Quay trở lại Anh sau kỳ nghỉ

1. Rời Việt Nam, mình hạ cánh xuống sân bay Heathrow Anh Quốc. Không còn cái nóng 30 độ toát mồ hôi hột, mà là cái lạnh 5 độ tới co người. Nếu ở Việt Nam là mùi đất nóng ẩm, thì ở Anh là mùi mưa lạnh rét buốt.

Ngồi co ro trên ô tô nhìn ra bên ngoài. Những hàng ô tô thẳng tắp, những đồng cỏ xanh mướt một màu, những biển chỉ đường đồng đều một thứ ngôn ngữ quen thuộc. Chỉ hơn mười tiếng đồng hồ, trước mắt mình không còn sự nhộn nhạo tấp nập của một thành phố trên đà phát triển luôn cháy rực sức sống nữa, mà là sự bình yên dịu dàng của một nơi đã qua rồi cái thời công nghiệp bùng nổ.

Lạ thay, trong lòng mình bỗng trỗi dậy một cảm xúc trìu mến lạ lùng.

Về tới rồi…

Đã trở về với cuộc sống thường nhật…

2. Buổi sáng rảo bước tới chỗ làm.

Từ đằng xa đã nhìn thấy tòa nhà trắng đứng bệ vệ trong mưa, bước lại gần liền nhìn thấy gương mặt tươi cười quen thuộc của các bác bảo vệ.

Đồng nghiệp chào đón mình bằng những câu hỏi thăm về kỳ nghỉ.

Một đồng nghiệp bảo: “Hi vọng đã có người báo cho mày rằng chúng ta hiện vẫn đang ở trong khối châu Âu!”

Mình cười sặc. Nước Anh vốn định thoát ra khỏi khối châu Âu vào ngày 31 tháng 10. Mình đi làm lại đúng vào ngày 1 tháng 11, đáng ra là cái ngày định mệnh đã ra khỏi khối châu Âu, nhưng đã hoãn lại 3 tháng tới tháng một năm sau.

Mình gật gù: “Tao biết. Tao còn biết là chúng ta sắp có bầu cử vào tháng 12 này nữa nè.”

Thật buồn cười! Chỉ những điều đơn giản, câu chào hỏi đối thoại hàng ngày không có gì đặc biệt, mà khiến lòng mình ngập tràn một cảm giác thật dịu dàng, cảm giác bình yên của cuộc sống thường nhật, cảm giác mình là một phần của cuộc sống rất đỗi đời thường này.

3. Sau màn chào hỏi, mình bắt đầu kiểm tra email. Hai tuần cũng có trăm cái email để lướt qua.

Trong đống email, bỗng nhìn thấy cái calendar invite (email mời họp) với tựa đề “Ngan’s birthday drinks” (“Đi uống mừng sinh nhật Ngân”).

Mình bật cười, nhớ tới hôm còn ở Việt Nam, đang ngồi chơi tự dưng whatsapp nhấp nháy một group chat nổi lên với tựa đề “Ngan turns 31!” (“Ngân bước sang tuổi 31!”).

Mình giật mình vội mở ra.

Thì ra cậu đồng nghiệp từ chỗ làm cũ đang tổ chức nhóm đi uống sinh nhật cho mình. Cậu ấy biết mình sẽ chẳng bao giờ tự tổ chức cái gì vì mình không thích thu hút sự chú ý, nên năm ngoái đã tổ chức cho mình rồi. Cái nhóm whatsapp “Ngan turns 30!” năm ngoái giờ đã trở thành “Ngan turns 31!”.

Và bây giờ về tới nơi thì thấy cái calendar invite này, không kìm được một xúc cảm trìu mến nhẹ nhen nhóm trong tim.

Người ta nói người Anh chỉ thích xã giao và thường lạnh lùng giữ khoảng cách. Lúc mới sang Anh còn là sinh viên lạ lẫm với ngôn ngữ và văn hóa nơi này, mình cũng cảm thấy khó làm quen với người Anh bản xứ.

Nhưng ở đây một thời gian, mình nhận ra không phải đơn thuần do người ta lạnh lùng giữ khoảng cách, mà là một phần do mình chưa đủ hiểu và chưa đủ mở lòng để bước vào thế giới của người ta. Ví dụ như muốn người ta ngồi xuống ăn món Việt Nam với mình, thì mình cũng phải sẵn lòng cùng người ta đi pub.

Người Anh thì cũng như người Việt thôi, có người mình sẽ hợp và có người mình không hợp, và một khi mình chân thành muốn làm bạn với ai đó, người ta cũng sẽ đáp lại bằng sự chân thành.

4. Sau khi đã xem hết những email quan trọng, mình liền soạn một email gửi cho mọi người trong đội của mình và hai đội bên cạnh mời mọi người nếm thử món kẹo mè xửng và hạt sen mình mang từ Việt Nam sang.

Thường những email kiểu này có tính thông báo không mong hồi đáp. Nhưng có hai đồng nghiệp đáp lại email của mình. Kèm theo lời cảm ơn là câu:

“Welcome back, Ngan!” (“Chào đón mày trở lại, Ngân!”)

Mình mỉm cười.

Mình thực sự cảm thấy mình đã quay trở lại.

5. Trong thời gian này, bố mẹ chồng mình cũng lên chơi. Gọi là lên chơi nhưng chủ yếu là giúp mình trông con trong lúc đi làm, vì con mình vẫn đang nghỉ giữa kỳ.

Mình có biết bao nhiêu điều muốn kể với bố mẹ về chuyến đi thăm Việt Nam lần này. Bố mẹ hỏi và mình cứ kể. Mình kể rất nhiều, về chuyến đi thăm quan, về bố mẹ gia đình ở Việt Nam. Thậm chí mình còn muốn có cơ hội đứng riêng rửa bát riêng với mẹ chồng để có thể kể thêm với mẹ về những quan sát suy nghĩ và cảm nhận của mình về chuyến hồi hương.

Cảm giác muốn nói nữa muốn nói thêm nữa này khiến mình chợt nhận ra không biết từ bao giờ mình đã vô cùng thích tâm sự với bố mẹ chồng. Vì mình biết ông bà có hứng thú và quan tâm thực sự tới những câu chuyện của mình.

Mẹ chồng mình nhắc tới vụ việc về 39 người nhập cư chết trên chiếc xe tải vào Anh. Bà bảo: “Lúc đầu mẹ nghe báo chí nói đó là người Trung Quốc, mẹ thấy buồn cho họ. Nhưng khi nghe nói đó là người Việt Nam, mẹ bỗng cảm thấy buồn thương hơn hẳn.”

Với bố mẹ chồng mình, Việt Nam đã trở thành một đất nước thật gần gũi thân thương, một nơi mà mỗi khi nghe loáng thoáng đâu đó sẽ ngay lập tức thu hút sự chú ý của ông bà.

6. Vậy là sau hơn 14 năm, từ một du học sinh một thân một mình trên đất khách quê người, giờ mình đã có gia đình, người thân, bạn bè…

Gần bước qua tuổi 30 mươi, khi số năm mình sinh sống ở Anh gần bắt kịp số năm trên đất Việt, cuối cùng mình cũng cảm nhận được rõ hơn về danh tính của mình.

Giống như việc mình có hai hộ chiếu, mình không thuộc về hẳn một nơi.

Mình là sự kết hợp của hai miền tổ quốc.

Việt Nam là quê hương là cội nguồn, Anh Quốc là nhà là hiện tại.

❤️

P/S Ảnh: Nghệ sĩ múa Anna trên đường phố Cardiff, xứ Wales, Anh Quốc

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!