường thì anh thích cầm quyển sách hơn, nhưng mà đi lại thế này thì kindle vẫn là tiện nhất.

Tôi cũng muốn nói chuyện để biết thêm về người bạn mới này. Nhưng vì ngồi với cả nhóm, tôi không biết nói gì hay ho. Suốt cả buổi tôi cứ hỏi han luyên thuyên về cái kindle. Anh rất kiên nhẫn trả lời các câu hỏi dù vớ vẩn đến đâu. Chắc cả cuộc đời anh cũng không bao giờ gặp được người muốn biết cặn kẽ tỉ mỉ về từng cái nút bấm từng chi tiết kỹ thuật trên cái kindle này như tôi.

***

Anh mục sư nói to vào cái microphone sau khi kết thúc bài thuyết trình:

– Buổi chiều là giờ chơi tự do. Các bạn có thể chọn đi dạo, đá bóng, đánh tennis, hoặc có thể ở lại trong sảnh chơi nếu không muốn đi ra ngoài.

Khách sạn De Vere nằm trên một ngọn đồi cao nhìn xuống thung lũng Chess. Toà nhà gạch đỏ với kiến trúc từ thế kỷ thứ 19 nằm giữa một khuôn viên rộng lớn với thảm cỏ xanh rờn khắp mọi nơi. Tôi rảo bước quanh hồ cá trước toà nhà, vẫn còn phân vân suy nghĩ không biết nên tham gia hoạt động gì.

Nhìn qua cửa kính của phòng khách, tôi thấy Simon và Ying đang ngồi nói chuyện. Ying có vẻ vừa nói gì đó thú vị làm anh bật cười. Tôi đẩy cửa bước vào. Vừa lúc đó có cô bạn của Ying gọi cô ra ngoài. Vậy là chỉ còn lại tôi và anh.

Tôi ngồi xuống ghế sofa đối diện anh:

– Anh không tham gia hoạt động gì à?

Anh cười:

– Anh vẫn đang nghĩ chưa biết nên tham gia cái gì.

– Em cũng vậy đấy.

– Anh thích chơi cầu lông, nhưng tiếc là ở đây không có hoạt động này.

Tôi cười thích thú vì anh làm tôi nhớ đến cái duyên của tôi với cầu lông. Tôi vốn không phải người nhanh tay, nhanh mắt. Năm tôi học cấp hai, kiểm tra cuối kỳ môn thể dục là giao cầu qua lưới. Đánh kiểu gì cũng được, miễn là qua lưới. Gần như cả lớp điểm 9, điểm 10. Chỉ có tôi là được 6 điểm, may mắn là vẫn còn được thầy cô nhân nhượng cho trên trung bình.

Lên đại học, thấy người người chơi thể thao, tôi cũng học đòi. Lúc mới tham gia, tôi đánh dở tệ, đánh 10 quả thì trượt 9 quả. Tôi cũng hăng hái lắm, nhưng toàn bị đội trưởng cho ngồi ghế dự bị. Ngồi ngoài xem được một năm, tôi tự thấy tình hình thế này là không được. Tôi cũng muốn được ra sân như người ta chứ không muốn ngồi xem thế này suốt. Tôi quyết định tham gia một khóa học đánh cầu lông ngắn hạn khi tôi về Việt Nam chơi vào mua hè. Tôi cũng chăm chỉ rèn luyện nhiều hơn.

Đúng là có quyết tâm có cố gắng thì cái gì cũng có thể làm được, kể cả với cái đứa không có tí khả năng thể dục thể thao gì như tôi. Đội trưởng bắt đầu cho tôi ra sân nhiều hơn. Thậm chí đến năm cuối tôi còn trở thành đội trưởng của đội 2, đưa đội từ chót của chót bảng lên được đến đầu của bảng cuối trong cúp trường. Mặc dù không phải là chiến thắng vang dội, nhưng cũng gọi là đạt được thành công nhất định.

Tôi bảo anh:

– Em cũng thích chơi cầu lông lắm. Tiếc là lên Luân Đôn không biết chỗ nào để chơi.

– Anh có tham gia một sân cầu lông ở gần Hoxton, là do một người Việt Nam tổ chức đấy. Nếu em thích, anh có thể giúp em đăng ký.

– Thế thì tốt quá. Cám ơn anh. – Tôi nói rất hứng thú với đề nghị này của anh.

Anh cười, chuyển đề tài:

– Em đã thấy quen với công việc chưa?

Cái cách anh chăm chú lắng nghe thực sự làm tôi muốn thành thật nói ra suy nghĩ của mình:

– Em cũng còn chưa quen lắm. Em cảm thấy còn rất mới với công việc, thấy lúc nào cũng phải học hỏi rất nhiều. Mà không biết có phải do em là người nước ngoài và tiếng Anh còn chưa tốt, mà nhiều lúc vẫn thấy hơi lạc lõng, không hoà nhập được vào các câu chuyện của đồng nghiệp.

Anh cười thành tiếng xua tay:

– Em yên tâm, chắc chắn là không phải. Anh sinh ra và lớn lên ở đây mà lúc đầu cũng cảm thấy khó hoà nhập. Tiếng Anh của em hoàn toàn tốt. Cứ dần dần em sẽ quen thôi.

Tôi tò mò hỏi anh:

– Anh có cảm thấy mọi thứ dần tốt lên cho anh không?

Ánh mắt anh có chút trầm ngâm. Anh suy nghĩ một chút rồi nói:

– Anh nghĩ là có lúc lên lúc xuống, giống như là một hình zig-zag. Nhưng hi vọng là cái hướng chung là đi lên.

Anh nói thêm:

– Tuy nhiên anh có hơi chán với công việc hiện tại. Không có nhiều cái để làm lắm. Và anh cũng cảm thấy cần một sự thay đổi trong cuộc sống của mình. Anh đã xin với cấp trên để chuyển sang chi nhánh ở New York.

– Bao giờ anh đi?

– Anh cũng không biết. Bất cứ khi nào mà ở New York cần người là anh sẽ đi.

Chúng tôi cứ thế nói thêm nhiều chuyện khác. Tôi rất ngạc nhiên là anh có rất nhiều sở thích, tính cách và suy nghĩ rất giống tôi mặc dù chúng tôi sinh ra và lớn lên cách nhau gần nửa vòng trái đất.

Từ những cái nhỏ nhặt, ví dụ như là việc chúng tôi đều là dân say xe. Đi tàu điện là phải chọn ghế ngồi đúng hướng đi, ngồi ngược hướng là sẽ thấy khó chịu không yên. Đi ô tô là cấm có đọc được sách vở gì, không nôn mửa là may lắm rồi. Đi tàu thủy là mặt xanh mặt vàng, thế nên càng tránh xa được thì càng tốt.

Cả anh và tôi đều không thích nuôi thú vật trong nhà. Khi tôi còn bé, nhà cũng có chó có mèo. Các em tôi yêu chúng lắm, suốt ngày bế nựng. Không hiểu sao tôi chưa bao giờ thấy đặc biệt cuốn quýt. Tôi cũng hơi ngạc nhiên là anh cũng không thích động vật giống tôi, mặc dù anh lớn lên ở đây, nơi động vật được cưng và bảo vệ hơn ở Việt Nam rất nhiều. Tôi hỏi thì anh bảo:

– Anh thật không thể hiểu nổi động vật, đến con người anh vẫn còn cố để hiểu mà còn chưa được.

Lý luận của anh làm tôi cười phá lên.

Ở đại học, anh cũng như tôi là dân hàng ghế đầu. Tức là những đứa thích học được thầy yêu cô quý, bị liệt vào hàng học nhiều đầu to mắt cận. Khi đến đợt thi cử, bọn bạn lại quây vào mượn tài liệu để ôn.

Chúng tôi đều là người hướng nội. Mặc dù muốn dành thời gian với bạn bè, chúng tôi đều cần phải có thời gian riêng cho chính mình, để nghỉ ngơi, để suy nghĩ, để tĩnh tâm. Chúng tôi không thích tiệc tùng ầm ĩ, cũng không thích làm tâm điểm của sự chú ý.

Tiếng chuông vang lên báo hiệu giờ họp nhóm. Tôi giật mình nhìn đồng hồ, đã hơn hai tiếng trôi qua. Mải mê nói chuyện thời gian trôi nhanh quá. Tôi cảm thấy có chút tiếc nuối vì còn muốn nói chuyện với anh nhiều hơn.

Buổi tối, sau khi sinh hoạt tập thể, nhóm chúng tôi ra khu phòng chung của khách sạn ngồi nói chuyện. Cũng có vài nhóm khác ngồi chơi quanh đấy. Chúng tôi ngồi thành vòng tròn trên sàn. Ed hỏi cả nhóm:

– Mình chơi trò chơi gì không?

Nathan, một bác sỹ thực tập trẻ trong nhóm, đề xuất:

– Hay chơi trò chọc cười nhé. Ai cười trước thì bị loại. Có thể nói bất cứ thứ gì nhưng không được cù nhau.

– Nghe hay đấy. – Mọi người ủng hộ.

Ed bắt đầu kể một chuyện cười. Một hai người trong nhóm bắt đầu rục rịch. Nathan khoa tay múa chân bắt chước tiếng động vật làm Ying lăn ra cười. Cứ thế từng người một bị loại. Cuối cùng chỉ còn tôi và anh. Tôi là đứa dễ cười nhưng không hiểu sao hôm đấy lại trụ lại được. Anh thì không chủ động chọc cười ai. Chiến thuật của anh là yên lặng và tập trung giữ mặt lạnh.

Chúng tôi mặt đối mặt. Tôi bắt đầu làm mặt hề, lè lưỡi, kéo mắt, kéo tai, chun mũi kiểu con heo. Anh cố ngước mắt lên trần, môi bặm lại để không bật cười. Tôi bỗng có dịp nhìn anh thật gần. Dưới ánh đèn vàng loạng choạng, đôi mắt của anh sau cặp kính dày thường ngày đã hiền giờ trông càng hiền hơn. Tôi nhận ra anh có hàng lông mi dài cong vút màu nâu nhạt, nếu không nhìn gần thì sẽ không thấy được. Đôi môi hơi mỏng của anh mím lại làm lộ núm đồng tiền trên má. Cuối cùng anh không kìm được phải bật cười. Tôi bất giác cũng bật cười cùng anh.

***

 

One Reply to “Luân Đôn nơi em tìm thấy anh – Chương 2: Hội thảo cuối tuần”

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!