Hòa nhập cuộc sống ở một vùng đất mới

Đầu tiên mình xin chân thành cảm ơn bạn Thúy Hằng, phóng viên báo Thanh Niên Online, đã viết bài giới thiệu về mình và truyện “Dấu yêu Cambridge”. Nhờ có những câu hỏi thú vị của bạn mà mình có cơ hội suy nghĩ thêm về cuộc sống tại Anh Quốc của mình trong 15 năm qua, đặc biệt quá trình hòa nhập cuộc sống ở vùng đất này để chia sẻ thêm với các bạn đọc của blog. 

làm thế nào để hòa nhập cuộc sống ở một vùng đất mới

Hòa nhập cuộc sống ở một vùng đất mới không phải là một điều dễ dàng, kể cả đối với những đứa trẻ đi du học từ lứa tuổi mười lăm mười sáu như mình. Phần lớn các bạn trẻ đi du học trong một vài năm đầu thường rơi vào trạng thái tâm lý cô đơn lạc lõng không biết mình thuộc về đâu.

Một phần vì bắt đầu rời xa tình hình cuộc sống ở Việt Nam, những mối quan hệ bạn bè cũ vì khoảng cách địa lý mà dần trở nên xa cách. Một phần khác vì còn lạ lẫm với nền văn hóa mới, cuộc sống mới, và chưa tạo dựng được những mối quan hệ thân thiết gần gũi.    

Hòa nhập cuộc sống cũng có nhiều khía cạnh, về đồ ăn, về cách sống, về tư tưởng, về văn hóa. Ngày nay việc hòa nhập có phần dễ dàng hơn vì thế giới đang ngày một trở nên quốc tế hóa, đặc biệt là ở những trung tâm lớn của thế giới như là Luân Đôn hay New York.

Không còn cái gọi là một kiểu đồ ăn duy nhất, một lối sống duy nhất, một văn hóa duy nhất. Không còn có chuyện phải gò bó mình từ bỏ nguồn gốc để hòa nhập vào nền “văn hóa của người Tây”. Ít đi những việc như là phải lấy tên nước ngoài để thành công trong sự nghiệp, hay phải nói giọng chuẩn như đài BBC của Anh thì mới được tôn trọng và có sức ảnh hưởng.

Tuy nhiên, dù thế giới đã trở nên quốc tế hóa, nếu bản thân mình không cố gắng, không học hỏi, không phát triển một tư duy cởi mở, không năng nổ bước ra khỏi vùng an toàn để tiếp cận với những cái mới, thì sẽ không thể nào hòa nhập.      

Sau đây là một số điều từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, mình hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn trẻ muốn hòa nhập cuộc sống trong quá trình khám phá sinh sống, học tập và lập nghiệp ở vùng đất mới:

1. Chịu khó trau dồi ngôn ngữ

Điều này chắc ai cũng biết. Nếu không có ngôn ngữ thì không thể nắm được những điều đang xảy ra trong cuộc sống, không thể bắt kịp với thông tin đài báo, không thể xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh, không thể học tập khám phá, không thể xin được việc làm tốt, và quan trọng là không thể cho mình cái tự tin để ngẩng đầu nhìn lên và nhìn ra xung quanh.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn cần phải nói tiếng Anh giọng chuẩn như đài BBC, cái quan trọng là đạt được mức độ tiếng Anh thông thạo, có thể nói năng tự nhiên, không cần phải ngừng lại suy nghĩ từ vựng quá nhiều, một chút lỗi ở chỗ này chỗ kia cũng không sao, miễn là tổng thể người nghe vẫn hiểu mình đang nói gì. 

Mình đã viết và chia sẻ một bài cụ về việc học tiếng Anh ở đây. Mình cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm thi tiếng Anh nói IELTS trong bài viết này.

2. Khám phá văn hóa lối sống

Chuyển tới vùng đất mới, bạn vẫn hoàn toàn có thể duy trì lối sống và văn hóa truyền thống của một người Việt. Điều này không có gì là sai hay cần phải thay đổi. Tuy nhiên hãy chịu khó dành thời gian tìm hiểu về văn hóa lối sống của vùng đất mới để mở mang đầu óc cho bản thân và hiểu thêm về những con người đang sống ở xung quanh mình.

Bạn vẫn có thể treo cành lộc xuân đón Tết, vẫn nấu bánh trưng, vẫn tụ tập bạn bè hát karaoke đón năm mới âm lịch. Nhưng cũng hãy tìm hiểu xem người Anh đón Giáng Sinh như thế nào, tới thăm những người bạn, người hàng xóm vào dịp Giáng Sinh để hiểu thêm về truyền thống của họ.

Bạn vẫn có thể nấu đồ ăn Việt ở nhà, ra ngoài đi nhà hàng Việt. Nhưng cũng hãy ghé qua các quán pub của người Anh, các quán mỳ ống của người Ý, quán cà ri của người Ấn Độ, hay quán kebab của người Trung Đông.

Bạn vẫn có thể đọc sách tiếng Việt mang từ Việt Nam sang, theo dõi những trang báo Việt Nam, nghe nhạc Việt, xem phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhưng cũng hãy thử đọc những cuốn sách tiếng Anh đang phổ biến trong hiệu sách, theo dõi những trang nhật báo địa phương, đến nhà hát để nghe nhạc kịch, và xem những TV Series của Anh của Mỹ đang nổi trên Netflix…  

Cứ từ từ dần dần để bản thân trải nghiệm những điều mới mẻ, và một ngày những cái điều mới mẻ này không còn mới mẻ nữa, mà nó sẽ trở thành thân thuộc.  

3. Xách ba lô lên và đi

Không chỉ khám phá đồ ăn, khám phá các lễ hội, khám phá âm nhạc nghệ thuật, mà hãy vách ba lô lên và khám phá những các nẻo đường ngõ ngách của vùng đất mới này.

Bạn không thể nào gọi là đã biết nước Anh, nếu bạn chưa từng đặt chân ra khỏi Luân Đôn. Cũng như bạn không thể nào đã gọi là biết nước Mỹ, nếu chưa từng đặt chân ra khỏi New York. Hay gọi là biết đất nước Việt Nam, nếu bạn chưa đặt chân ra khỏi thành phố của bạn.

Cũng như ở Việt Nam có sự khác biệt vùng miền, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có sự khác biệt vùng miền như vậy. Càng đi nhiều, bạn sẽ càng nhìn được sự đa dạng, sự mới mẻ, sự tươi đẹp của vùng đất mới, và bạn sẽ càng thêm hiểu và yêu mến vùng đất này.   

Mình đã viết nhiều bài ghi lại những vùng đất của Anh Quốc mình đã đi qua, các bạn có thể xem thêm ở link này.

4. Tìm kiếm cơ hội giao lưu

Một trong những điều tối quan trọng giúp cho quá trình hòa nhập cuộc sống đó là những mối quan hệ xã hội.

Nhiều khi những nỗi lo về công việc học tập ở trước mắt khiến các bạn trẻ dành hết thời gian vào việc học việc phát triển sự nghiệp thay vì chăm chút mối quan hệ xã hội. Lời khuyên của mình là hãy cứ chơi, cứ vui, dành thời gian giao lưu với những người xung quanh. Có cơ hội là nên lắm bắt, đừng nên ru rú trong phòng, trong thư viện, tại bàn làm việc.

Nếu bạn còn ở ghế nhà trường thì hãy đăng ký tham gia các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động ngoại khóa đoàn thể, các hoạt động networking với các anh chị đã đi làm. Nếu bạn đã đi làm thì nên chăm đi gym, đi chơi thể thao tập thể, đi uống sau giờ làm với đồng nghiệp, tham gia vào các hoạt động ngoài giờ của công ty. Nếu bạn là mẹ có con nhỏ, hãy tham gia vào các lớp hoạt động cho bé để làm quen với các bà mẹ khác.

Nhà thờ của Anh thường rất hoan nghêng và chào đón những người mới, có nhiều hoạt động giao lưu cho người trẻ tuổi, cũng có nhiều hoạt động cho các bà mẹ ở nhà trông con. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về văn hóa của Anh và kết thêm những người bạn tốt, hãy thử ghé quá nhà thờ trong khu vực của mình.

Và điều quan trọng là đừng chỉ nên làm quen với những người giống mình, nói cùng một thứ tiếng, xem cùng một bộ phim, hay ăn cùng một loại đồ ăn. Hãy phát triển một tư duy cởi mở, tìm cả đến những người khác mình, giao lưu, gặp gỡ và kết bạn.   

5. Chủ động mở lòng và không bỏ cuộc

Quan hệ ở đâu thì cũng thế, đều cần đến từ hai phía. Nếu mình không bắt chuyện với người ta, tại sao lại mong chờ người ta đến bắt chuyện với mình. Hãy đặt câu hỏi, hãy lắng nghe, hãy tìm hiểu xem người kia là ai, thích gì.

Trong một số tình huống nói chuyện nhóm, đặc biệt là khi còn ở ghế nhà trường, có thể một vài lần bạn sẽ chú ý người nói không nhìn vào mắt mình hay lướt qua như thể mình không tồn tại trong nhóm. Đừng quá buồn lòng vì chuyện đó.

Khi còn trẻ, mình đã từng chạnh lòng và cảm thấy lạc lõng. Nhưng rồi sau này mình nhận ra, một số người làm như vậy vì bản thân họ còn thiếu kinh nghiệm và chưa học biết phải giao tiếp với những người từ văn hóa khác như thế nào, chứ không phải vì họ không thích mình. Trong những trường hợp như vậy mình càng phải chủ động hơn để cho họ cái cơ hội được mở mang và phát triển.

Tuy nhiên điều này ngày càng ít xảy ra hơn trong môi trường việc làm quốc tế hóa như ở Luân Đôn vì mọi người đã dần quen thuộc với dân số đến từ khắp nơi trên thế giới.  

6. Duy trì những mối quan hệ lâu dài

Khi đã có cơ hội gặp gỡ giao lưu và kết bạn, hãy gắng duy trì những mối quan hệ này và biến nó thành một mối quan hệ lâu dài.

Bạn không cần phải ra sức duy trì mối quan hệ với tất cả những người đã gặp, nhưng hãy chọn lựa một số các mối quan hệ chất lượng và thi thoảng nhắn tin, thi thoảng hẹn gặp, thi thoảng mời qua nhà chơi, thi thoảng rủ nhau đi ăn uống, đi lượn phố.

Sau một thời gian dài khi nhìn lại, bạn sẽ nhận ra những người bạn này, những mối quan hệ bền vững lâu dài này, đã giúp bạn trở thành một phần của vùng đất này.  


Các link liên quan:

Link tới những bài viết trên báo Thanh Niên Online: Bài viết về tác giả của bạn Thúy HằngBài viết về truyện “Dấu yêu Cambridge

Link giới thiệu về mình cho những bạn đọc mới của blog: Giới thiệu

Link mua sách “Dấu yêu Cambridge” của mình về truyện tình yêu tình bạn tại trường đại học Cambridge (Anh Quốc) nơi mình từng theo học: Tiki | NXB Kim Đồng | Shopee Miền Nam| Shopee Miền Bắc

Link tới sách trên Goodreads: Goodreads


Mình hi vọng những chia sẻ trên hữu ích! Đừng quên đăng ký ở phần “Để lại email để theo dõi blog” để nhận thông báo khi có bài viết mới! Phần đăng ký nằm ở cuối bài viết này dưới mục bình luận nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi bấm nút “đăng ký”, nếu bạn không nhận được email yêu cầu xác nhận từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).

Xin chân thành cảm ơn mọi người đã ghé thăm blog mình nhé!
Ngân Jones @chuyencuangan


Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!